Thúc Đẩy Sản Xuất, Tiêu Thụ Rau An Toàn

Ngày 25.11, tại Hà Nội, Bộ NNPTNT tổ chức Diễn đàn an toàn thực phẩm ISG 2013.
Theo báo cáo của Cục Chế biến thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối, năm 2012, diện tích sản xuất rau cả nước là hơn 823.800ha, trong đó 120.000ha chuyên canh, 430.000ha luân canh; sản lượng rau đạt 14 triệu tấn. Mặc dù chủng loại rau rất đa dạng và phong phú, nhưng quy mô sản xuất rau hiện vẫn nhỏ lẻ, manh mún.
Riêng với rau an toàn (RAT), diện tích quy hoạch đến đầu năm 2013 là 71.728ha, trong đó diện tích đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT là 6.310ha; diện tích được cấp giấy chứng nhận VietGAP và các GAP khác là 491ha; diện tích sản xuất theo hướng an toàn là 16.797ha.
Ông Đoàn Xuân Hoà - Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thuỷ sản nhận định: Nhìn chung, sản xuất RAT hiện nay vẫn là quảng canh, chủ yếu sử dụng giống lai nhập nội, tỷ lệ cơ giới hoá gắn với sơ chế thấp, chưa chú trọng ứng dụng công nghệ cao và chưa kiểm soát được nguồn nước tưới... Do đó, diện tích RAT được chứng nhận thấp, hiệu quả sản xuất không rõ rệt, chưa có sự phân biệt rõ giữa RAT với rau thông thường.
Theo ông Trần Công Thắng (Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn), hiện sản lượng RAT, rau hữu cơ vẫn rất hạn chế và tăng chậm, chỉ chiếm 8-8,5% diện tích rau của cả nước. Ông Thắng cũng đưa ra ví dụ: Hà Nội hiện có hơn 7 triệu dân, nhu cầu rau xanh khoảng 2.600 tấn/ngày, tương đương 950.000 tấn/năm, nhưng sản lượng rau của Hà Nội hiện mới đạt 600.000 tấn/năm, trong đó RAT đáp ứng được 14-15%.
“Hạn chế của sản xuất RAT hiện nay là các hệ thống chứng nhận khá tốn kém và khó thực hiện; niềm tin của người tiêu dùng đối với RAT chưa cao; địa điểm kinh doanh, tiêu thụ RAT chưa thuận tiện...” - ông Thắng nói.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng, mục tiêu đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ RAT phục vụ nội tiêu và xuất khẩu đã được bộ giao cho các đơn vị thực hiện đề án triển khai. Đồng thời, việc quản lý theo chuỗi cũng cần được tăng cường, do vậy vấn đề sản xuất RAT càng đòi hỏi phải phát triển cả về diện tích, sản lượng cũng như hỗ trợ tiêu thụ.
Qua diễn đàn lần này, bộ sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các đơn vị, doanh nghiệp, nhà sản xuất để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hoàn thiện các chính sách nhằm hỗ trợ cho chuỗi sản xuất RAT từ trồng trọt, chế biến đến tiêu thụ.
Có thể bạn quan tâm

“Nếu cứ lo thất bại thì chẳng thể nào có ngày thành công. Tôi quyết định bỏ tiền ra thử trồng rau thủy canh theo công nghệ châu Âu một phen…” - bà Phạm Thị Thu Cúc, thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng chia sẻ.

Ông Nguyễn Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp thuộc Sở NN&PTNT, cho biết: Từ đầu năm đến nay, giá gỗ nguyên liệu để chế biến dăm xuất khẩu như bạch đàn, keo lai được các công ty trên địa bàn tỉnh Bình Định thu mua ở mức ổn định 1,25 triệu đồng/tấn, tăng 200 ngàn đồng/tấn so với thời điểm cuối năm ngoái. Với mức giá cao và ổn định như trên, người trồng rừng đang có lãi trên 500 ngàn đồng/tấn gỗ nguyên liệu.
Với sự nỗ lực của bà con nhân dân và địa phương, vụ sản xuất Đông Xuân trên địa bàn thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã kết thúc, đạt nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, do thời tiết trong năm có nhiều diễn biến hết sức phức tạp. Lượng mưa tiếp tục thiếu hụt khiến nước tại các hồ chứa như Suối Trầu, Sở Quan, Bến Ghe đã cạn nước.

Trong những năm qua, nghề trồng nấm ở Thanh Oai (Hà Nội) đã phát triển mạnh và đem lại hiểu quả kinh tế cao cho người sản xuất nấm, đồng thời giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động tại các địa phương.

Nếu Đề án Chuỗi giá trị tôm, cá toàn cầu của Minh Phú có cơ hội được thực hiện đầy đủ, doanh nghiệp này sẽ trở thành nhà sản xuất và chế biến xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới.