Thu Nhập Cao Từ Nuôi Bò Thịt

Với trên 80% dân số sống bằng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp nên những năm qua, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã tích cực triển khai và thực hiện hiệu quả nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp có tính bền vững, điển hình là mô hình nuôi bò thịt.
Chỉ vào ngôi nhà 3 tầng đang trong giai đoạn hoàn thiện, chị Vũ Thị Phương ở thôn Chi Đông phấn khởi cho biết: "Đó phần lớn là thành quả của nuôi bò thịt đấy". Nhận ra vẻ ngạc nhiên của chúng tôi khi thấy đàn bò được ở nhà tầng, chị Phương bày tỏ: "Khu chăn nuôi nhà tôi chỉ có 40m2 nên để nuôi được nhiều bò, gia đình tôi đã đầu tư vốn xây chuồng nuôi 2 tầng.
Tuy có cao nhưng vẫn tiện vì đàn bò có đủ hệ thống quạt mát, nước máy rửa chuồng, hệ thống bể biogas xử lý chất thải". Chị Phương cho biết, gia đình đang nuôi 16 con bò, mỗi tầng 8 con. Ngoài sử dụng bã bia, bã sắn, cây ngô, gia đình chị còn dành 5 sào đất bãi để trồng cỏ voi. Việc phòng dịch bệnh theo mùa và định kỳ được gia đình thực hiện nghiêm túc nên mỗi năm, đàn bò nhà chị cho thu nhập trên dưới 100 triệu đồng.
Khác với gia đình chị Phương, gia đình anh Đinh Văn Công thường mua bò trên một năm tuổi về vỗ béo lấy thịt. Trung bình mỗi lứa, gia đình anh nuôi 10 - 14 con. Anh cho biết, tuy đầu tư lớn (40 triệu đồng/con) nhưng chăm sóc lại dễ, nhanh được xuất bán. Bởi ở tuổi này, bò khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt với bệnh tật nên chỉ phải tẩy giun sán, không phải tiêm phòng và chỉ nuôi từ 2,5 - 3 tháng là được xuất chuồng. Trung bình mỗi con, anh thu lãi 4 - 5 triệu đồng.
Ngoài gia đình chị Phương, anh Công, ở thôn Chi Đông còn có vài chục hộ nuôi bò với số lượng trên 10 con/lứa, trong đó có gia đình bà Nguyễn Thị Từ - Chủ tịch Hội Nông dân xã. Điều đáng ghi nhận là khi mô hình nuôi bò thịt được đông đảo hộ dân thực hiện thì xã đã chỉ đạo các đoàn thể mỗi năm giúp các hộ chăn nuôi vay trên dưới 6 tỷ đồng từ các nguồn, đồng thời tổ chức nhiều buổi tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Từ đó, góp phần hạn chế ở mức thấp nhất dịch bệnh gây hại trên đàn bò, đảm bảo 100% hộ chăn nuôi đều có lãi.
Thông qua việc mở rộng mô hình nuôi bò thịt, toàn xã có trên 100 hộ dân thoát nghèo; nhiều hộ có thu nhập cao, làm giàu chính đáng. Tuy nhiên, để mô hình này phát triển mang tính bền vững, các hộ chăn nuôi ở xã Lệ Chi mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa để sớm được thực hiện Dự án chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, khắc phục triệt để tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường.
Hiện, toàn xã nuôi khoảng 2.000 bò thịt, trong đó thôn Chi Đông nuôi 1.000 con. Hộ nuôi ít nhất cũng 3 con, còn hộ nhiều thì nuôi từ 10 - 16 con mỗi lứa, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Có thể bạn quan tâm

Ngoài ra, hiện đang vào mùa khô, nhu cầu sử dụng cam làm nước giải khát tăng, trong khi nguồn cung lại thiếu, do đó, tuy giá cam đang ở mức hấp dẫn, nhưng nhiều chủ vườn đành tiếc nuối vì không có cam để bán.

Toàn tỉnh Bắc Giang đang có gần 700 ha vải thiều bị sâu bệnh gây hại. Trong đó, mật độ bọ xít gây hại trung bình 1-2 con/cây; sâu đo 0,5-1 con/cây, cao 2-4 con/cây; bệnh sương mai gây hại tỷ lệ trung bình 5-10%, cao 20-40%.

Gọi hoạt động mua bán cá ngoài biển khơi là chợ trên sóng là bởi, cảnh mua bán rộn ràng ngang ngửa với chợ trên bờ, nhưng đồng thời cũng không thiếu những khung cảnh thơ mộng, lãng mạn của sóng nước. Hàng ngày, trên vùng biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Tam Quan, Phù Mỹ (Bình Định) có đến vài chục chiếc tàu rẽ sóng tìm đến những mẻ cá còn tươi rói của ngư dân vừa kéo lên khỏi mặt nước, ngay trên ngọn sóng.

Năm 2013 vừa qua, dân nuôi tôm, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng thắng lớn cả về sản lượng và giá. Toàn tỉnh Quảng Ninh có trên 9.500ha nuôi tôm (trong đó có 2.500ha nuôi tôm chân trắng) với tổng sản lượng trên 8.000 tấn; giá bán trên thị trường dao động trong khoảng 150.000-210.000 đồng/kg (cao hơn từ 70.000-100.000 đồng/kg so với cùng kỳ 2012).

Nhằm hướng tới xây dựng thương hiệu thịt heo sạch cho Đồng Nai, đầu năm 2012 hơn 25 hộ chăn nuôi heo ở huyện Thống Nhất, gồm các xã: Gia Kiệm, Quang Trung, Gia Tân 1, Gia Tân 2 và Gia Tân 3 đã lên kế hoạch thực hiện chuỗi liên kết chăn nuôi heo. Theo đó, các hộ sẽ liên kết với nhà cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, các cơ sở giết mổ, nhà phân phối…