Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thủ Tướng Phê Duyệt Đề Án Tái Cơ Cấu Nông Nghiệp

Thủ Tướng Phê Duyệt Đề Án Tái Cơ Cấu Nông Nghiệp
Ngày đăng: 13/06/2013

Ngày 10.6, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đề án đặt mục tiêu, đến năm 2020, thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng lên 2,5 lần so với năm 2008...

Đề án vừa được phê duyệt đặt mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành bình quân từ 2,6-3%/năm trong giai đoạn 2011-2015, từ 3,5-4%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực (bao gồm cả an ninh dinh dưỡng) cả trước mắt và lâu dài, góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo. Đến năm 2020, thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng lên 2,5 lần so với năm 2008; số xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 20% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020.

Một trong những định hướng chung mà đề án xác định là phát triển nông nghiệp hướng tới thực hiện các mục tiêu ưu tiên về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng.

Trồng trọt theo hướng sản xuất quy mô lớn

Về tái cơ cấu trong lĩnh vực cụ thể, đối với trồng trọt sẽ theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền. Bên cạnh đó, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tập trung đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch theo hướng hiện đại, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm. Đề án xác định duy trì và sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha diện tích đất trồng lúa; sản lượng lúa đạt trên 45 triệu tấn vào năm 2020; tập trung cải tạo giống lúa để nâng cao năng suất, chất lượng gạo...

Về giải pháp thực hiện các mục tiêu đề ra, đề án xác định 5 nhóm chính là: Nâng cao chất lượng quy hoạch; Khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân; Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đầu tư công; Cải cách thể chế; Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách.

Cơ cấu lại hệ thống tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân; phát triển các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Hỗ trợ tập huấn, khuyến nông và các dịch vụ tư vấn nhằm nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cho nông dân.

Phát triển chăn nuôi tập trung

Về chăn nuôi, đề án nêu rõ: Từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại; chuyển dần chăn nuôi từ vùng mật độ dân số cao (đồng bằng) đến nơi có mật độ dân số thấp (trung du, miền núi), hình thành các vùng chăn nuôi xa thành phố, khu dân cư.

Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm trong đàn vật nuôi; khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến chế biến để nâng cao năng suất, cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng. Hỗ trợ chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp, áp dụng kỹ thuật và công nghệ phù hợp để vừa tạo cơ hội sinh kế cho hộ nông dân vừa hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và tăng khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi.

Chuyển hướng đánh bắt xa bờ, viễn dương

Về thủy sản, qua tái cơ cấu sẽ tập trung sản xuất thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, rô phi, nhuyễn thể); khuyến khích nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt (GAP) phù hợp quy chuẩn quốc tế; ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng nuôi thâm canh ở đồng bằng sông Cửu Long, các khu vực ven biển Trung Bộ.

Giảm dần, tiến tới ổn định sản lượng khai thác thủy sản gần bờ; quản lý khai thác theo kích cỡ. Cùng với đó là chuyển khai thác bằng tàu công suất nhỏ hoạt động gần bờ sang khai thác bằng tàu công suất lớn hoạt động xa bờ, viễn dương; chuyển đối tượng, mùa vụ, ngư trường khai thác theo hướng khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt; phát triển lực lượng kiểm ngư trên biển. Đề án vừa được phê duyệt (có hiệu lực từ ngày ký) cũng đề cập việc tái cơ cấu trong lĩnh vực lâm nghiệp; sản xuất muối; phát triển công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn.


Có thể bạn quan tâm

Nông Dân Làm Giàu Nhờ Liên Kết Trồng Táo Nông Dân Làm Giàu Nhờ Liên Kết Trồng Táo

Là loại cây dễ trồng, rủi ro thấp, hiệu quả kinh tế cao, cây táo được nông dân ở Ninh Thuận chọn trồng rộng khắp, thay thế cho nhiều loại cây trồng kém hiệu quả trước đây. Với diện tích trồng gần 1.000 ha, cây táo đang dần trở thành cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương của tỉnh Ninh Thuận. Cùng với sự hỗ trợ của Dự án cạnh tranh nông nghiệp, sự chung tay liên minh sản xuất, đến nay nghề trồng táo ở Ninh Thuận đã phát triển theo hướng bền vững, nhiều hộ thành triệu phú nhờ trồng táo.

16/05/2012
Bác Phạm Phó “Mê” Nghề Nuôi Nhím Bác Phạm Phó “Mê” Nghề Nuôi Nhím

Ông Phạm Phó, ở thôn Quảng Thành 2, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), rời quê hương Mộ Đức, Quảng Ngãi vào sinh sống ở Châu Đức từ năm 1959. Năm nay, ông Phó đã 82 tuổi nhưng vẫn còn rất nhanh nhẹn, khỏe mạnh và say mê lao động. Ngoài việc trồng tiêu và các loại cây trái trong vườn, gần đây ông Phó còn thử nghiệm thành công mô hình nuôi nhím.

26/05/2012
Nông Dân Liên Kết Trong Chăn Nuôi Nông Dân Liên Kết Trong Chăn Nuôi

Nhờ mạnh dạn liên kết làm ăn theo mô hình Câu lạc bộ (CLB) mà thời gian qua, nông dân thôn An Tỉnh, xã Đức Thắng (Mộ Đức, Quảng Ngãi) không chỉ "né" được những rủi ro, nâng cao chỉ số lợi nhuận mà còn tạo sức lan tỏa trong phong trào phát triển chăn nuôi ở địa phương.

17/05/2012
Việt Nam Có Thể Soán Ngôi Thái Lan Về Xuất Khẩu Gạo Việt Nam Có Thể Soán Ngôi Thái Lan Về Xuất Khẩu Gạo

Thái Lan và Việt Nam hiện chiếm khoảng một nửa trong tổng số 35 triệu tấn gạo được buôn bán trên thế giới trong năm 2011, nhưng nhìn chung xuất khẩu gạo của hai nước này có phần giảm sút do Ấn Độ đang nắm giữ một thị phần ngày một ngày lớn trên thị trường gạo thế giới.

25/02/2012
Nghệ An: Vụ Cà Phê Thắng Lợi Kép Nghệ An: Vụ Cà Phê Thắng Lợi Kép

Dịp niên vụ cà phê 2011-2012 vừa kết thúc, chúng tôi tới thăm một số nông trường thuộc Cty TNHH MTV Cà phê Cao su Nghệ An. Vui, vì đi tới đâu cũng thấy nông trường viên hồ hởi, bởi đây là vụ cà phê được mùa, được giá nhất từ trước tới nay.

24/04/2012