Thu Nhập Cao Từ Nuôi Bò Thịt

Với trên 80% dân số sống bằng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp nên những năm qua, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã tích cực triển khai và thực hiện hiệu quả nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp có tính bền vững, điển hình là mô hình nuôi bò thịt.
Chỉ vào ngôi nhà 3 tầng đang trong giai đoạn hoàn thiện, chị Vũ Thị Phương ở thôn Chi Đông phấn khởi cho biết: "Đó phần lớn là thành quả của nuôi bò thịt đấy". Nhận ra vẻ ngạc nhiên của chúng tôi khi thấy đàn bò được ở nhà tầng, chị Phương bày tỏ: "Khu chăn nuôi nhà tôi chỉ có 40m2 nên để nuôi được nhiều bò, gia đình tôi đã đầu tư vốn xây chuồng nuôi 2 tầng.
Tuy có cao nhưng vẫn tiện vì đàn bò có đủ hệ thống quạt mát, nước máy rửa chuồng, hệ thống bể biogas xử lý chất thải". Chị Phương cho biết, gia đình đang nuôi 16 con bò, mỗi tầng 8 con. Ngoài sử dụng bã bia, bã sắn, cây ngô, gia đình chị còn dành 5 sào đất bãi để trồng cỏ voi. Việc phòng dịch bệnh theo mùa và định kỳ được gia đình thực hiện nghiêm túc nên mỗi năm, đàn bò nhà chị cho thu nhập trên dưới 100 triệu đồng.
Khác với gia đình chị Phương, gia đình anh Đinh Văn Công thường mua bò trên một năm tuổi về vỗ béo lấy thịt. Trung bình mỗi lứa, gia đình anh nuôi 10 - 14 con. Anh cho biết, tuy đầu tư lớn (40 triệu đồng/con) nhưng chăm sóc lại dễ, nhanh được xuất bán. Bởi ở tuổi này, bò khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt với bệnh tật nên chỉ phải tẩy giun sán, không phải tiêm phòng và chỉ nuôi từ 2,5 - 3 tháng là được xuất chuồng. Trung bình mỗi con, anh thu lãi 4 - 5 triệu đồng.
Ngoài gia đình chị Phương, anh Công, ở thôn Chi Đông còn có vài chục hộ nuôi bò với số lượng trên 10 con/lứa, trong đó có gia đình bà Nguyễn Thị Từ - Chủ tịch Hội Nông dân xã. Điều đáng ghi nhận là khi mô hình nuôi bò thịt được đông đảo hộ dân thực hiện thì xã đã chỉ đạo các đoàn thể mỗi năm giúp các hộ chăn nuôi vay trên dưới 6 tỷ đồng từ các nguồn, đồng thời tổ chức nhiều buổi tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Từ đó, góp phần hạn chế ở mức thấp nhất dịch bệnh gây hại trên đàn bò, đảm bảo 100% hộ chăn nuôi đều có lãi.
Thông qua việc mở rộng mô hình nuôi bò thịt, toàn xã có trên 100 hộ dân thoát nghèo; nhiều hộ có thu nhập cao, làm giàu chính đáng. Tuy nhiên, để mô hình này phát triển mang tính bền vững, các hộ chăn nuôi ở xã Lệ Chi mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa để sớm được thực hiện Dự án chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, khắc phục triệt để tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường.
Hiện, toàn xã nuôi khoảng 2.000 bò thịt, trong đó thôn Chi Đông nuôi 1.000 con. Hộ nuôi ít nhất cũng 3 con, còn hộ nhiều thì nuôi từ 10 - 16 con mỗi lứa, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Có thể bạn quan tâm

Thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ trung tuần tháng 4, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Yên Định triển khai thực hiện mô hình nuôi gà ri lai Đabacô theo hướng nông hộ có kiểm soát tại xã Yên Lâm.

Nói đến con trâu, bò người ta thường nghĩ ngay đến mục đích sử dụng sức kéo để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, trâu, bò ở xã Mai Tùng, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) còn có một tên gọi khác đó là “con xoá đói giảm nghèo bền vững”.

Theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 7/7/2014 và có hiệu lực từ 25/8/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản, đối với đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ thép, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm.

Cơ sở của Panasonic có khả năng sản xuất 3,6 tấn lương thực hàng năm với 10 loại rau quả. Trang trại trong nhà cũng là mảng kinh doanh ưa thích của nhiều đại gia công nghệ Nhật Bản. Fujitsu đang trồng rau diếp tại các nhà máy ở Fukushima, trong khi Sharp trồng dâu tại Dubai.

Đúc kết kinh nghiệm mô hình cho thấy, ngoài việc trồng rau màu các loại, anh Giáo còn tận dụng đất theo bờ kênh trồng cỏ VA06 và kết hợp với phụ phẩm trồng trọt để nuôi thêm 3 con bò vỗ béo; sau 12 tháng bán được 60 triệu đồng, lợi nhuận được 50%.