Thu Hút FDI Vào Nông Nghiệp Khó Vì Đâu?

Việt Nam đã thu hút được hơn 243 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó lĩnh vực nông nghiệp chỉ đạt 3,39 tỷ USD, chiếm 1,4% tổng vốn đăng ký.
Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư – KH&ĐT) - cho biết: Nếu như cách đây 15 năm, vốn FDI vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 15% tổng vốn đầu tư FDI thì 3 năm trở lại đây, vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm chưa đầy 0,5% tổng vốn đầu tư. Mặc dù, trong chính sách thu hút FDI, đây được coi là lĩnh vực khuyến khích và đặc biệt khuyến khích đầu tư.
9 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút được 1.152 dự án FDI mới, và 417 dự án đăng ký tăng vốn với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 11,18 tỷ USD. Tuy nhiên, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chỉ thu hút được 14 dự án mới và 8 dự án tăng vốn, với tổng vốn đăng ký đạt 68,45 triệu USD, chiếm hơn 0,5% tổng vốn đầu tư.
Không chỉ khó thu hút vốn, theo Cục Đầu tư nước ngoài, các dự án FDI vào lĩnh vực nông nghiệp đa phần là các dự án có quy mô nhỏ, trung bình khoảng 6,6 triệu USD. Trong khi vốn trung bình của một dự án FDI là khoảng 14,7 triệu USD.
Theo PGS. TS Bùi Tất Thắng- Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT): Nguyên nhân khiến lĩnh vực nông nghiệp khó thu hút được FDI do lĩnh vực này vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro do bất lợi của dịch bệnh, thời tiết, thiên tai. Sản phẩm nông nghiệp lại có tỷ suất lợi nhuận thấp, hệ thống sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản còn nhiều bất cập do chưa thiết lập được mối quan hệ giữa các hộ nông dân với doanh nghiệp, chưa phát huy được vai trò của các hiệp hội theo ngành hàng.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cơ sở hạ tầng cho phát triển nông nghiệp chưa thuận lợi, hoạt động nông nghiệp manh mún, các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp chưa đủ mạnh là nguyên nhân khiến lĩnh vực này khó thu hút FDI.
Bộ KH&ĐT cho biết, sắp tới sẽ đưa ra một loạt các giải pháp nhằm thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, sẽ mở rộng các hình thức ưu đãi, hỗ trợ các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ cho nông dân và các doanh nghiệp khi bị tổn thất do thiên tai, rủi ro về biến động giá thị trường nông sản.
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, ngoài các ưu đãi trên, cần coi việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai có hiệu quả các dự án FDI đã được cấp giấy phép đầu tư là biện pháp tốt để xây dựng hình ảnh, thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này ở Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm

Nông dân tại nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL hiện bán lúa thu đông 2015 thu hoạch sớm thấp hơn từ 400 - 500 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh lân cận, như: Hậu Giang, Vĩnh Long…, nông dân bán lúa tươi IR50404 ngay tại ruộng chỉ 4.200 - 4.300 đồng/kg, trong khi cùng kỳ năm trước từ 4.700 - 4.800 đồng/kg. Nhiều loại lúa tươi hạt dài như: OM 4218, OM 5451… giá từ 4.500 - 4.700 đồng/kg.

Những năm gần đây, nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên giá trị sản phẩm chè Ba Trại (huyện Ba Vì, Hà Nội) được nâng lên rõ rệt.

Thành phố Đà Lạt đã thiết lập hệ thống bản đồ phân bố dịch hại trên cây dâu tây thông qua ứng dụng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý), làm cơ sở đưa ra các giải pháp phòng trừ hiệu quả, kịp thời.
Vừa qua, tại phường 6, TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội thảo sơ kết “Sản xuất rải vụ thu hoạch xoài theo hướng an toàn năm 2014 - 2015”. 100 nhà vườn ở huyện Cao Lãnh và TP.Cao Lãnh đến dự.

Công nghệ CAS hoạt động theo nguyên lý đông lạnh nhanh ở nhiệt độ thấp và năng lượng từ trường làm cho nước trong sản phẩm sẽ liên kết với nhau thành cụm nhỏ vài ba phân tử mà không đóng băng thành khối như lạnh đông thông thường, giúp giữ được chất lượng sản phẩm tươi nguyên như ban đầu.