Thu Nhập Trên 200 Triệu Đồng Từ Mô Hình Luân Canh Tôm - Lúa

Những năm qua, ở Bạc Liêu, mô hình luân canh tôm - lúa được nông dân các vùng chuyển đổi của tỉnh như Phước Long, Hồng Dân... áp dụng rất thành công. Mô hình này được khẳng định là hướng sản xuất bền vững, góp phần làm ổn định sinh thái đồng ruộng, cải thiện thu nhập cho nông dân.
Anh Lâm Thành Phúc (48 tuổi, ấp Phước Thọ Tiền, xã Phước Long, huyện Phước Long) là một trong những nông dân có hơn 10 năm liền áp dụng mô hình luân canh 2 vụ tôm - 1 vụ lúa trên diện tích 3,3 ha.
Những năm đầu, anh Phúc thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi còn hạn chế. Sau đó, nhờ được dự các lớp tập huấn khuyến nông - khuyến ngư và áp dụng vào mô hình nên năng suất lúa - tôm ngày càng đạt cao. Những năm gần đây, bình quân mỗi năm, anh Phúc thu nhập trên 150 triệu đồng. Riêng năm 2011, anh thu lãi 220 triệu đồng (tôm 160 triệu đồng, lúa 60 triệu đồng).
Anh Phúc cho biết: “Sau khi thu hoạch xong vụ lúa, vào khoảng 20/12 (âm lịch), tôi phơi vuông khoảng 20 ngày cho đất khô. Sau đó, bón vôi đá 20 kg/công (1.300 m2), đưa nước vào và kiểm tra các chỉ tiêu môi trường. Nếu đạt yêu cầu thì thả giống, mật độ khoảng 2 con/m2, không bổ sung thức ăn công nghiệp. Sau 3 tháng nuôi thì thu hoạch dứt điểm 1 lần và tiếp tục nuôi vụ 2”. Đầu tháng 8 (âm lịch), anh bắt đầu sạ lúa, giống Một bụi đỏ (có thời gian sinh trưởng khoảng 5 tháng), khả năng chịu mặn tương đối tốt, năng suất đạt 5 - 6 tấn/ha.
Theo anh Phúc, trồng lúa trên đất nuôi tôm chi phí rất thấp, mỗi công sạ khoảng 10 kg lúa giống (sạ lan), bón khoảng 30 kg phân các loại/công (trong đó, phân lân chiếm 50%), nhưng năng suất tương đối cao (5,4 tấn/ha), lúa ít sâu bệnh. Từ khi anh Phúc áp dụng mô hình luân canh tôm - lúa, năng suất tăng gấp đôi so với độc canh cây lúa, tôm mau lớn, ít rủi ro, chi phí đầu tư thấp.
Hiện nay, anh Phúc đã thu hoạch xong 2 vụ tôm với sản lượng 1,1 tấn. Trừ chi phí, anh còn lãi 160 triệu đồng. Và anh đang chuẩn bị đất để trồng 1 vụ lúa. Nhìn chung, mô hình luân canh tôm - lúa rất bền vững và cho thu nhập ổn định.
Có thể bạn quan tâm

Với 5.000 m2, lãi trên 100 triệu đồng/năm đó là mô hình trồng cam sành của ông Võ Minh Tuấn ở khu phố 10, thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh - Phú Yên).

Năm 2011, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học Công nghệ Nghệ An, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản Bắc Trung bộ đã xây dựng thành công dự án “Nuôi cá hồi vân thương phẩm tại xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn”

Nuôi cá ao là hình thức phổ biến nhất trong nhân dân. Người ta tính, sản lượng cá ao có khi chiếm tới 70-80% tổng sản lượng cá của cả vùng. Vì vậy, nuôi cá ao có vị trí hết sức quan trọng trong kinh tế ở nông thôn.

Vài năm gần đây, cây chuối ngự được coi là cây “xóa đói giảm nghèo” của người dân ở huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang). Thấy nguồn lợi từ cây chuối, nhiều người đã vô tư phá rừng để trồng chuối.

Dự kiến vào khoảng giữa tháng 3 này NM Đạm Cà Mau (Cty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau - Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN) sẽ kết thúc quá trình chạy thử nghiệm, chính thức đi vào hoạt động và bán sản phẩm tới tay nông dân.