Thương lái Trung Quốc bày trò ép giá tôm hùm

Khác với hình thức phân loại để mua như những thời điểm trước đây, gần đây thương lái Trung Quốc đến vựa tôm hùm thương phẩm ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, Bình Định để thu mua tôm theo kiểu đổ đồng với giá từ 1,1 - 1,2 triệu đồng/kg, thấp hơn 200.000 - 500.000 đồng/kg so với trước.
Theo những người nuôi tôm hùm ở xã Nhơn Hải, vào thời điểm đầu vụ cách đây hơn 1 tháng, thương lái đến thu mua theo kiểu phân loại.
Trong đó, tôm loại I nặng hơn 1 kg, mua với giá 1,5 - 1,6 triệu đồng/kg; tôm loại II nặng từ 0,8 kg đến dưới 1 kg/con, mua giá 1,3 - 1,4 triệu đồng/kg và tôm loại III nặng từ 0,6 kg đến dưới 0,8 kg/con, mua giá 1,1 - 1,2 triệu đồng/kg.
Thấy thương lái thu mua tôm loại I, II cao, nhiều người tiếp tục giữ lại nuôi để bán giá cao hơn.
Tuy nhiên, cách đây vài ngày, khi phần lớn tôm hùm đã đạt loại I, loại II thì thương lái chỉ đặt hàng duy nhất tôm loại III.
Vì không biết bán cho anh nên người dân đành phải chấp nhận bán tôm loại I, loại II với giá loại III, tức thấp hơn 200.000 - 500.000 đồng/kg so với giá trị thực.
“Đầu mùa, thấy tôm loại I bán được với giá cao, chúng tôi cố giữ lại để nuôi thêm một thời gian nữa rồi bán.
Đâu ngờ thương lái Trung Quốc lại giở trò để đè giá như vậy.
Giờ không bán cho họ thì cũng chẳng biết bán cho ai.
Với giá bán như hiện nay, hầu hết người nuôi tôm ở đây bị lỗ nặng” - ông Phạm Minh Hùng, một chủ hộ nuôi tôm hùm thương phẩm ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải, than thở.
Đây không phải lần đầu thương lái Trung Quốc đột ngột thay đổi chủng loại tôm để mua với giá thấp.
Cách đây 3 năm, thương lái Trung Quốc cũng đã giở trò mua tôm như thế này khiến người nuôi tôm ở Nhơn Hải lỗ chỏng vó.
Ông Ngô Đức Tình, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết địa phương hiện có khoảng 100 hộ nuôi tôm hùm.
Thời gian qua, tôm hùm nuôi thương phẩm ở địa phương chủ yếu được bán theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, do vậy giá cả thường do thương lái Trung Quốc quyết định.
Trước việc thu mua tôm thất thường thời gian qua, chính quyền đã nhiều lần cảnh báo người dân nên cẩn trọng nhưng nhiều người vẫn mắc bẫy.
Có thể bạn quan tâm

Ở vùng biển Gò Công, các sân nghêu như mỏ "vàng trắng" mang lại cho người dân vùng biển cuộc sống sung túc. Song, những năm gần đây, người nuôi nghêu lại lo lắng mỗi khi vào mùa thu hoạch; nhiều người mất ăn, mất ngủ vì nghêu.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, do thời tiết trong tháng 5 có những diễn biến bất lợi, nắng nóng gay gắt, nhiệt độ và độ mặn cao, làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, gây thiệt hại cho tôm nuôi.

Không như những năm trước, vụ nuôi thủy sản năm nay bà con ngư dân trên địa bàn huyện Quảng Điền đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do tình trạng nước lợ phục vụ nuôi trồng thủy sản bị ngọt hóa. Gần 644 ha tôm nuôi sau hai tháng chăm sóc không những không phát triển mà ngày càng còi cọc dần.

Từ ngày 11-5 đến ngày 20-5, hiện tượng tôm chết đột ngột ở Móng Cái (Quảng Ninh) khởi phát tại phường Hải Hòa với 39,94 ha/16 hộ dân. Trong số 3 mẫu tôm xét nghiệm dịch bệnh, kết quả cho thấy có 2 mẫu tôm bị nhiễm dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, 1 mẫu bị nhiễm bệnh đốm trắng.

Với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp, TP Cần Thơ đặt ra mục tiêu xây dựng ngành thủy sản trở thành ngành sản xuất hàng hóa hiện đại, có khả năng cạnh tranh cao, phát triển hiệu quả, bền vững gắn với bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, đảm bảo vệ sinh môi trường.