Thu Nhập Cao Từ Nuôi Gà Mông

Theo anh cán bộ khuyến nông huyện Đại Từ chúng tôi tới thăm trang trại của ông Đoàn Văn Chóng - xóm Tiên Trường 1 - xã Tiên Hội để tìm hiểu về giống gà đen Mông. Trang trại của ông Chóng rộng hơn 14.000 m2 bao gồm các loại cây ăn quả, cây chè; ông quy hoạch khoảng 4.000 m2 dưới tán cây vải thiều để đầu tư nuôi gà chăn thả.
Ông cho biết: đây là lần đầu tiên gia đình ông nuôi gà Mông, trước đây ông nuôi gà chọi và gà mía lai thả vườn và đã từng nuôi 4.000 con gà thịt/lứa, hiệu quả đem lại cũng rất cao.
Sau một lần đi chơi ở Hà Giang đề tìm hiểu về các mô hình nuôi nhím, lợn mán… thấy trên đó nhiều hộ chăn nuôi gà Mông hiệu quả. Khi về ông đến Trạm Khuyến nông để xin tư vấn, được cán bộ Khuyến nông giúp đỡ về kỹ thuật và mua giúp con giống từ Viện Chăn nuôi; lứa đầu ông nuôi thử 500 con gà Mông thịt. Giống gà này có lông màu đen, hoa mơ hoặc pha chút xám, quanh cổ viền trắng, đặc điểm nổi bật nhất là thịt đen, xương, chân đều đen, phủ tạng đen.
Gà có tập tính tương đối hoang dã, ban ngày gà kiếm ăn, tối về chuồng hoặc đậu trên cây để ngủ; gà gáy nhiều, hay đánh nhau, không sợ gió hay mưa, thích uống nước chảy tự nhiên, thích bay nhảy. Sau khi úm 1 tháng, thì thả ra vườn nuôi tự nhiên; thức ăn chính để nuôi gà là ngô nghiền, cám gạo, bột sắn và một phần thức ăn hỗn hợp, ngoài ra có thể bổ sung thêm rau xanh, cỏ, củ quả…; Khi thả vườn gà sẽ tận dụng thêm thức ăn ngoài tự nhiên như: sâu bọ, mối, giun, côn trùng.
Giống gà này có sức đề kháng rất cao, do được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt; phòng bệnh đầy đủ bằng vac xin; chuồng trại, vườn nuôi đảm bảo vệ sinh thú y lại được phun thuốc xát trùng thường xuyên nên từ khi nuôi đến nay chưa xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ sống của đàn gà nhà ông Chóng đạt khoảng 99%; trọng lượng gà mái lúc 4,5 tháng tuổi đạt khoảng 1,2 kg/con, gà trống đạt khoảng 1,5 kg/con.
Thịt gà Mông là một đặc sản, đang được thị trường ưa chuộng nhất là các nhà hàng, khách sạn. Ông Chóng vừa xuất bán được 300 con gà Mông thịt, với giá 100.000đ/kg, trừ các khoản chi phí thu lời từ 40.000 – 45.000đ/con; tổng lợi nhuận từ đàn gà này khoảng 20 triệu đồng; với gà Chọi, gà Mía lai khi bán được giá cũng chỉ lãi đến 30.000 đồng/con gà thịt.
Từ kết quả đạt được, ông có kế hoạch mở rộng quy mô chăn nuôi lên 3.000 con gà Mông thịt/lứa, mỗi năm nuôi 02 lứa; gia đình ông còn nuôi lợn siêu nạc, quy mô 20 lợn nái ngoại sinh sản, chăn nuôi theo công nghệ tiên tiến, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh, mỗi năm xuất chuồng trên 35 tấn thịt lợn hơi. Với thu nhập từ nuôi gà, chăn lợn, trồng chè và cây ăn quả sẽ đem lại cho gia đình ông Chóng trên 300 triệu đồng lợi nhuận mỗi năm.
Anh Phùng Đức Hậu cán bộ Trạm Khuyến nông Đại Từ cho biết: Gà Mông mới được nuôi trên địa bàn huyện Đại Từ; theo đề nghị của người dân, các cán bộ khuyến nông giúp mua con giống từ Trung tâm Thực nghiệm và bảo tồn vật nuôi - Viện Chăn nuôi Quốc gia và hướng dấn người dân nuôi theo quy trình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học. Năm 2010 đã cấp được 6.000 con gà Mông giống thương phẩm cho bà con nông dân, tuy nhiên các hộ chăn nuôi phần lớn ở quy mô nhỏ, lẻ từ 50 – 100 con gà thịt/hộ.
Gà Mông dễ nuôi, chăm sóc đơn giản, nhưng hiệu quả mang lại là rất lớn; trong thời gian tới Trạm Khuyến nông tiếp tục giúp người dân chăn nuôi và khuyến cáo về hiệu quả của con gà Mông trong các cuộc tập huấn, hội thảo để phát triển chăn nuôi trên địa bàn của huyện. Nuôi gà Mông không chỉ là giải pháp giúp người nông dân xóa đói, giảm nghèo mà còn có thể vươn lên làm giàu.
Có thể bạn quan tâm

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi, việc phòng, chống dịch bệnh cũng như bảo vệ môi trường vùng nuôi là vấn đề bức xúc nhất hiện nay. Trong đó, thực hiện "ba không" (không giấu bệnh, không xả thải nước ao khi chưa được xử lý và không xả thải xác tôm chết do nhiễm bệnh ra môi trường) là giải pháp tốt nhất mà người nuôi tôm cần tuân thủ.

Trong suốt 15 năm, ông Armando A.León mơ ước có một phương pháp nuôi tôm mới, thật sự thân thiện với môi trường, chi phí sản xuất thấp hơn và năng suất cao hơn so với phương pháp nuôi tôm bán thâm canh truyền thống.

Ao nuôi cá lóc bông có diện tích từ 500 m2 trở lên, độ sâu từ 1,5 - 2 m, bờ ao phải cao và chắc chắn. Cống thoát nước có khẩu độ lớn để thoát nước dễ dàng. Trước khi thả nuôi cá, ao được tát cạn, vét bùn đáy, tu sửa chổ sạt lở, lấp hết lỗ mọi quanh ao. Rải vôi đáy ao từ 10 – 15 kg/100 m2 ao, phơi đáy 2 – 3 ngày rồi cấp nước vào ao.

Tôm rằn (Penaeus semisulcatus) là loài tôm có kích thước lớn, thích ứng với nhiệt độ cao, độ mặn cao, ăn tạp, có giá trị kinh tế như tôm sú cùng cỡ và là một trong số 110 loài thuộc họ tôm he (Penaeidae) (theo FAO).

Chất lượng cá giống là một yếu tố quyết định trong chăn nuôi thủy sản song lại chưa nhận được sự quan tâm và quản lý đúng mức.