Thương Lái Gom Hàng Giá Heo Tăng Mạnh

Thời gian gần đây, giá heo tại Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng, vùng Đông Nam bộ nói chung, đã tăng mạnh do thương lái ồ ạt thu mua heo mỡ. Giá heo tăng làm cho người chăn nuôi phấn khởi sau một thời gian dài lỗ nặng, tuy nhiên cũng tiềm ẩn không ít rủi ro nếu như thương lái ngừng mua.
Sau một thời gian dài lỗ nặng, giảm đàn, người chăn nuôi trong tỉnh đã bắt đầu tái đàn trở lại. Trong ảnh: Trang trại chăn nuôi của ông Trần Văn Việt, thôn Bàu Điển xã Đá Bạc (huyện Châu Đức).
Các hộ chăn nuôi tại các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc cho biết, thời gian gần đây nhiều thương lái từ phía Bắc vào tìm mua heo mỡ tại các trang trại lớn trên địa bàn. Hiện giá heo mỡ đang được bán với giá 44-46 ngàn đồng/kg, tăng 8-10 ngàn đồng/kg so với trước đây.
Ông Vũ Xuân Trường, hộ chăn nuôi heo tại xã Đá Bạc (huyện Châu Đức) cho biết, cách đây 3, 4 tháng mỗi lần cần bán heo gọi thương lái phải hối cả tuần nhưng họ cũng không tới mua. Bây giờ thì suốt ngày họ gọi điện thoại tới hỏi mua heo nhưng lại không có heo bán.
Trước đây, heo có trọng lượng hơn 120 kg rất khó bán, nhưng nay các thương lái lại chủ yếu mua heo có trọng lượng từ 120 kg trở lên, nhất là các loại heo mỡ. “Với mức giá hiện giờ thì sau gần 1 năm giảm đàn từ 600 con xuống 200 con, bây giờ chúng tôi đang chuẩn bị tái đàn. Tuy nhiên cũng thắc thỏm lo âu vì không biết giá cả có giữ được ổn định không”, ông Vũ Xuân Trường cho hay.
Là vùng dẫn đầu cả nước về số lượng trang trại chăn nuôi heo có quy mô lớn, số lượng đàn heo các tỉnh Đông Nam bộ chiếm 11,5% tổng đàn heo của cả nước, trong đó heo thịt khoảng 2,3 triệu con, heo nái 404 ngàn con. Gần 1 năm qua, tình trạng heo rớt giá đã khiến cho người chăn nuôi trong vùng phải giảm đàn vì lỗ nặng.
Tuy nhiên, trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây, việc các thương lái phía Bắc và Trung Quốc ồ ạt vào thu gom heo mỡ đã làm cho giá heo tăng lên hàng tuần, người chăn nuôi bắt đầu có lãi trở lại. Riêng tại Bà Rịa – Vũng Tàu, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh tiêu thụ 700-800 con heo (tương đương khoảng 60 tấn thịt), chiếm khoảng 63% khả năng cung ứng của các cơ sở chăn nuôi trong tỉnh.
Đối với thị trường ngoại tỉnh (chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh và một phần xuất đi các tỉnh phía Bắc, xuất sang Trung Quốc) khoảng 350-450 con/ngày, chiếm khoảng 37% sản lượng heo của tỉnh. Ông Thân Xuân Động, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Đức cho biết, do thời gian qua giá heo thấp, các trang trại lớn giữ heo lại chờ giá cao, nuôi tích mỡ từ 1,5-1,7 tạ/con mới bán.
“Tuy nhiên, người chăn nuôi không nên để heo quá lứa trên 1,2 tạ. Tuổi xuất chuồng của heo chỉ nên nuôi từ 5-6 tháng với trọng lượng từ 85-95kg, heo mới có phẩm chất thịt tốt. Ngoài ra, trọng lượng càng lớn thì lượng thức ăn tiêu hao nhiều, tốn công chăm sóc và tỷ lệ rủi ro cao”, ông Thân Xuân Động nói.
Theo ngành nông nghiệp, tình trạng thương lái Trung Quốc vào tận các tỉnh miền Đông Nam bộ để thu mua heo mỡ, heo hơi đang lặp lại hiện tượng như năm 2010-2011. Mới đây, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra tình trạng thu mua heo mỡ trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù chưa có dấu hiệu bất thường do thị trường Trung Quốc đang chuộng heo mỡ, tuy nhiên, Cục Chăn nuôi cũng khuyến cáo người chăn nuôi cần thận trọng, tránh tái đàn ồ ạt, không nên nuôi heo tích mỡ. Vì người tiêu dùng trong nước chuộng heo nhiều nạc, nếu như các thương lái ngừng mua heo tích mỡ giá heo có thể giảm như trước và heo mỡ lại rất khó tiêu thụ ở thị trường trong nước.
Có thể bạn quan tâm

Sau nhiều năm thất bát, năm nay ông đã chăm sóc theo đúng quy trình, thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật như làm cỏ, xới xáo tỉa cành, tạo tán, bón phân đầy đủ, phòng trừ sâu bệnh hại và hoàn chỉnh hệ thống tưới, thoát úng, nhờ vậy tỷ lệ cây đạt quả rất cao. Ước tính vườn bưởi của ông Cường có hơn 4.000 quả, dự kiến cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Cửu, Chủ tịch Hội Nuôi nhuyễn thể Giao Thủy là trùm của mọi ông trùm ngao miền Bắc. Hơn hai mươi năm trước ông đã du nhập con ngao méo Thanh Hóa về Giao Xuân (Giao Thủy, Nam Định) để nghề này dần trở nên thịnh vượng.

Bên cạnh đó, việc thực hiện đăng ký mã số nhận diện lần đầu và đăng ký lại được thực hiện độc lập hoặc đồng thời với việc xác nhận đăng ký nuôi cá Tra thương phẩm. Ngoài ra, đăng ký nuôi cá Tra thương phẩm bao gồm đăng ký diện tích và sản lượng nuôi.

Trong khuôn khổ Dự án "Cải thiện sức chống chịu với biến đổi khí hậu vùng ven biển Việt Nam, Campuchia và Thái Lan", chiều ngày 05-8, tại xã An Thạnh 3 (huyện Cù Lao Dung - Sóc Trăng) Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức buổi ra mắt mô hình bảo vệ nghêu bố mẹ.

Là huyện có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho cây chè sinh trưởng và phát triển, đặc biệt là giống chè Shan tuyết; những năm qua, cây chè được huyện Quang Bình (Hà Giang) xác định là cây kinh tế mũi nhọn, không chỉ xóa đói giảm nghèo, mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tích cực.