Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thu Nhập Cao Từ Làm Vườn

Thu Nhập Cao Từ Làm Vườn
Ngày đăng: 02/04/2014

Hơn 10 năm trước, vợ chồng anh Phạm Văn Tiến (44 tuổi) ở thôn Liên Trì 1, xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa, Phú Yên) thuộc diện khó khăn, nhưng với nghị lực vượt khó, anh không chỉ vươn lên thoát nghèo mà trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Từng là nhân viên Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Phú Yên những năm 90 của thế kỷ trước, rồi chuyển sang làm thợ điện tại Hợp tác xã (HTX) Bình Kiến 2, nhưng cuộc sống của anh Phạm Văn Tiến vẫn khó khăn. Năm 2000, Phạm Văn Tiến quyết định nghỉ làm thợ điện chuyển sang trồng hoa màu với hy vọng sẽ đổi đời.

Năm 2008, thấy nghề trồng mai có thu nhập khá nên anh Tiến quyết định chuyển đổi cây trồng. Nghĩ là làm, vợ chồng anh gom góp tiền dành dụm đầu tư trồng mai. Ban đầu anh mua ít mai lá về chăm sóc để cuối năm bán tết kiếm lời, đồng thời ươm thêm mai con.

Cứ thế, đến nay vợ chồng anh Tiến sở hữu 2.000 chậu mai từ 1 đến 7 năm tuổi, mỗi năm thu nhập từ tiền bán mai hàng trăm triệu đồng. Riêng năm 2013, vợ chồng anh Tiến thu nhập trên 300 triệu đồng. Anh Tiến cho biết: “Năm nào tôi cũng ươm mai con để thay thế lứa mai lớn bán đi, vì vậy trong vườn không lúc nào dưới 2.000 chậu”.

Để trồng mai thành công như hiện nay, anh Phạm Văn Tiến đã ra Quy Nhơn học kỹ thuật tạo dáng cây mai. Ngoài ra, anh còn tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng hoa, cây cảnh do Hội Nông dân và Phòng Kinh tế TP Tuy Hòa tổ chức.

Nhờ đó, anh không cần thuê người tạo dáng cây mai, tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể. Bây giờ tay nghề của anh Tiến ngày một nâng lên, những chậu mai do anh tạo dáng đã được giới chơi mai ưa thích nên bán được giá cao.

Bên cạnh trồng mai, hàng năm, anh Tiến còn đầu tư trồng hoa lay ơn, hoa vạn thọ… mỗi năm thu nhập từ những loại cây này từ 50 đến 70 triệu đồng. Ngoài ra, vợ chồng anh Tiến còn làm đại lý phân phối các giống hoa cúc như: pha lê, kim cương, vàng hòe… và hướng dẫn kỹ thuật trồng cúc cho người dân.

Nhờ vậy, đến nay những người trồng cúc ở Bình Kiến đã thông thạo về kỹ thuật làm đất, cách chăm sóc cho hoa cúc. “Là cán bộ khuyến nông kiêm Tổ trưởng tổ dịch vụ của HTX Bình Kiến 2 nên tôi có điều kiện đi tập huấn và học tập kỹ thuật trồng hoa, cây cảnh từ các chuyên gia, cán bộ chuyên ngành.

Từ đó, tôi tích cóp được nhiều kinh nghiệm cộng với những bài học thực tế sau một thời gian dài trồng hoa cúc của mình. Khi làm đại lý phân phối các loại giống hoa cúc, tôi sẵn sàng truyền kinh nghiệm cho bà con trong xã”, anh Tiến cho biết.

Không dừng lại ở đó, mới đây, vợ chồng anh Phạm Văn Tiến còn đầu tư trồng 1.000 phôi nấm bào ngư. Anh Tiến chia sẻ: “Loại nấm này từ khi nhập phôi về treo lên tưới nước, hơn 10 ngày sau là bắt đầu thu hoạch. Thời gian mỗi phôi nấm cho thu hoạch khoảng 60 ngày, mỗi ngày hái 2 lần. Nếu tính theo giá thị trường hiện nay (30.000 đồng/kg) thì hiệu quả khá cao. Trong thời gian tới, tôi sẽ nhân rộng thêm mô hình này để tăng thu nhập cho gia đình”.

“Từng là một trong những gia đình khó khăn, nhưng với nghị lực vượt khó, hội viên Phạm Văn Tiến được nhiều người nể phục. Không chỉ chí thú làm ăn mà anh Tiến còn nhiệt tình giúp đỡ người dân trong xã cùng nhau phát triển kinh tế gia đình. Năm 2012, anh được Hội Nông dân TP Tuy Hòa tuyên dương là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của thành phố”, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Kiến Nguyễn Văn Sáng cho biết.


Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc Là Ẩn Số Với Xuất Khẩu Gạo Việt Nam Trung Quốc Là Ẩn Số Với Xuất Khẩu Gạo Việt Nam

Cụ thể Philippines đang có nhu cầu nhập 500.000 tấn, giao hàng từ tháng 10 - 12 và có khả năng sẽ nhập thêm. Sau khi mở thầu không thành công vào ngày 27.8 do giá chào cao hơn mức giá trần quy định, Philippines sẽ phải điều chỉnh tăng mức ngân sách theo giá thị trường để mở thầu lại. Indonesia cũng có nhu cầu nhập khẩu 400.000 - 500.000 tấn gạo từ nay đến cuối năm.

26/09/2014
Rau VietGAP Khó Vào Chợ Lẻ Rau VietGAP Khó Vào Chợ Lẻ

“Tại các chợ trung tâm, nơi nhu cầu rau sạch rất lớn thì tiền mặt bằng đủ để kinh doanh lên đến vài chục triệu đồng. Trong khi đó, bán rau VietGAP ít lời, lại chịu các ràng buộc về giá, thương hiệu, chất lượng với đơn vị cung cấp nên tiểu thương vẫn trung thành với rau trôi nổi ngoài thị trường thay vì kinh doanh rau VietGAP” - bà Ngọc than.

26/09/2014
Cuối Năm Sẽ Xuất Nhãn Sang Mỹ Cuối Năm Sẽ Xuất Nhãn Sang Mỹ

Thị trường Mỹ vừa mở cửa cho nhập khẩu nhãn và vải của Việt Nam. Trước đó quả thanh long đã xuất vào thị trường này.

26/09/2014
Giá Trăn Ổn Định Trở Lại Giá Trăn Ổn Định Trở Lại

Sau thời gian giá trăn giảm mạnh do ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc, đến nay giá trăn đã tăng và ổn định trở lại, giúp các hộ nuôi trăn ở ĐBSCL có thêm nguồn thu nhập khá.

26/09/2014
Tiếp Tục Siết Chặt An Toàn Thực Phẩm Tiếp Tục Siết Chặt An Toàn Thực Phẩm

Sáng 25/9, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ NN-PTNT giao ban về công tác quản lí chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN), an toàn thực phẩm (ATTP) tháng 8, và triển khai kế hoạch tiếp theo với rất nhiều vấn đề nổi cộm cần phải giải quyết.

26/09/2014