Thủ Lĩnh Nông Dân

Ở xã Trà Giác (Bắc Trà My), nhắc đến Chủ tịch Hội Nông dân xã A Lăng Má, nhân dân địa phương coi anh như “chiếc phao” giúp đồng bào thoát nghèo.
“Dân mình còn nghèo quá! Nếu cứ phụ thuộc vào nương rẫy, chưa chắc đã đủ ăn. Do vậy mình phải có nhiều mô hình chăn nuôi, sản xuất để giúp bà con cải thiện dần cuộc sống”. Đó là trăn trở đầu tiên của A Lăng Má. Anh tâm niệm, một khi đã là chỗ dựa của dân, được dân tin yêu, kỳ vọng, bản thân mình phải phấn đấu để trở thành một “thủ lĩnh nông dân” thực sự. Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả được A Lăng Má giới thiệu rồi vận động, hướng dẫn bà con làm theo. Đã có không ít hộ thoát nghèo nhờ anh “đưa đường chỉ lối”.
Sinh năm 1984 trong một gia đình đông anh em, từ nhỏ A Lăng Má thấu hiểu được cuộc sống khó khăn của bà con vùng cao. Đã hoàn thành chương trình Đại học Nông Lâm Huế và đang hoàn thành khóa học trung cấp chính trị, người con của núi rừng này luôn tìm những mô hình làm kinh tế hay, hiệu quả, phù hợp với địa phương để ứng dụng. Anh dành nhiều thời gian đến từng gia đình tìm hiểu và gợi mở nhiều hướng làm ăn tùy vào từng hoàn cảnh.
Với các hộ quá khó khăn, bước đầu anh trích quỹ hội hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng... tạo điều kiện cho các hộ đặt nền móng làm kinh tế. Mới đây, anh trích quỹ hỗ trợ cặp heo giống trị giá 2 triệu đồng cho hộ ông Trần Văn Chiến (ở thôn 4) “khởi sự” phát triển chăn nuôi. Ông Chiến vui lắm, bảo: “Được cán bộ Má và chi hội quan tâm, dân chúng tôi có điều kiện để làm ăn kinh tế. Vừa trồng trọt vừa chăn nuôi thế này, có thể cải thiện đời sống được rồi”.
Theo anh A Lăng Má, việc gần dân chính là “mấu chốt” để giải quyết ngọn ngành mọi công việc. Từ đó mới thấu hiểu được những mong muốn, khó khăn của nông dân. “Có gần dân, sát dân mới biết họ cần gì, gặp khó khăn như thế nào, vướng mắc ra sao trong sản xuất, mình có thể kịp thời giúp tháo gỡ” - anh Má bộc bạch. Hằng năm anh đặt ra mục tiêu giúp từ 1 - 2 hộ thoát nghèo với những hướng đi cụ thể, hỗ trợ thiết thực. Vì quỹ hội rất khiêm tốn nên A Lăng Má tích cực đi vận động, gõ cửa nhiều nơi để có nguồn hỗ trợ “cần câu” cho bà con.
Đại hội Đại biểu Hội Nông dân toàn quốc lần thứ VI diễn ra từ ngày 30.6 - 3.7, A Lăng Má là chủ tịch hội nông dân cơ sở tiêu biểu được bầu chọn tham dự. Anh tâm sự, đây là niềm vinh dự cho bản thân, mặt khác cũng là trách nhiệm lớn lao đối với bà con địa phương. Biết tin A Lăng Má sắp ra Hà Nội dự đại hội, bà con thường kéo tới nhà để chúc mừng và gửi gắm niềm tin vào anh. “Bà con đặt niềm tin, kỳ vọng vào mình rất nhiều. Đây là cơ hội tốt để gặp gỡ, học hỏi nhiều mô hình, kinh nghiệm làm kinh tế về giúp lại đồng bào mình thoát nghèo” - A Lăng Má chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, việc phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại đã được nông dân ở xã Đức Mạnh (Đắk Mil) chú trọng. Đến nay, số hộ dân có trang trại chăn nuôi cho thu nhập cao ngày một tăng lên, góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương ngày càng phát triển.

Mặc dù giá cà phê ở vụ 2013-2014 không cao, nhưng sau khi thu hoạch, nông dân nhiều nơi trong tỉnh cũng đã tập trung vào việc chăm sóc vườn cây, với hy vọng có được vụ mùa năm sau đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

Thời gian qua, Trạm Khuyến nông thị xã Gia Nghĩa đã tổ chức mô hình nuôi gà Lương Phượng thả vườn với sự tham gia của 8 hộ gia đình trú tại thôn Tân Hòa và Tân Lợi, xã Đắk R’moan.

Nhờ đầu tư chăm bón vườn cây đúng kỹ thuật, nên cam phát triển khá tốt. Sau 3 năm chăm sóc, vườn cam của gia đình ông đã cho thu hoạch bình quân hơn 30 tấn quả/ha. Với giá 25.000- 30.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 200 triệu đồng.

Theo thống kê, toàn tỉnh có gần 30.000 ha cao su, trong đó, hơn 7.000 ha đang trong giai đoạn khai thác mủ. Hiện nay, cây cao su được phát triển dưới nhiều hình thức, trong đó nông hộ chiếm một tỷ lệ lớn.