Thu Nhập Cao Nhờ Trồng Xen Hoa Màu Trong Vườn Cao Su Non

Với nhiều nông dân không có đất sản xuất, cuộc sống sẽ trở nên khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có những nông dân như những chú ong miệt mài tìm mật bằng cách thuê vườn cao su non chưa khép tán để trồng hoa màu.
Thu 100 triệu đồng từ 2 sào đất mượn
2 năm qua, ông Nguyễn Văn Trung ở ấp 1, xã Tân Khai (Hớn Quản - Bình Phước) đã thu về gần 100 triệu đồng/năm nhờ trồng hoa màu từ 2 sào đất mượn. Đây là đất đã trồng cao su non chưa khép tán. Trên diện tích này, ông Trung trồng các loại hoa màu như: Khổ qua, dưa leo, ớt hiểm và cúc vạn thọ. Trong đó, ông Trung tâm huyết nhất là cây ớt hiểm (giống ớt lai F1) vào mùa mưa, cúc vạn thọ vào dịp tết Nguyên đán và rằm tháng Giêng âm lịch.
Ớt hiểm được trồng từ tháng 4, đến đầu tháng 10 bắt đầu cho thu hoạch. Lợi thế của cây ớt hiểm là ít vốn đầu tư (10 triệu đồng/sào), dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh. Ông Trung cho biết về quy trình chăm sóc cây ớt hiểm: Xới đất tơi xốp, trộn phân chuồng ủ mục rải đều, gieo hạt. Để giữ độ ẩm cho đất và tránh cỏ dại mọc chen cây, ông dùng bao nilon trải kín mặt luống. Ông Trung còn liên hệ với Trung tâm Khuyến nông Hớn Quản để được tư vấn cách phun xịt tránh bệnh thối lá, nhũn đọt của cây ớt.
Kết thúc vụ ớt năm 2012, gia đình ông Trung thu về 3 tấn trái. Với giá bán trung bình từ 25 đến 45 ngàn đồng/kg, ông thu lời gần 100 triệu đồng/vụ ớt. Dịp tết Nguyên đán, ông tiếp tục trồng cúc vạn thọ, thu nhập trên 15 triệu đồng. Vụ ớt năm 2013 đã bắt đầu, giá ớt hiểm chỉ còn 20 ngàn đồng/kg nhưng ông Trung không nản: “Vụ này không thắng như năm rồi, nhưng vẫn không thể lỗ vốn. Tôi hy vọng đợt bông vạn thọ tới sẽ đỡ hơn. Lấy công làm lời, đất sẽ không phụ người”.
Thuê đất trồng dưa hấu tăng thu nhập
Chúng tôi tới ruộng dưa hấu của anh Nguyễn Văn Thông ở ấp 7, xã Minh Lập (Chơn Thành) vào cuối vụ. Những trái lớn (3kg trở lên) được thương lái tới tận nơi mua đưa về thành phố Hồ Chí Minh và ra phía Bắc tiêu thụ. Vợ chồng anh Thông tiếp tục tận thu những trái nhỏ mang ra chợ bán.
Chị Huỳnh Thị Phượng (vợ anh Thông) kể: Cuối năm 2012, anh chị từ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang lên Bình Phước lập nghiệp. Sẵn có nghề trồng cây ăn trái, vợ chồng anh thuê 8 ha rẫy cao su chưa khép tán để trồng dưa hấu với giá thuê 8 triệu đồng/ha/năm. Dưa hấu có thời gian sinh trưởng ngắn, ít sâu bệnh... được vợ chồng anh Thông lựa chọn.
Để có loại dưa hấu trái dài, cơm đỏ, vị ngọt đậm, anh Thông sang Lộc Ninh chọn giống. Sau 60 ngày gieo trồng, dưa hấu cho thu hoạch (khoảng trên 20 tấn trái lớn và 3 tấn trái dưa ngọn/ha). Với giá bán sỉ 4.000-6.000 đồng/kg dưa lớn, anh Thông thu về trên 80 triệu đồng/ha/vụ. Trừ chi phí, mỗi ha dưa hấu thu lời khoảng 20 triệu đồng. Như vậy, mỗi năm chỉ cần thắng một vụ dưa, người thuê đất như anh Thông cũng lời trên 100 triệu đồng.
Trồng hoa màu trên đất cao su chưa khép tán là bài toán lợi cả đôi đường: Thu nhập cho người nông dân thiếu đất sản xuất; vườn cao su non luôn có người trông coi, bảo vệ, lại được hưởng nguồn phân hữu cơ, độ ẩm đều trong khi chăm sóc hoa màu.
Có thể bạn quan tâm

Cách đây khoảng 5 năm, khi giá cao su tăng cao, nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước đổ xô chặt điều trồng cao su. Nay, nhiều nông dân lại chặt cao su trồng tiêu, điều… trong khi các loại cây công nghiệp lâu năm đầu tư chi phí nhiều, chắc gì đến khi thu hoạch sẽ không có một loại cây khác lên ngôi. Hiểu được quy luật đó, từ nhiều năm qua, nhiều nông dân vẫn thủy chung với cây điều, làm giàu từ trồng xen trong vườn điều.

Anh Trần Văn Hiệu, ở thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) là chủ của một trang trại chăn nuôi gà với doanh thu gần 3 tỷ đồng/tháng do mạnh dạn đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi.

Đó là ông Trần Văn Tường (60 tuổi, ở thôn Vĩnh Thuận, xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Sau hơn 2 năm “dám nghĩ dám làm”, mạnh dạn đưa con vịt trời từ đất Bắc về nuôi thử nghiệm đã thành công, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm…

Với hàng chục nghìn ha rừng và vườn cây ăn quả, là lợi thế rất lớn để nghề nuôi ong lấy mật ở huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) phát triển. Hiện sản phẩm mật ong Tiên Yên cũng như các sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương như: Bánh gật gù, khau nhục, bánh chả… được nhiều người tiêu dùng biết đến, là cơ sở để triển khai có kết quả chương trình “mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh.

Những năm gần đây, mô hình nuôi gà thả vườn đã đem lại nguồn thu cho nhiều hộ chăn nuôi; Tuy nhiên để đạt hiệu quả cao, việc chọn con giống tốt và cải tiến phương pháp chăn nuôi là rất quan trọng.