Thu Nhập Cao Từ Bưởi Da Xanh

Cây bưởi da xanh không được trồng nhiều ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang), nhưng đối với những hộ dân trồng loại cây này thì bước đầu đã có hiệu quả.
Ông Trần Văn Hai, ở ấp Bình An, xã Long Bình được xem là người trồng bưởi da xanh đầu tiên trong huyện. Nhờ biết áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất nên chỉ với 200 gốc bưởi da xanh cho trái năm 2012, đã mang về cho gia đình ông khoản lợi nhuận 120 triệu đồng từ 4 công bưởi.
Theo ông Hai, gia đình bắt đầu trồng bưởi da xanh từ năm 2005, đến nay bưởi đã cho thu hoạch được 3 năm. Vụ bưởi năm rồi, khi trái bưởi gần tới ngày thu hoạch thì sâu đục trái tấn công làm cho năng suất sụt giảm khoảng 1 tấn trái. Năm nay, để bảo vệ vườn bưởi khỏi bị sâu đục trái phá hoại, gia đình ông đã mua 5.000 bao ni lông về bọc toàn bộ trái lại. Tuy đây là vụ đầu tiên ông áp dụng phương pháp bọc trái nhưng đến nay đã thấy rõ hiệu quả.
Nếu như những năm trước, từ khi bưởi ra hoa đến lúc thu hoạch là 8 tháng thì trung bình mỗi tháng phải phun từ 1 - 2 lần thuốc để phòng trừ sâu. Nhưng hiện nay chỉ cần xử lý thuốc một lần để tiêu diệt mầm bệnh cũng như các loại nấm ký sinh trên trái bưởi trước khi bao trái lại là được. Với cách làm này không chỉ ngăn sâu đục trái tấn công mà còn giúp gia đình giảm được tiền thuốc bảo vệ thực vật và nhẹ công chăm sóc.
Để có một vườn bưởi xanh tốt như hiện tại, ông Hai đã dành nhiều thời gian cho việc chăm sóc ngay từ lúc trồng cho đến thu hoạch trái. Ông Hai cho biết: “Bưởi da xanh trồng khoảng 3 năm là cho thu hoạch, vì vậy trước khi trồng phải đắp thành mô cao nhằm giúp cho rễ cây thông thoáng, kết hợp bón lót phân chuồng và trồng với khoảng hợp lý để cây phát triển. Ngoài ra, phải thường xuyên chăm sóc, cắt cành, tạo tán, tỉa bỏ những chùm nhiều trái và chỉ để lại những trái có kích cỡ đều nhau, không bị bệnh hay méo từ đó trái bưởi lớn rất đều và tròn”. Đặc biệt, ông Hai còn tăng cường sử dụng bón phân hữu cơ cho bưởi nên giúp cây ra tược tập trung, còn đất trong vườn tơi xốp nên cây ít sâu bệnh.
Được biết, trước đây toàn bộ diện tích đất của gia đình đều trồng quít đường nhưng đến năm 2003, 2004 thì bị bệnh vàng lá gân xanh, nên ông Hai đã chuyển sang trồng bưởi da xanh. Từ khi trồng loại bưởi này, ông không phải lo lắng vì đầu ra của sản phẩm. Mỗi năm gần đến ngày thu hoạch là thương lái tìm đến tận vườn để đặt tiền cọc.
Đến khi thu hoạch thì thương lái huy động nhân công, ghe xuống cân tại vườn nên gia đình rất yên tâm. Hiện nay, gia đình ông còn đốn các loại cây tạp kém hiệu quả để trồng thêm trên 50 cây bưởi da xanh nữa.
Do ưu điểm của bưởi da xanh là không hạt, trái ngon ngọt nên nhiều năm trở lại đây giá bưởi luôn tăng cao, đặc biệt là vào dịp tết. 200 gốc bưởi với gần 5.000 trái, ông Hai nhẩm tính đến khi thu hoạch mỗi trái trung bình cũng được 1,5kg, như vậy tính ra cũng được trên 7 tấn. Nếu giá bằng năm rồi là 28.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, gia đình có thể thu về lợi nhuận trên 130 triệu đồng.
Có thể bạn quan tâm

Cơ quan chức năng đã kiểm tra nguồn gốc một số loại cá bày bán tại các chợ đầu mối trên địa bàn TP. Hà Nội nhưng tiểu thương không đưa ra được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của các loại cá, trong đó có cá tầm.

Ngày 8/7, ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết, Cục vừa lấy mẫu kiểm tra an toàn thực phẩm đối với mướp đắng, rau ngót tiêu thụ tại 7 chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Trong 2 năm qua, diện tích trồng mít Thái ở huyện Cái Bè (Tiền Giang) tăng mạnh nên nguồn cung loại mít này cho thị trường ngày càng lớn. Chính vì vậy, hơn tháng nay giá mít Thái đã giảm hơn 17.000 đồng/kg.

Trong Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban chỉ đạo 127 TP.Hà Nội (chiều 10/7), ông Nguyễn Văn Hồng - Phó cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội khẳng định: không có cá tầm nhập lậu qua sân bay Nội Bài.

Với 50m2 trong khuôn viên nhà ở, nông dân giỏi Phan Văn Chia (phường Long Sơn, TX. Tân Châu - An Giang) thiết kế hơn 20 chuồng lớn, nhỏ vừa nuôi trăn sinh sản, vừa bán con giống và bán trăn thịt.