Thừa Thiên Huế loay hoay với giống lúa chất lượng

Chưa tìm được chỗ đứng
Cách đây chừng 5 năm, ngành nông nghiệp đã sản xuất thành công giống lúa HT1 chất lượng cao, được xem là bước đột phá trong nông nghiệp. Đây là giống lúa mới không chỉ phù hợp với chất đất, đồng ruộng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn tạo ra sản phẩm chất lượng, thơm, dẻo được thị trường ưa chuộng. Tính đến vụ hè thu năm 2015, giống lúa HT1 đã được nhân rộng khoảng 4.100 ha, song diện tích này vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng.
Không dừng lại giống lúa HT1, ngành nông nghiệp còn sản xuất thành công thêm nhiều giống lúa mới, chất lượng cao. Có thể kể đến giống Bắc thơm 7, có nhiều đặc tính vượt trội so với các giống thông thường, sản xuất thành công từ mấy năm qua, nhưng đến nay mới chỉ nhân rộng khoảng 260 ha, chủ yếu trong vụ đông xuân, còn vụ hè thu không sản xuất. Hay như các giống lúa HN6, HC4, RG 3.3… chất lượng cao, song mới chỉ sản xuất được vài chục ha tại một số hợp tác xã như Thủy Thanh, Phú Lương, Phú Hồ. Mới đây, giống lúa Thiên ưu 8 và SV181 được Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương và Công ty TNHH Liên Việt sản xuất thành công, song cũng chỉ mới dừng lại ở mô hình thí điểm là chính.
Kiểm tra giống lúa chất lượng cao
Các giống lúa có ưu điểm chung không chỉ tạo ra sản phẩm chất lượng cao, hướng đến xuất khẩu mà còn thích ứng với điều kiện tự nhiên, môi trường trên đất Thừa Thiên Huế; chịu các loại sâu bệnh, chống đổ ngã rất tốt; trổ tập trung, khả năng tạo hạt rất nhanh nên giảm thiểu tác động khi gặp thời tiết bất lợi trong giai đoạn trổ…
Chậm nhân rộng, do đâu?
Thực tế hiện nay, chỉ có giống lúa HT1 đang từng bước nhân rộng đại trà, còn lại các giống lúa mới chất lượng khác còn mang tính mô hình thí điểm, rất ít người dân biết đến; kể cả các hợp tác xã, chính quyền địa phương. “Đọc báo, xem ti vi nghe nhiều về các giống lúa chất lượng cao, rất muốn sản xuất thử nhưng không biết mua giống ở đâu, phương thức canh tác như thế nào, có gì khó khăn hay không. Sản xuất được thì sản phẩm bán cho ai, ở đâu?...”, nông dân Phan Tài ở xã Quảng An (Quảng Điền) trăn trở. Ông Nguyễn Tửu, Trưởng ban Kiểm soát, Hợp tác xã (HTX) Đông Phú (Quảng Điền) cho rằng, việc xây dựng mô hình thí điểm đòi hỏi nhiều yếu tố, về nguồn giống, phương thức canh tác, kinh phí đầu tư. Chi phí cho mỗi mô hình thí điểm, trình diễn diện tích khoảng vài sào, chưa biết thành công hay không, song cũng phải bỏ ra vài chục triệu đồng. Đây là khó khăn lớn mà hầu hết các HTX đều gặp phải và ngại sản xuất thí điểm giống lúa chất lượng cao.
Một yếu tố quan trọng được người dân quan tâm là thị trường tiêu thụ. Các giống lúa chất lượng cao đều mới lạ, khi làm ra sản phẩm không biết bán cho ai, tiêu thụ ở đâu. Nếu sản phẩm làm ra không bán được, hoặc khó bán thì sẽ gặp khó khăn trong việc tái đầu tư sản xuất. Ông Trần Quang Phước, Trưởng phòng Trồng trọt-Chăn nuôi thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cũng thừa nhận, thị trường tiêu thụ chính là rào cản lớn đối với ngành nông nghiệp và người dân trong việc nhân rộng các giống lúa chất lượng cao.
Cần sự liên kết
Thực tế cho thấy, chỉ cần mở rộng thị trường tiêu thụ thì có thể nhân rộng mô hình giống lúa chất lượng cao. Điển hình như HTX Phú Hồ, HTX Phú Lương, hay HTX Thủy Thanh 2 bước đầu tiếp cận được thị trường đã gieo trồng 260 ha giống lúa Bắc thơm 7. Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Phước, trước khi nhân rộng mô hình thì cần phải khảo sát, nắm bắt thị trường; tùy thuộc vào khả năng tiêu thụ để nhân rộng diện tích tương ứng, phù hợp.
Cũng theo ông Trần Quang Phước, vai trò của các HTX là rất quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm. Các HTX cần phải liên kết với nông dân, các doanh nghiệp để đầu tư sản xuất diện tích lớn, mang tính hàng hóa cũng như hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Giải được “bài toán” liên kết thì chắc chắn mô hình giống lúa chất lượng cao sẽ được nhân rộng và đầu ra sản phẩm thuận lợi. Vấn đề trước mắt, Nhà nước cần quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng mô hình sản xuất thí điểm, trình diễn tại các địa phương để làm cơ sở đánh giá tiềm năng, nhân rộng các mô hình. Và để mô hình giống lúa chất lượng cao được nhân rộng, cần sự vào cuộc đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành chức năng, trong đó sự năng động, linh hoạt, sáng tạo của các HTX có vai trò quan trọng, quyết định yếu tố thành công.
“Ngoài các giống lúa chất lượng cao nêu trên, hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đang chỉ đạo tiếp tục triển khai thí điểm, khảo nghiệm thêm nhiều mô hình giống lúa mới, có nhiều triển vọng. Tuy nhiên, để nhân rộng diện tích vấn đề mấu chốt là thị trường tiêu thụ. Giải quyết được khâu liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm thì việc nhân rộng mô hình các giống lúa chất lượng cao sẽ là điều đơn giản” - ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh
Có thể bạn quan tâm

