Thu Nhập Cao Từ Trồng Cải

Gần đây, mô hình trồng cải thìa, cải rổ ở xã Khánh Hòa (Châu Phú - An Giang) phát triển mạnh, đã mang lại thu nhập cho nhiều hộ nông dân địa phương.
Về vùng chuyên canh màu xã Khánh Hòa vào thời điểm này, bà con nông dân đang tất bật thu hoạch cải để cân cho thương lái. Gặp nông dân Đỗ Văn Chuốt (ấp Khánh Phát) đang chỉ huy nhân công cắt đám cải thìa trong niềm vui trúng vụ. Mặc dù, cải vụ này chỉ nằm ở mức 4.000 đồng/kg, nhưng ông Chuốt vẫn có lời. Chỉ tay về đám cải của mình, ông khoe: “Trước đây, tôi trồng lúa. Sau đó, thấy giá cả bấp bênh nên tôi đã chuyển sang trồng màu.
Ban đầu, tôi trồng cây hành sậy cũng kiếm ăn được. Về sau, hành bị thoái hóa giống, xuất hiện nhiều sâu bệnh khó trị nên tôi đã chuyển sang trồng cải thìa. Hiện nay, cải thìa chủ yếu tiêu thụ mạnh sang thị trường Campuchia nên giá cả cũng khá ổn định. Thời gian sinh trưởng của cải thìa rất ngắn, từ khi trồng đến thu hoạch mất khoảng 1 tháng 10 ngày. Trồng cây cải thìa, một năm tăng vòng quay của đất lên đến 4-5 lần”.
Với 1,5 công cải thìa, năng suất 2 tấn/công, bán với giá 4.000 đồng/kg, vụ này ông Chuốt bỏ túi ngót nghét 4 triệu đồng. Nói về việc trồng cải thìa, ông Chuốt tự hào: “Một năm, tôi trồng được 5 vụ cải, mỗi vụ thu nhập khoảng 4 triệu đồng, nếu rơi ngay vào thời điểm cải sốt giá thì lời khoảng 6 triệu đồng. Tính ra, trồng một công cải bằng 10 công lúa. Nhờ chuyển đổi sang trồng rẫy nên gia đình tôi có thu nhập ổn định hơn trước rất nhiều. Có thể vụ tiếp theo, tôi chuyển sang trồng cải rổ cho thu nhập cao hơn”.
Đám cải rổ gần đó của ông Nguyễn Văn Khanh cũng đang thu hoạch đồng loạt. Hiện nay, cải rổ được xem là cây màu đem lại thu nhập cao nhất so với những loại màu khác. Ông Khanh cho biết, thời gian sinh trưởng cải rổ chỉ hơn 1 tháng là cho thu hoạch, mỗi công thu hoạch khoảng 2 tấn, thương lái mua với giá 14.000 đồng/kg, sau khi trừ đi tất cả chi phí, ông còn lời hơn 20 triệu đồng. “Một năm tôi trồng 3 vụ cải và 1 vụ hành, kiếm lời trên 50 triệu đồng. Trồng màu tuy cực công, nhưng thu nhập ổn định, nhờ vậy mà cuộc sống gia đình tôi cũng khá lên”, ông Khanh nói.
Ở vùng chuyên canh màu Khánh Hòa, nhiều người biết tiếng ông Nguyễn Ngọc Bon là một nông dân có kinh nghiệm trong việc trồng cây hành sậy. Tuy nhiên, 2 năm nay, ông Bon đã chuyển dần sang trồng cây cải thìa và cải rổ mang lại thu nhập cao. Ông Bon cho biết: “Trồng hành và trồng cải phải xen canh với nhau.
Cách làm cũng tương đối dễ, bởi thời gian trồng cây hành chỉ 1 tháng 10 ngày. Khi cây hành trồng được 15-20 ngày, tôi bắt đầu gieo hạt cải rổ hoặc cải thìa xuống lớp đất. Khi cây hành cho thu hoạch thì cải bắt đầu phát triển, chỉ khoảng 20 ngày sau là bắt đầu thu hoạch cải.
Khi áp dụng kỹ thuật mới này, vừa rút ngắn thời gian trồng vừa tiết kiệm được chi phí phân thuốc khoảng 1,5 triệu đồng/công. Với 8 công rẫy, mỗi vụ màu, tôi tiết kiệm được hơn 10 triệu đồng chi phí phân, thuốc trừ sâu”. Mới đây ông Bon trúng vụ cải rổ, kiếm lời được 26 triệu đồng/1.700m2. Do đó, vụ này ông Bon tiếp tục trồng cải rổ trên mảnh đất của mình.
Ông cho biết thêm, cây cải rổ được thế mạnh là có giá, nhưng rất khó gieo hạt, phải có kỹ thuật cộng với kinh nghiệm thì canh tác mới hiệu quả. Còn theo những thương lái chuyên thu mua hàng rẫy bán sang Campuchia, giá cải rổ đang dao động ở mức 14.000- 16.000 đồng/kg, có lúc lên đến 20.000 đồng/kg nên nhiều lúc cũng thiếu nguồn cung.
Toàn xã Khánh Hòa có hơn 410 héc-ta màu, vài năm trở lại đây, bà con nông dân luôn chuyển đổi cây trồng một cách phù hợp để đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại hiệu quả cao.
Có thể bạn quan tâm

Từ năm 2011 Cần Thơ xây dựng CĐL đầu tiên chỉ với 400 ha, đến vụ HT 2014 có 14 DN ký hợp đồng liên kết trên 63 CĐL trên 5.700 ha với 12.000 nông hộ tham gia. Nhiều nông dân cho biết sản xuất trong CĐL an tâm không phải lo khâu tiêu thụ nhờ có sự tham gia bao tiêu của DN và đạt lợi nhuận cao so với sản xuất nhỏ lẻ trước đây.

Nghề làm muối nơi đây đã có từ lâu đời, tập trung chủ yếu tại hai xã Lý Nhơn và Thạnh An. Hiện tại, toàn huyện có 730 hộ sản xuất muối, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 2.800 lao động. Trong năm 2014, toàn huyện đưa vào sản xuất gần 1.700 ha ruộng muối, trong đó có hơn 900 ha ứng dụng phương pháp trải bạt, tăng 519 ha so với năm 2013.

Ông Trịnh Thanh Hồng, Chủ nhiệm HTX Đại Phúc ở xã Ngọc Tố (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) than thở, năm nay, sau vụ thu hoạch tôm, nhiều hộ còn nợ tiền thức ăn của ông. Tính đến nay, số hộ và xã viên HTX còn nợ tiền thức ăn nuôi tôm do ông Hồng làm đại lý gần 2 tỷ đồng, gấp 2 lần so cùng kỳ 2013.

Những năm trước đây, cứ khoảng tháng 8 âm lịch, khi nước lũ tràn về, cánh đồng Gò Kén, xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh lại nhộn nhịp người đi đánh bắt cá. Mùa nước nổi năm nay, tuy lũ về sớm nhưng lại lên xuống thất thường khiến cho bà con nông dân vốn quen làm nghề này cũng phải vất vả lắm mới kiếm được con cá.

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và giảm thiểu nguy cơ về dịch bệnh đối với nghề nuôi tôm chân trắng, vừa qua Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã thực hiện mô hình nuôi tôm chân trắng thương phẩm theo hướng VietGAP tại Móng Cái. Bước đầu, mô hình đã cho năng suất khá cao, không xảy ra dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mở ra triển vọng mới đối với nghề nuôi tôm chân trắng.