Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thủy sản nội địa hút người dùng

Thủy sản nội địa hút người dùng
Ngày đăng: 27/08/2015

Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thủy sản chế biến tại thị trường nội địa tăng mạnh trong mấy năm trở lại đây do người tiêu dùng (NTD) thay đổi thói quen, “chịu” mua hàng đông lạnh.

“Năm 2013, giá trị sản phẩm thủy sản nội địa chỉ khoảng 8.400 tỉ đồng nhưng đến năm 2014 đã tăng lên 13.000 tỉ đồng. Dự kiến trong năm nay, giá trị sản phẩm thủy sản tiêu thụ nội địa sẽ đạt mức 15.000 tỉ đồng” - ông Ngô Quang Tú, Trưởng phòng Chế biến, bảo quản thủy sản - Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, dẫn chứng.

Chả giò, há cảo, lẩu… hút khách

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM Saigon Food, cho hay lâu nay NTD trong nước có thói quen mua thực phẩm, thủy hải sản tươi sống nên doanh nghiệp (DN) ngại đầu tư sản xuất các mặt hàng thủy sản chế biến. Thế nhưng xu hướng này đã thay đổi. NTD chuyển hướng sang mua thực phẩm đông lạnh chế biến sẵn, tiện lợi vì cuộc sống ngày càng bận rộn hơn.

Dẫn chứng cho nhận định này, bà Lâm cho biết theo khảo sát của Saigon Food trên các hệ thống siêu thị lớn ở TP.HCM mới đây cho thấy tỉ trọng mặt hàng thủy sản chế biến đông lạnh đã chiếm tới 60% trong các mặt hàng thực phẩm chế biến đông lạnh như rau củ, thịt, kem và thực phẩm khác.

“Các sản phẩm chế biến ăn liền được nhiều NTD lựa chọn như chả giò hiện có tới hơn 100 nhà cung cấp, chiếm sản lượng tiêu thụ nhiều nhất với 25% trong các mặt hàng thủy sản chế biến. Lẩu đông lạnh đóng gói đứng thứ hai, xếp sau là há cảo, hoành thánh nhân hải sản, các loại cá tẩm gia vị, hải sản viên, hải sản tẩm bột” - bà Lâm thông tin.

Đại diện một DN chế biến thủy sản khác thừa nhận trước đây chủ yếu làm hàng xuất khẩu, bỏ trống thị trường nội địa cho sản phẩm ngoại nhập. Chính vì vậy thị phần nội địa của DN này chỉ chiếm khoảng 10%, nhưng mấy năm nay hàng cung ứng cho nội địa đã đạt 30%.

“Chúng tôi sản xuất các mặt hàng mà người mua về có thể hấp, chiên, nấu… không cần phải tốn công nhiều để sơ chế, tẩm ướp gia vị. Những mặt hàng này hút khách hơn các mặt hàng thủy hải sản sơ chế đông lạnh thông thường. Từ đó, chúng tôi đang đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản, đặc biệt là đầu tư cho các sản phẩm chế biến sẵn mới lạ, phù hợp với khẩu vị người Việt”.

Mua 1 kg về nhà còn hơn… 300 g

Nhờ việc vừa đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu vừa quan tâm đến thị trường nội địa, mặt hàng thủy sản chế biến của các DN trong nước đã chiếm lĩnh thị phần, các DN ngoại chỉ có một số mặt hàng như surimi (thịt cua, cá xay trộn với nhiều nguyên liệu phụ…).

Tuy nhiên, bà Lâm nhận xét hàng thủy sản chế biến vào siêu thị để đến tay NTD đang phải chịu mức chiết khấu vào giá cao, có khi lên tới 15%-20%.

“Đó là chưa kể khi các kênh phân phối thực hiện các chương trình khuyến mãi hoặc mở điểm bán mới, nhà cung cấp phải hỗ trợ phí khuyến mãi như giảm giá bán 15%-30%. Các chương trình khuyến mãi đều theo siêu thị nên DN luôn bị động” - bà Lâm nói.