Theo Cty CP Chế biến tinh bột sắn XK Bình Định (BDSTAR), từ đầu vụ SX (cuối tháng 8/2014) đến nay, giá thu mua sắn là 1.850đ/kg với sắn có hàm lượng tinh bột đạt 30%. “Giá sắn chỉ cần đứng ở mức 1.000đ/kg nông dân đã có lãi”, ông Phan Sĩ Hùng, Phó phòng NN-PTNT huyện Phù Cát (Bình Định), khẳng định.

Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, diện tích nhãn bị tái nhiễm bệnh “chổi rồng” khoảng 626 ha, trong đó 311 ha nhãn bị nhiễm bệnh “chổi rồng” dưới 5 - 10%, 280 ha bị nhiễm bệnh từ 15 - 20%, 35 ha nhiễm bệnh từ 30 - 75%. Diện tích nhãn bị tái nhiễm tập trung ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, TX. Gò Công và TP. Mỹ Tho.

Nền nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, đóng góp to lớn vào thành tựu chung của đất nước. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp những năm gần đây đang giảm dần và bộc lộ những hạn chế yếu kém của một nền nông nghiệp dựa trên kinh tế hộ manh mún, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Không giống như vụ Hè-Thu hàng năm là vụ sản xuất và kinh doanh lúa gạo khó khăn nhất trong năm, vụ lúa Hè-Thu 2014 tại Đồng bằng sông Cửu Long đến nay gần như đã kết thúc, lúa thu hoạch tới đâu được doanh nghiệp và thương lái thu mua hết đến đó với giá cao so với mọi năm.

Thị trấn Vàm Láng không chỉ được nhiều người biết đến với cảng cá lớn nhất khu vực Gò Công, Lễ hội Nghinh Ông, Di tích Lăng Ông Nam Hải… mà còn có làng nghề cá khô truyền thống. Cùng với các loại hình chế biến khác như lột ghẹ, lột tôm, chế biến mắm, tôm khô, ruốc khô… nghề phơi cá khô truyền thống đã góp phần đáng kể vào giải quyết việc làm cho lao động và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động tại địa phương.