Thu nhập 400 triệu đồng mỗi năm nhờ mô hình xen canh

Ghé thăm vườn chanh bông tím đang trĩu cành với những trái lớn nhỏ khác nhau được trồng xen canh với xoài tím và bưởi Đài Loan trên diện tích hơn 7.000 m2 của gia đình anh Bùi Văn Xiêng, chúng tôi mới cảm nhận được sự chịu thương, chịu khó của người nông dân trên mảnh đất, thửa ruộng của gia đình mình như thế nào!
Trước đây, trên mảnh vườn này trồng dừa nhưng hiệu quả kinh tế không cao, anh chuyển sang trồng ổi thì giá cả lại bấp bênh, nếu được mùa thì bị rớt giá. Với ý chí và quyết tâm làm giàu, anh đã đi tìm tòi, học hỏi mô hình ở nhiều nơi, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây chanh lai bông tím mang lại rất cao, vốn đầu tư không nhiều, kỹ thuật chăm sóc đơn giản nên đã chọn cây trồng này để khởi nghiệp.
Đất không phụ lòng người, sau hơn 1 năm chăm sóc, vườn chanh 7.000 m2 của anh Xiêng bắt đầu cho trái. Càng lâu năm, tàn chanh càng lớn, trái càng nhiều. Anh Xiêng cho biết, từ lúc chanh ra hoa đến thu hoạch khoảng 4 tháng, chi phí phân, thuốc bảo vệ thực vật và công chăm sóc 1 kg chanh tươi khoảng 5.000 đồng. Chính vì vậy, chỉ cần giá trên 5.000 đồng là người trồng chanh có lãi, những khi cao điểm chanh lên đến 30.000 đồng/kg.
Anh Xiêng cho biết thêm, thời tiết đang oi bức, nhu cầu sử dụng chanh tươi uống giải khát cao nên giá tăng so với mùa mưa. Hiện tại, thương lái đến tận vườn mua với giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Bình quân mỗi tháng anh thu hoạch 2 lần, mỗi lần 1 tấn trái. Hàng năm, sau khi trừ các chi phí, mô hình trồng xen canh giúp anh thu nhập hơn 400 triệu đồng.
“Chanh lai bông tím trồng rất dễ, ít tốn kém chi phí, cho trái quanh năm. Tuy nhiên, chanh thường bị rệp sáp tấn công hại rễ, chính vì thế cần thường xuyên kiểm tra, tăng cường phun thuốc diệt rệp sáp là vườn chanh sẽ an toàn và cho năng suất cao. Muốn xử lý để chanh cho trái nghịch vụ bán được giá cao, cần tiến hành loại bỏ lá già theo chu kỳ để thúc cây ra bông theo ý muốn” - Anh Xiêng chia sẻ.
Ngoài ra, anh Xiêng còn tận dụng những khoảng đất trống trồng xen xoài tím và bưởi Đài Loan. Hiện tại, xoài cho thu hoạch trái ổn định, hàng năm mang về nguồn thu khá cao, tạo thuận lợi để anh đầu tư vào cây chanh. Riêng bưởi Đài Loan đang phát triển tốt và bắt đầu cho trái, hứa hẹn những vụ mùa thắng lợi.
Với sự phấn đấu không ngừng và sự cần cù, chịu khó vươn lên thoát nghèo trên mảnh vườn của mình, anh nông dân chưa đầy 40 tuổi Bùi Văn Xiêng đã có một cơ ngơi ổn định, nhiều năm liền được bình chọn là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Có thể bạn quan tâm

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (XD NTM) huyện Trảng Bàng, qua hơn 2 năm (từ năm 2011 đến giữa năm 2013) thực hiện Chương trình XD NTM, huyện đã phát triển nhiều mô hình sản xuất góp phần đáng kể cho phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật Tây Ninh, đến đầu tháng 7.2013, toàn tỉnh đã xuống giống dứt điểm các loại cây trồng ngắn ngày vụ Hè thu. Diện tích các cây trồng như đậu phộng, bắp, mì, mía đều tăng hơn so cùng kỳ. Một số diện tích xuống giống sớm nay đã thu hoạch.

Giữa năm 2010, ông Lê Văn Thắng ở thôn An Sơn, xã Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh, Quảng Trị) bắt đầu ra Rú Đưng, một khu rừng tự nhiên rộng 16 ha nằm trên địa bàn xã Vĩnh Thạch để phát triển kinh tế. Đem tiền tỷ đầu tư vào một khu rừng nguyên sinh là chuyện lạ đối với nhiều người quen biết ông Thắng lúc bấy giờ.

Trong khi ngành chăn nuôi lao đao vì giá cả bấp bênh, vì dịch bệnh thì riêng chăn nuôi bò lai nông dân ít gặp rủi ro, giá cả luôn ổn định, trở thành mũi nhọn kinh tế cho nhà nông hiện nay.

Ông Lê Văn Dũng, SN 1955, hiện ở ấp Long An B, xã Phú Thọ là người tiên phong của huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp nuôi cá thác lát cườm ghép cá sặc rằn trong ao thành công.