Thu Lãi 300 Triệu Đồng/năm Từ Vườn Vú Sữa Xen Bưởi Da Xanh

Ông Võ Văn Nam là điển hình làm kinh tế giỏi ở ấp Vĩnh Bình (Vĩnh Kim, Châu Thành).
Trong khu vườn vú sữa Lò Rèn rộng 8.500 m2, để tận dụng đất trống, tăng thêm hiệu quả kinh tế, ông xen canh 150 gốc bưởi da xanh nay đã 3 năm tuổi. Vú sữa Lò Rèn đã cho thu hoạch ổn định nhiều năm nay, còn bưởi da xanh bắt đầu cho trái.
Để có được nguồn thu nhập cao, ông Nam đã phải trải qua một quá trình đầu tư công sức. Khi xác định áp dụng mô hình trên, ông đã học hỏi kinh nghiệm sản xuất của những nông dân đi trước và hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn đúc kết được.
Ông Nam cho biết, đầu tiên cần phải chọn giống tốt, sạch bệnh; quy hoạch vườn trồng với mật độ hợp lý, không quá dày nhưng cũng không quá thưa, có chế độ chăm sóc để vườn luôn sung mãn, cho năng suất và sản lượng cao, chất lượng trái tốt, thị trường ưa chuộng.
Trung bình 1.000 m2 ông trồng 12 cây vú sữa Lò Rèn. Vú sữa Lò Rèn sau 4 năm tuổi đã bắt đầu cho trái, năng suất khi cho trái ổn định đạt từ 12 - 15 tấn/ha. Còn bưởi da xanh có 30 gốc bắt đầu cho trái, bình quân 60 trái/gốc, mỗi trái nặng 1,5 kg.
Một trong những bí quyết để vườn cây ăn quả đặc sản luôn sum sê, cho năng suất cao vừa kéo dài được tuổi thọ là bón phân cân đối, dùng nhiều phân hữu cơ hoai mục thay vì lạm dụng phân hóa học như trước đây.
Ông Nam cho biết, hàng năm ông sử dụng đến 400 bao phân hữu cơ bón cho vườn vú sữa Lò Rèn và bưởi da xanh. Hiện nay, sau khi dứt vụ vú sữa và bưởi da xanh Tết, gia đình ông đang tập trung làm đất, tỉa cành, tạo tán và chăm sóc để chuẩn bị cho vụ mới trong năm 2014.
Nói về thu nhập, ông Võ Văn Nam vui vẻ cho biết: “Khu vườn trong năm 2013, đạt sản lượng 12 tấn vú sữa Lò Rèn, bán với giá 25.000 đồng/kg và 3 tấn bưởi da xanh, bán với giá 30.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí sản xuất còn lãi 300 triệu đồng. Những năm tới, khi bưởi da xanh cho thu hoạch ổn định, thu nhập chắc chắn còn tăng cao”.
Ông Phan Duy Túc, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Châu Thành đánh giá cao về mô hình trồng vú sữa Lò Rèn xen canh bưởi da xanh đặc sản của ông Võ Văn Nam. “Cái hay của ông Nam là biết áp dụng đồng bộ các giải pháp thâm canh, xây dựng mô hình phù hợp, qua đó tăng được năng suất, sản lượng và chất lượng vườn quả. Hiệu quả kinh tế mang lại rất cao” - ông Túc nhận xét.
Có thể bạn quan tâm

Dọc theo con đường ven biển từ Đức Chánh đến Đức Phong - vùng nuôi tôm tập trung của huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi), chúng tôi không còn thấy sự bận rộn, hồ hởi của người dân nơi đây khi các hồ tôm đã cạn nước, trơ đáy mặc dù đang vào vụ nuôi tôm chính trong năm...

Trong những năm gần đây, phong trào nuôi thủy sản ở tỉnh Nam Định đã và đang có bước phát triển mạnh. Nghề nuôi thủy sản đang chuyển dần từ nuôi quảng canh sang bán thâm canh, thâm canh, nuôi công nghiệp với quy mô lớn, tạo ra sản phẩm tập trung có giá trị kinh tế và xuất khẩu.

Từ một loại cây trồng xen, “núp bóng” dừa để tăng thu nhập, thì nay ca cao đã dần khẳng định chỗ đứng khi giá dừa còn quá bấp bênh.

Ở tuổi 27, anh Nguyễn Văn Nhã (sinh năm 1985, xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đã là chủ nhân của vườn xoài hơn 7 năm tuổi (diện tích 6 sào), mỗi năm cho thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng. Anh còn trồng thêm mía, mì; dự định mở rộng vườn tược thực hiện mô hình kinh tế trang trại.

Mấy năm gần đây, nhân dân huyện Hạ Lang đã phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương đầu tư phát triển đàn dê trở thành hàng hóa, góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập.