Thu Nhập Ổn Định Từ Chăn Nuôi Bò Sữa

Vài năm gần đây, rất nhiều gia đình ở xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) chú trọng vào nghề chăn nuôi bò sữa. Nhờ sự cần cù, chịu khó của bản thân, sự hỗ trợ tích cực về vốn lẫn kỹ thuật từ chính quyền địa phương, người dân đã biết cách nuôi bò sữa hiệu quả và đã có cuộc sống no đủ hơn.
Một trong những người đi đầu trong việc chăn nuôi bò sữa ở Long Tân là anh Nguyễn Văn Khương. Qua trao đổi, anh Khương cho biết, năm 1985 hai vợ chồng anh rời quê Thanh Hóa vào Bình Dương làm công nhân. Được một thời gian, nhận thấy đồng cỏ tự nhiên ở đây nhiều, rất thích hợp cho việc chăn nuôi bò, nên năm 2001 anh đã quyết định nghỉ việc về nàh làm kinh tế theo cách riêng của mình. Vào thời điểm đó giá bò sữa khá đắt nên với số tiền giải quyết nghỉ việc được 10 triệu đồng, anh Khương chỉ mua được một con bê sữa về nuôi. Tính đến nay, đàn bò của anh đã có 30 con, trong đó có 17 con đã cho thu hoạch sữa với sản lượng khoảng 180kg, bán được 2 triệu đồng/ngày, trừ chi phí còn lãi trên 50%.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Khương còn thành lập tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa nhằm giúp nhau vượt qua khó khăn trong chăn nuôi. Hiện nay tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa xã Long Tân đã có 15 thành viên với tổng đàn bò sữa 170 con. Anh Khương cho biết: “Lúc đầu tổ hợp tác chỉ có vài thành viên, mỗi nhà chỉ có từ 1 - 2 con nhưng đến bây giờ nhờ vay vốn của Hội Nông dân và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Dầu Tiếng mà các thành viên đã phát triển đàn bò tăng lên từ 10 - 20 con, cuộc sống của bà con ngày càng được cải thiện”.
Cũng là một hộ chăn nuôi bò sữa hiệu quả sau khi tham gia tổ hợp tác, anh Phạm Văn Khôi cho biết, đầu năm 2007, sau khi quyết định nghỉ việc ở công ty, anh bắt tay vào chăn nuôi bò sữa. Hiện nay, đàn bò nhà anh đã có 25 con, trong đó có 7 con cho sữa. Với giá sữa ổn định như hiện nay (11.500 đồng/kg) mỗi ngày gia đình anh Khôi thu nhập bình quân gần 1 triệu đồng từ bò sữa.
Theo thống kê, toàn xã Long Tân hiện có 16 hộ chăn nuôi bò sữa với tổng số gần 180 con, tăng khoảng 40 con so với năm 2011. Ông Nguyễn Kim Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Tân cho biết: “Chăn nuôi bò sữa là hướng đi cho hiệu quả kinh tế khá cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã. Nhờ chăn nuôi bò sữa, thu nhập và đời sống của nhiều hộ nông dân địa phương được cải thiện rõ rệt”.
Theo các hộ nông dân chăn nuôi bò sữa, đầu ra cho sản phẩm sữa hiện nay khá ổn định, hơn nữa bò sữa cũng ít bị dịch bệnh so với các vật nuôi khác nên người nông dân có thể yên tâm sản xuất. Việc thành lập tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì còn rất nhiều khó khăn.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Long Tân Trần Văn Hưng cho biết: “Hiện nay chúng tôi cũng đang hoàn thành thủ tục để đề xuất lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thành lập HTX chăn nuôi bò sữa. Khi HTX được thành lập, người dân sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phát triển loại hình kinh tế tập thể này. Đồng thời cũng sẽ đề nghị lên huyện xem xét để người dân có đất công để thuê, giúp họ chủ động được nguồn cỏ làm thức ăn cho đàn bò”.
Có thể bạn quan tâm

Quản lý chặt chẽ tài nguyên đất là cơ sở pháp lý giúp Nhà nước quản lý đất đai, đồng thời đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ cho người sử dụng đất, hạn chế những tranh chấp, khiếu nại nhằm sử dụng đất theo đúng quy hoạch và kế hoạch. Là huyện miền núi, địa bàn rộng nhưng huyện Tân Sơn đã khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước về đất đai.

Theo bà con nông dân nhiều giống ngô hiện nay bị nhiễm các bệnh rất nặng và nếu năng suất cao thì chất lượng lại thấp hoặc ngược lại... Hiện, giống ngô nếp lai Max 68 của Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam (SSC) đã khắc phục được các nhược điểm trên và được nông dân rất ưa chuộng.

Phong Sơn là địa phương có diện tích trồng lạc lớn nhất toàn huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế). Vụ lạc Đông xuân 2013-2014 không chỉ mất mùa mà còn mất giá khiến nhiều hộ lao đao. Chị Trần Thị Tuyết ở thôn Cổ Bi trồng 5 sào, nhưng chưa bao giờ lại có năng suất thấp như Đông xuân này.

Nhờ có đầu óc nhạy cảm, chị Thiếc trở thành người Quảng Trị đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này trở thành tỷ phú nhờ con sứa. Cái duyên đến với nghề chế biến, kinh doanh sứa thật bất ngờ với chị. Theo chồng đi biển bao năm nhưng cuộc sống vẫn đói khổ, sức khỏe ngày càng yếu, năm 2012, chị quyết định lên bờ đi bán sứa, đóng gói thuê cho các doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa tỉnh Hà Tĩnh (Việt Nam) và Vương quốc Thái Lan về phát triển đàn bò thịt chất lượng cao Charolais, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã triển khai xây dựng mô hình giống bò thịt Charolais. Đến nay sau hơn 1 năm thực hiện, mô hình cho hiệu quả bước đầu khả quan.