Thu Nhập Cao Từ Nuôi Ếch Giống Thái Lan

“Đây là mô hình đáp ứng được nhu cầu cải thiện cuộc sống của nhiều nông dân nghèo, thiếu đất sản xuất và góp phần giải quyết việc làm. Đây cũng được xem là mô hình lý tưởng giúp nông dân vươn lên khá giả, ổn định cuộc sống” – anh Trương Văn Ước (ngụ ấp Hòa Bình 3, xã Hòa Lạc, Phú Tân, An Giang) tâm đắc khi nói về nghề nuôi ếch đã giúp gia đình anh đổi đời.
Năm 2006, anh Ước thấy mô hình nuôi ếch giống Thái Lan chi phí đầu tư thấp và kỹ thuật nuôi đơn giản, mà hiệu quả kinh tế lại hấp dẫn nên anh quyết tâm học hỏi để phát triển mô hình này. Tận dụng khoảng sân trước nhà, anh xây dựng 6 chiếc vèo, diện tích 12m2, nuôi thử 60 cặp ếch bố mẹ để phối giống.
Ngay từ lần bán đầu tiên, anh Ước đã mê con ếch Thái Lan vì chỉ sau 40 ngày, lứa ếch giống gần 40.000 con đem về khoản lợi nhuận hơn 15 triệu đồng. Thấy mô hình làm ăn “có lý”, anh quyết định đầu tư tăng số lượng ếch bố mẹ để ép giống, đồng thời không ngừng nghiên cứu kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm để cho ra những con ếch giống chất lượng cung ứng cho thị trường. Hiện nay, với 7 vèo nuôi ếch giống Thái Lan, diện tích khoảng 100m2, vụ ếch năm rồi, anh Ước xuất bán 4 đợt với số lượng 140-160 ngàn con ếch giống, sau khi trừ chi phí, thu lợi trên 100 triệu đồng.
Theo anh Ước, chỉ cần diện tích khoảng vài chục mét vuông là có thể tổ chức nuôi ếch, thu lợi nhuận hàng chục triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, không nên chủ quan cho rằng ếch dễ nuôi, mà không chăm sóc kỹ. Lúc đầu nuôi chưa có mầm bệnh nên ếch phát triển thuận lợi, nhưng chỉ vụ thứ 2 trở đi là ếch bắt đầu bị các loại dịch bệnh, như: Lở loét đỏ chân, sình bụng, mù mắt, quẹo cổ, thân có những đốm trắng tấn công.
Khi mắc các bệnh này, nếu không chữa trị kịp, ếch sẽ chết rất nhanh. Ngoài ra, nòng nọc cũng rất khó chăm sóc, nhất là vào mùa nghịch (tháng 7-10 âm lịch) nên tỷ lệ hao hụt của ếch rất cao.
Do đó, phải thường xuyên theo dõi, nắm được kỹ thuật cơ bản để tránh hao hụt, người nuôi khỏi bị lỗ. Để nuôi ếch đạt hiệu quả, người chưa có kinh nghiệm chỉ nên nuôi dưới 3.000 con mỗi vụ để tiện theo dõi, chăm sóc. Bên cạnh đó, việc làm vèo cũng rất quan trọng, tùy theo số lượng nuôi mà có diện tích lớn hay nhỏ, đặt khung tre phù hợp, lượng nước bên trong cao khoảng 1 tấc là đủ. Bên cạnh đó, cần xử lý nguồn nước thường xuyên, đảm bảo dinh dưỡng, tách ếch bệnh ra khỏi ếch khỏe, không sử dụng chung dụng cụ ếch bệnh với ếch khỏe, ếch chết phải chôn hoặc đốt…
Tự trau dồi kinh nghiệm, vận dụng kỹ thuật ương giống theo mùa thuận - nghịch một cách phù hợp, mấy năm qua, nhờ có mô hình nuôi ếch giống mà cuộc sống gia đình anh Trương Văn Ước luôn ổn định, có điều kiện chăm lo việc học cho các con. Luôn đặt chất lượng lên trên hết, suốt 8 năm qua, cứ có người lại đặt hàng mua ếch giống là anh tỉ mỉ từng khâu kỹ thuật để chăm sóc, cung ứng những con ếch giống khỏe mạnh nhất.
Có thể bạn quan tâm

Xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) có trên 545ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích cây trồng vụ đông có trên 106ha. Trong những năm qua, Hội Nông dân xã đã vận động hội viên nông dân mạnh dạn chuyển đổi những diện tích trồng lúa năng suất thấp sang trồng cây vụ đông, tập trung vào các loại cây rau màu có giá trị thu nhập cao như bí xanh, bí đỏ, cà chua, rau màu các loại…, riêng giá trị sản xuất cây vụ đông đạt 150-200 triệu đồng/ha/năm.

Mục tiêu của Dự án Cạnh tranh chăn nuôi và An toàn thực phẩm Lâm Đồng (Dự án LIFSAP Lâm Đồng) thuộc Sở NN-PTNT là “Nâng cao hiệu quả của những người chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình; giảm thiểu tác động môi trường của hoạt động chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ gia súc - gia cầm và tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm trong chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi…”.

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Thời điểm này, nông dân phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) đang tất bật xuống giống để chuẩn bị cho vụ hoa Tết 2015. Nhiều năm trở lại đây, trồng hoa Tết đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Thấy được lợi thế và những khó khăn của người nông dân, từ năm 2012, UBND huyện Định Hóa đã quyết định hỗ trợ 70% lãi suất khi nông dân vay vốn để phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại. Đây là chính sách không mới nhưng thiết thực và thực hiệu quả với nhiều hộ nông dân ở miền núi...

Vụ đông 2014-2015, xã Hoằng Phong (Hoằng Hóa) gieo trồng 80 ha cây trồng vụ đông, trong đó ngoài trồng các loại cây truyền thống, như: ngô, khoai tây, ớt xuất khẩu, thuốc lào, rau các loại, xã còn liên kết với Công ty Giống cây trồng Trung ương (công ty cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm) trồng thử nghiệm 6 ha khoai lang ruột vàng có chất lượng cao.