Một nghịch lý khác, theo ông Ngô Quang Tú, giá thủy sản xuất khẩu đôi khi lại thấp hơn so với bán trong nước. Nguyên nhân là do phí vận tải, phân phối cao. Chẳng hạn cá tra phi lê đông lạnh xuất khẩu giá 56.000-60.000 đồng/kg nhưng cá tra cắt khúc đông lạnh bán ở trong nước 70.000-80.000 đồng/kg, phi lê 90.000 đồng/kg.

Ông Tú cũng cho rằng: “Một số DN gian lận về trọng lượng như ngâm nước, nâng tỉ lệ mạ băng… để tăng trọng lượng. Vì vậy mới có chuyện mua mực đông lạnh trọng lượng gần 1 kg nhưng về rã đông để nấu còn hơn… 300 g”.

Về phía siêu thị, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, nhận xét chất lượng sản phẩm thủy sản tiêu thụ nội địa chưa cao, thiếu những sản phẩm cao cấp. Hệ thống phân phối của các DN chưa phát triển rộng. “Những mặt hàng mùa vụ cũng chưa được triển khai nhanh, đúng lúc đến các siêu thị, do vậy các nhà bán lẻ phải tự tìm kiếm thông tin, tổ chức thu mua mới có hàng” - bà Thủy cho biết thêm.


Có thể bạn quan tâm

Hướng Dẫn Trồng Dừa Xiêm Xanh Hướng Dẫn Trồng Dừa Xiêm Xanh

Dừa xiêm xanh là loại dừa dùng để uống nước, nó là cây đặc sản của xứ dừa Bến Tre; thời gian từ khi trồng đến khi cây cho trái “chiến” từ 2,5 đến 3 năm (tùy vào điều kiện chăm sóc)

05/05/2011
Trồng Mận An Phước Trồng Mận An Phước

Mận An Phước thuần giống có dạng hình trái quả dài, lớn trái, màu vỏ tím đỏ sọc trắng mờ rất đẹp; thịt trái giòn, ngọt, không hột. Với các đặc điểm trên cộng với sản lượng không lớn trên thị trường, mận An Phước có giá bán rất cao

13/02/2011
Khắm Khá Từ Mô Hình Nuôi Hàu Lồng Khắm Khá Từ Mô Hình Nuôi Hàu Lồng

Lồng hàu anh em mới vừa xem là của 05 hộ nghèo trong ấp, họ được hỗ trợ 150 triệu đồng để kết bè gồm 36 lồng và thả con giống, đến nay đã thu hoạch 02 vụ được 80 triệu, còn 70 triệu nữa là đủ vốn

07/05/2011
Vươn Lên Làm Giàu Nhờ Nuôi Chim Cút Vươn Lên Làm Giàu Nhờ Nuôi Chim Cút

Ấp ủ niềm đam mê nuôi chim chóc từ thuở nhỏ, lớn lên lấy vợ rồi lập nghiệp, anh Lê Hữu Dũng, ở thôn Kim Đâu, xã Cam An (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) vẫn không nguôi ước mơ về một trang trại chim ngay trong vườn nhà mình. Sau những đêm trằn trọc, suy nghĩ anh quyết định phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình trang trại nuôi chim cút

08/01/2011
Cách Làm Cho Cây Bưởi Cho Thu Hoạch Quả Vào Đúng Tết Cách Làm Cho Cây Bưởi Cho Thu Hoạch Quả Vào Đúng Tết

Vườn nhà tôi trồng được 3 cây bưởi trưng có quả to (nặng 6 – 7kg), vỏ mầu xanh vàng rất đẹp. Loại bưởi này chủ yếu dùng để trưng trên bàn thờ cúng tổ tiên vào những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, vì thế có giá bán rất cao

15/05/2011