Thương Lái Thao Túng Đồng Tôm

Tôm sú nguyên liệu ĐBSCL khan hiếm nhưng nhiều ngày qua giá tôm nguyên liệu liên tục giảm. Làm ra sản phẩm nhưng giá cả hoàn toàn lệ thuộc vào thương lái và các nhà máy chế biến tôm.
Vừa thu hoạch 2 ao tôm diện tích 10.000m², sản lượng đạt hơn 8 tấn, ông Nguyễn Minh Đức, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) mất khoản lãi hơn 140 triệu đồng do giá tôm đang giảm. Đưa chúng tôi tham quan ao tôm cạnh nhà, chỉ tay về phía đồng tôm rộng hàng trăm hécta khu vực cánh đồng Tây của địa phương, ông Đức thở dài buồn rười rượi: “So với đầu tháng 8, giá tôm hiện nay đã giảm từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg (tùy loại). Giá tôm giảm thế này, năm nay người nuôi tôm xã Mỹ Long Nam mất đi tiền tỷ, trúng mùa mà không vui”.
Có chung tâm trạng như ông Đức, ông Nguyễn Văn Thậm, xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang bức xúc: Cách đây 20 ngày thương lái đến tại ao nuôi tôm mua với giá cao kỷ lục, từ 235.000 - 245.000 đồng/kg (loại 1), còn hiện tại đã giảm từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Đặc biệt, tôm loại 30 con/kg (phần lớn diện tích nuôi đạt kích cỡ này) giảm mạnh nhất, từ 169.000 - 175.000 đồng/kg xuống 156.000 - 160.000 đồng/kg.
Còn giá bán tôm cho Công ty CP Chế biến thủy sản Cửu Long cũng giảm mạnh nhưng để bán được sản phẩm, nông dân phải bắt số, xếp hàng theo thứ tự. “Nghịch lý của vụ tôm năm nay là tôm nguyên liệu khan hiếm nhưng giá tôm liên tục giảm.
Theo thống kê của chúng tôi so với đầu vụ thu hoạch cách đây khoảng 1 tháng, giá tôm loại 20 con/kg đã giảm từ 25.000 đến 27.000đồng/kg, loại 25 con giảm từ 15 đến 18.000đồng/kg, loại 30 con/kg giảm hơn 20.000 đồng/kg. Chỉ tính sản lượng thu hoạch toàn huyện đến thời điểm hiện nay 7.500 tấn (60% sản lượng), nông dân mất lãi hàng chục tỷ đồng”, ông Dương Tấn Đởm, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cầu Ngang phân tích.
Theo thông tin từ bà con nuôi tôm và ngành chức năng địa phương, giá tôm sú nguyên liệu do thương lái và nhà máy thu mua ở vùng tôm xã Mỹ Long Nam, Hiệp Mỹ Tây, Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang và huyện Duyên Hải hiện đang thấp hơn các tỉnh trong khu vực từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg.
Trong khi nhiều nhà máy chế biến tôm ở ĐBSCL đang “đói” nguyên liệu, phải hoạt động cầm chừng thì tại đồng tôm Trà Vinh, người nuôi tôm đang bị “bắt chẹt”. Có hay không việc thương lái “thao túng” thị trường tôm? Lý giải vấn đề bất hợp lý này, cũng có ý kiến cho rằng: Do nông dân thu hoạch đồng loạt, dẫn đến cung vượt quá xa cầu, kéo giá giảm xuống(!)
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay tại xã Tân Lập I, huyện Tân Phước (Tiền Giang) có trên 22 hộ trồng gấc với diện tích là 3,5 ha, trong đó đã có 15 hộ cây gấc đã cho thu hoạch trái, số hộ còn lại mới vừa trồng loại cây này. Được biết hiện nay giá gấc đang được thương lái thu mua với giá khá cao, trọng lượng trái gấc từ 800 gram trở lên có giá 15.000 đồng/kg, còn nhẹ hơn thì dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/kg.

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, bà Trần Thoại Phương (thôn Phước Tân, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) đã học hỏi kinh nghiệm nuôi rắn mối. Từ nguồn lãi nuôi rắn mối, bà đầu tư mở thêm trại nuôi thỏ. Nhờ thế, mỗi tháng, trang trại của bà cho thu nhập hàng chục triệu đồng.

Tuần qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang tổ chức xét duyệt đề cương đề tài “Ảnh hưởng của đệm lót sinh học lên năng suất và môi trường nuôi gà Tàu Vàng tại tỉnh Hậu Giang”, do thạc sĩ Nguyễn Thiết, Trường Đại học Cần Thơ làm chủ nhiệm.

Ngày 10.6, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đến thời điểm hiện nay, chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định và đang có dấu hiệu khởi sắc. Tập trung chủ yếu ở đàn gà công nghiệp do các hộ và trang trại hợp đồng nuôi cho một số doanh nghiệp nước ngoài nên có đầu ra ổn định.