Thu Nhập Cao Nhờ Thâm Canh, Chuyển Đổi Cây Trồng, Vật Nuôi

Những năm qua, một số loại cây trồng như sắn, điều… do không ổn định về giá cả, năng suất lại đạt thấp nên hoạt động thâm canh cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị kinh tế đang là hướng đi của nhiều nông dân trong tỉnh.
Với diện tích 15 ha trồng tiêu, cà phê, năm 2013 vừa qua, gia đình bà Lê Thị Kim Liên ở thôn 17, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) đã thu hoạch trên 25 tấn tiêu và 10 tấn cà phê, sau khi trừ chi phí gia đình còn lãi hơn 1 tỷ đồng.
Bà Liên cho biết: “Để có kết quả như hôm nay, gia đình tôi đã áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất từ chọn giống, xử lý đất, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh… mới có được vườn cây như hôm nay”.
Còn gia đình ông Vũ Thanh Xuân ở xã Nam Bình (Đắk Song) nhiều năm gắn bó với cây điều, cây sắn nhưng hiệu quả không cao nên đã chuyển sang đầu tư nuôi gà thả vườn. Năm 2011, ông Xuân đã mua 1.000 con gà giống gà đồi Yên Thế về nuôi. Sau 2 tháng rưỡi chăm sóc, ông Xuân xuất bán và thu về trên 30 triệu đồng tiền lãi.
Nhận thấy nuôi giống gà này có lợi nhuận cao nên hiện nay, ông mạnh dạn hợp đồng với doanh nghiệp tăng đàn lên 2.000 con. Ngoài giống gà đồi Yên Thế, ông Xuân còn rào chắn chuồng trại thả thêm gà lương phượng để nuôi.
Ông Xuân cho biết: “Việc nuôi gà rất thích hợp với điều kiện thời tiết và quy mô chăn nuôi nông hộ ở đây. Hơn nữa với cách làm, cũng như có sự cam kết đầu tư, bao tiêu đầu ra của doanh nghiệp nên việc nuôi gà thả vườn của gia đình rất thuận lợi".
Qua tìm hiểu, tại huyện Đắk Song thì nhiều năm nay, các hộ nuôi gà thả vườn với quy mô diện tích khoảng 100m2/1.000 con gà có bổ sung thêm các loại thức ăn như ngô, lúa và chủ động phòng, trị bệnh đúng kỹ thuật là rất hiệu quả.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh thì việc thâm canh, chuyển đổi cây trồng trong những năm gần đây đã có không ít hộ thực hiện và đạt được những kết quả vượt bậc. Nhiều gia đình đã có thu nhập trên 100 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi cây trồng đối với địa phương là không thể làm theo cảm tính mà chỉ có những cây mang lại kinh tế thấp và không thích hợp với điều kiện thời tiết ở vùng đất đó thì mới chuyển đổi… Đa số nông dân hiện nay mong Nhà nước cần đẩy mạnh việc thực hiện quy hoạch vùng phát triển chuyên canh cây trồng, vật nuôi cũng như đẩy mạnh liên kết có hiệu quả giữa nhà nông - Nhà nước - nhà khoa học và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp - nông thôn.
Các ngành, địa phương cũng khuyến khích nông dân cải tạo vườn điều, cà phê già cỗi, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình theo hướng bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Dù mới "bén duyên" với vùng đất đồi gò tại Hà Nội được một thời gian ngắn, song với giá trị sản phẩm hàng hóa đạt 309 triệu đồng/ha, cây thanh long ruột đỏ (TLRĐ) đang phát huy lợi thế trên vùng đất đồi gò, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

Châu Thành (Hậu Giang) vốn có thế mạnh vườn cây ăn trái với diện tích hơn 9.000ha. Nhưng 3 năm trở lại đây diện tích và sản lượng có xu hướng giảm, trong đó nguyên nhân chính là do vườn bị lão hóa. Để từng bước khôi phục lại cây ăn trái truyền thống này, Châu Thành đã và đang thực hiện nhiều giải pháp khôi phục, trong đó mô hình “Trồng bưởi thâm canh theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm” được đánh giá là biện pháp khả thi nhất.

Lũ rút cũng là lúc sông Cửu Long cho thấy sự hào phóng về các sản vật mùa nước nổi. Người dân vùng đồng bằng tranh thủ khai thác thủy sản đang vào độ “chạy” nhất với đủ mọi hình thức và dỡ chà là một trong những phương pháp thủ công độc đáo còn được áp dụng.

“Mô hình nuôi ghép cá rô phi đơn tính và cá chép V1 đã đem laị hiệu quả kinh tế cao cho xã Mường Cang và xã Mường Than. Đó chính là cơ sở để huyện Than Uyên (Lai Châu) phát huy lợi thế mặt nước, đồng thời đưa ngành chăn nuôi thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp ở huyện” – Đó là nhận định của ông Mai Tiến Lực -Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện về mô “Nuôi cá thả ghép”.

Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Khánh Hòa về việc triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH-CN vào thực tiễn năm 2013, đề tài “Bước đầu nghiên cứu ấp nuôi nhân tạo chim yến hàng Aerodramus Fuciphagus Amechanus làm cơ sở khoa học cho việc phát triển đàn yến trong nhà ở Khánh Hòa” đã được Công ty Yến sào Khánh Hòa triển khai ứng dụng vào thực tiễn cho kết quả rất tốt.