Thu Nhập Ổn Định Từ Chăn Nuôi Bò Sữa

Vài năm gần đây, rất nhiều gia đình ở xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) chú trọng vào nghề chăn nuôi bò sữa. Nhờ sự cần cù, chịu khó của bản thân, sự hỗ trợ tích cực về vốn lẫn kỹ thuật từ chính quyền địa phương, người dân đã biết cách nuôi bò sữa hiệu quả và đã có cuộc sống no đủ hơn.
Một trong những người đi đầu trong việc chăn nuôi bò sữa ở Long Tân là anh Nguyễn Văn Khương. Qua trao đổi, anh Khương cho biết, năm 1985 hai vợ chồng anh rời quê Thanh Hóa vào Bình Dương làm công nhân. Được một thời gian, nhận thấy đồng cỏ tự nhiên ở đây nhiều, rất thích hợp cho việc chăn nuôi bò, nên năm 2001 anh đã quyết định nghỉ việc về nàh làm kinh tế theo cách riêng của mình. Vào thời điểm đó giá bò sữa khá đắt nên với số tiền giải quyết nghỉ việc được 10 triệu đồng, anh Khương chỉ mua được một con bê sữa về nuôi. Tính đến nay, đàn bò của anh đã có 30 con, trong đó có 17 con đã cho thu hoạch sữa với sản lượng khoảng 180kg, bán được 2 triệu đồng/ngày, trừ chi phí còn lãi trên 50%.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Khương còn thành lập tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa nhằm giúp nhau vượt qua khó khăn trong chăn nuôi. Hiện nay tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa xã Long Tân đã có 15 thành viên với tổng đàn bò sữa 170 con. Anh Khương cho biết: “Lúc đầu tổ hợp tác chỉ có vài thành viên, mỗi nhà chỉ có từ 1 - 2 con nhưng đến bây giờ nhờ vay vốn của Hội Nông dân và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Dầu Tiếng mà các thành viên đã phát triển đàn bò tăng lên từ 10 - 20 con, cuộc sống của bà con ngày càng được cải thiện”.
Cũng là một hộ chăn nuôi bò sữa hiệu quả sau khi tham gia tổ hợp tác, anh Phạm Văn Khôi cho biết, đầu năm 2007, sau khi quyết định nghỉ việc ở công ty, anh bắt tay vào chăn nuôi bò sữa. Hiện nay, đàn bò nhà anh đã có 25 con, trong đó có 7 con cho sữa. Với giá sữa ổn định như hiện nay (11.500 đồng/kg) mỗi ngày gia đình anh Khôi thu nhập bình quân gần 1 triệu đồng từ bò sữa.
Theo thống kê, toàn xã Long Tân hiện có 16 hộ chăn nuôi bò sữa với tổng số gần 180 con, tăng khoảng 40 con so với năm 2011. Ông Nguyễn Kim Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Tân cho biết: “Chăn nuôi bò sữa là hướng đi cho hiệu quả kinh tế khá cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã. Nhờ chăn nuôi bò sữa, thu nhập và đời sống của nhiều hộ nông dân địa phương được cải thiện rõ rệt”.
Theo các hộ nông dân chăn nuôi bò sữa, đầu ra cho sản phẩm sữa hiện nay khá ổn định, hơn nữa bò sữa cũng ít bị dịch bệnh so với các vật nuôi khác nên người nông dân có thể yên tâm sản xuất. Việc thành lập tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì còn rất nhiều khó khăn.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Long Tân Trần Văn Hưng cho biết: “Hiện nay chúng tôi cũng đang hoàn thành thủ tục để đề xuất lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thành lập HTX chăn nuôi bò sữa. Khi HTX được thành lập, người dân sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phát triển loại hình kinh tế tập thể này. Đồng thời cũng sẽ đề nghị lên huyện xem xét để người dân có đất công để thuê, giúp họ chủ động được nguồn cỏ làm thức ăn cho đàn bò”.
Có thể bạn quan tâm

Trong những năm gần đây, phong trào phụ nữ đầu tư chăn nuôi bò phát triển khá mạnh ở thôn Hòa Hiệp, xã Bình Tường (Tây Sơn - Bình Định). Ngoài cây lúa thì lợi nhuận từ nuôi bò là nguồn thu chính của nhiều hộ dân ở đây để trang trải cuộc sống.

Trong khi nhiều thôn, xã vẫn đang loay hoay việc lựa chọn trồng cây gì, nuôi con gì để đem lại giá trị kinh tế cao nhất thì ở thôn Tân Bình 2, xã Bình Xa (Hàm Yên - Tuyên Quang), lâu nay con lợn đã được định hình là con làm giàu của người dân trong thôn. Chuyện nuôi lợn tưởng như ở đâu cũng thế, nhưng có nghe người chăn nuôi kể chuyện mới thấy cũng lắm công phu.

Cây hồ tiêu xuất hiện ở Chư Đăng Ya-xã đặc biệt khó khăn của huyện Chư Pah (Gia Lai) từ năm 2008 với quy mô nhỏ lẻ và chính thức phát triển mạnh từ năm 2012 đến nay.

Mới vào đầu vụ thu hoạch điều nhưng người trồng điều đã cảm thấy bất an khi giá cứ giảm mỗi ngày. Đầu vụ, mỗi kilôgam điều giá 27 ngàn đồng thì khoảng 10 ngày sau chỉ còn 24-25 ngàn đồng. Giá điều tiếp tục giảm khiến nông dân nhấp nhổm như ngồi trên lửa.

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có công văn về việc cấp kinh phí bổ sung gần 10 tỷ đồng cho 5 huyện: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình và Tháp Mười nhằm hỗ trợ các khoản chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân có diện tích lúa đông xuân 2013-2014 bị dịch muỗi hành gây hại.