Thủy Sản Quảng Ngãi Một Năm Bội Thu

Năm 2014, vùng biển miền Trung “luôn dậy sóng”. Nhưng ngư dân Quảng Ngãi vốn can trường, vẫn kiên trì bám vùng biển chủ quyền để mang về đất liền những khoang thuyền đầy tôm, cá.
Một năm “thuyền vui lướt về”Quảng Ngãi được chọn làm nơi thực hiện thí điểm triển khai các chính sách ưu đãi phát triển kinh tế biển, nên năm 2014 ngành thủy sản Quảng Ngãi đã tiên phong trong việc đóng mới tàu vỏ thép và tu sửa, nâng cấp tàu thuyền theo hướng hiện đại. Nhờ vậy mà số lượng tàu thuyền có công suất lớn ở Quảng Ngãi phát triển khá nhanh. Tổng số tàu đã đăng ký trong toàn tỉnh lên đến 5.462 chiếc, trong số này tàu nhỏ dưới 20CV chỉ chiếm 20%.
Nhờ đó, tổng công suất tàu thuyền cũng tăng nhanh. Vào cuối năm 2013, tổng công suất đạt khoảng 885.000 CV thì đến cuối năm 2014 đã vượt hơn 1 triệu CV. Chất lượng tàu thuyền đánh cá ở Quảng Ngãi ngày càng hiện đại, phần nào đáp ứng được nhu cầu khai thác hải sản ở các ngư trường xa, như Hoàng Sa, Trường Sa, đem lại hiệu quả lớn.
Tiếp sức cho những con tàu rẽ sóng ra khơi, năm 2014, Quảng Ngãi đã hỗ trợ nhiên liệu, mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên và mua máy thông tin liên lạc cho ngư dân với số tiền hơn 140 tỷ đồng. Quảng Ngãi cũng đã sớm triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7.7.2014 về một số chính sách phát triển thủy sản, giúp ngư dân tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Qua đợt đầu tiên đã xét duyệt cho vay đầu tư đóng mới 40 tàu và nâng cấp 4 tàu, trong đó có 15 tàu vỏ thép và 2 tàu vỏ composite.
Chính sự trợ lực kịp thời từ đất liền nên ngư dân Quảng Ngãi đã vượt qua trở ngại, bất chấp hiểm nguy, kiên trì bám biển, nhất là các ngư trường xa để khai thác thủy sản. Tổng sản lượng khai thác trong năm qua ước đạt trên 150 nghìn tấn, đạt 106% kế hoạch, trong đó chủ yếu lượng thủy sản khai thác từ các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.
Bước tiến trong nuôi trồng thủy sản
Cùng với đánh bắt, công tác nuôi trồng thủy sản cũng thu về những tín hiệu tích cực. Năm 2014, thời tiết không thuận lợi do đầu năm xuất hiện đợt lạnh kéo dài và sau đó nắng nóng liên tục, nhưng tổng diện tích thả nuôi thủy sản trong tỉnh vẫn đạt trên 1.510ha, đạt 108% kế hoạch. Trong số này có gần 600ha tôm sú và tôm chân trắng, sản lượng thu hoạch đạt 4.746 tấn. Nhìn chung, người nuôi tôm đã chủ động giảm mật độ nuôi để thu hoạch đạt tôm cỡ lớn, giá thu mua cao. Hiện nay, với mật độ thả nuôi 150 con/m2, cỡ tôm thu hoạch 50-70 con/kg, tính bình quân người nuôi tôm lãi hơn 100 triệu đồng trên diện tích 2.550 m2/vụ nuôi. Mô hình nuôi tôm chân trắng hai giai đoạn hiện được áp dụng rộng rãi ở dọc các vùng biển đã hạn chế đáng kể tình trạng tôm chết sớm.
Ngoài nuôi tôm chân trắng và tôm sú, trên địa bàn tỉnh còn có một số đối tượng nuôi khác như cá chẽm, cá dìa, cá mú, cá măng, cua… Nhiều nơi cũng đã triển khai nuôi trồng thủy sản nước mặn được với các đối tượng nuôi là tôm hùm, cá bớp, cá hồng đỏ, cá mú, hàu… cho sản lượng ước đạt 208 tấn.
Ở những vùng nước ngọt, người dân đã tận dụng mặt nước, ao hồ để thả nuôi các loài cá truyền thống như trắm, mè, trôi, chép, lóc, rô phi đơn tính… Nhờ đó, diện tích thả nuôi trên toàn tỉnh đạt trên 875 ha, đạt 109,5% kế hoạch. Hình thức nuôi chủ yếu là quảng canh, quảng canh cải tiến trong ao nhỏ và hồ đập thủy lợi, sử dụng thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp của hộ gia đình với mức đầu tư thấp. Dù vậy, sản lượng thu hoạch nuôi cá nước ngọt được 1.384 tấn, đạt 110%, năng suất bình quân đạt 1,6 tấn/ha.
Ông Phan Huy Hoàng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhận xét: Năm 2014 là năm ngành thủy sản Quảng Ngãi đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và giành được thành quả, nhất là trong lĩnh vực đóng mới, sửa chữa nâng cấp tàu thuyền và khai thác thủy sản ở các ngư trường xa như Hoàng Sa, Trường Sa... Triển vọng trong những năm tới, nhờ thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có thủy sản, đồng thời với việc triển khai thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, hy vọng ngành thủy sản Quảng Ngãi sẽ ngày càng phát triển ổn định, vững chắc, đáp ứng với yêu cầu của ngành trong tình hình mới.
Chủ động cung cấp giống
Trong năm 2014, Trung tâm Giống thủy sản đã sản xuất giống chủ lực đạt 40 triệu con tôm giống và 1,2 triệu cá giống các loại. Đối với giống mới đã sản xuất được 0,6 triệu giống cua xanh, 4,5 triệu giống tôm rảo và 0,13 triệu giống cá rô phi đơn tính, đáp ứng được phần lớn nhu cầu giống thủy sản trong tỉnh.
Có thể bạn quan tâm

Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Khánh Hòa về việc triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH-CN vào thực tiễn năm 2013, đề tài “Bước đầu nghiên cứu ấp nuôi nhân tạo chim yến hàng Aerodramus Fuciphagus Amechanus làm cơ sở khoa học cho việc phát triển đàn yến trong nhà ở Khánh Hòa” đã được Công ty Yến sào Khánh Hòa triển khai ứng dụng vào thực tiễn cho kết quả rất tốt.

Thống kê sơ bộ, trong trận lũ lụt kinh hoàng từ đêm 15.11.2013 ở Quảng Ngãi, trận lũ mà đỉnh lũ trên sông Trà Khúc và sông Vệ đều vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999 tới 40cm, toàn tỉnh đã có hơn 280.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Gia súc thì chủ yếu là bò và heo. Gia cầm thì chủ yếu là gà và vịt.

Có thể nói Thiện Mỹ là địa bàn tập trung sản xuất lúa chất lượng cao nhiều nhất huyện Trà Ôn (Vĩnh Long). Một thời giống lúa Jasmine 85 (lúa thơm) khởi phát từ đây có tiếng xa gần. Rồi thăng trầm, Jasmine có giai đoạn giảm dần diện tích đến mức thấp nhất. Lúc đó, giống lúa OM4900, OM5451, OM4218,... thay màu xanh đất lúa.

Theo đó, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao trên nền ao tôm nước lợ được áp dụng thí điểm diện tích là 6 ha của 15 hộ tại ấp Phạm Kiểu, xã Vĩnh Hiệp được Trung tâm Khuyến nông Sóc trăng hỗ trợ về giống, trạm khuyến nông thị xã hỗ trợ về kỷ thuật; đến nay lúa đã 50 ngày tuổi, phát triển tốt và đang nở bụi đẻ nhánh.

Tỷ lệ cho phép quả non và xanh của cà phê thu hoạch chỉ chiếm dưới 5%, tuy nhiên bằng mắt thường có thể thấy, tại Quảng Trị tỷ lệ này đã vượt 20%.