Thu Hút Đầu Tư Cho Nông Nghiệp

Doanh nghiệp (DN) ngày càng quan tâm đầu tư vào ngành nông nghiệp còn giàu tiềm năng. Tuy nhiên, thực tế từ trước đến nay, chưa có nhiều ưu đãi cho DN đầu tư vào lĩnh vực này.
Nhằm khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ đã ban hành Nghị định 210/2013/ NĐ-CP mở rộng ưu đãi cho các lĩnh vực nông nghiệp. Đồng Nai cũng đang xây dựng đề án hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2015-2020.
* Nhiều ưu đãi
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - đầu tư, đơn vị được giao xây dựng đề án, tỉnh sẽ dành 2% tổng chi ngân sách hàng năm hỗ trợ cho các đối tượng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Thời gian áp dụng, thực hiện ưu đãi, hỗ trợ là tính từ ngày 10-2-2014 khi Nghị định 210 của Chính phủ có hiệu lực.
Đề án sẽ quy định cụ thể những ưu đãi và hỗ trợ đầu tư từ ngân sách tỉnh cho các DN, tập trung vào 3 nội dung lớn. Trong đó, về đất đai ưu đãi dự kiến sẽ là miễn, giảm tiền sử dụng đất; tiền thuê đất, thuê mặt nước. Nhà đầu tư cũng được hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo nghề; chi phí quảng cáo; kinh phí tham gia hội chợ và phát triển thị trường...
Đặc biệt, Quỹ Phát triển khoa học - công nghệ tỉnh và ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ DN 70% kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu tạo ra công nghệ mới phục vụ cho dự án đầu tư được ưu đãi hoặc DN mua bản quyền công nghệ thực hiện dự án; hỗ trợ 30% tổng kinh phí đầu tư mới để thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm. Mức hỗ trợ tối đa không quá 3 tỷ đồng/dự án.
Ngoài các ưu đãi trên, một số lĩnh vực nông nghiệp cụ thể sẽ được hỗ trợ vốn. Theo đó, các dự án đầu tư cơ sở giết mổ tập trung được hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, xử lý chất thải và mua thiết bị. Hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng; chi phí nhập giống gốc... với các dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc tập trung. Ngoài ra, các dự án đầu tư cơ sở sấy nông sản; dự án đầu tư trong khâu bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản... cũng nằm trong diện được hỗ trợ vốn.
* Chú trọng hỗ trợ công nghệ
Để tăng sức cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập toàn cầu sâu rộng như hiện nay, nhiều DN quan tâm ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng nông sản. Bởi sự tồn tại của DN được là do người tiêu dùng quyết định. Chính người bỏ tiền mua sản phẩm là nguồn tài chính đầu tư cho nông nghiệp.
Tại hội thảo các giải pháp thị trường trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao diễn ra ở TP.Hồ Chí Minh vào ngày 24-10, ông Antoni Nezic, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Canada (Cancham) tại Việt Nam, chia sẻ: “Việt Nam phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút cả đầu tư FDI và trong nước vào nông nghiệp.
Cần một chiến lược đặc thù, được xây dựng riêng đáp ứng tính da dạng của nông nghiệp. Trong đó, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo sự chuyển mình cho toàn ngành nông nghiệp”.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư phát triển nông nghiệp Nguyên Lộc (TX.Long Khánh), nhận xét: “Thời điểm này chính là cơ hội vàng cho ngành ca cao Việt Nam. Muốn nắm được cơ hội này, phải tính đến việc ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất”.
Theo đó, DN và Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai đang triển khai đề tài mô hình chuỗi liên kết sản xuất và chế biến ca cao chất lượng. Giai đoạn đầu sẽ xây dựng mô hình thí điểm trồng ca cao năng suất để nhân rộng ra cho nông dân. Mục tiêu lâu dài là đầu tư cho chế biến sâu chứ không chỉ bán sản phẩm thô như hiện nay. Vườn ca cao sẽ là vườn cây giống đầu dòng để DN tạo ra những giống tốt, năng suất cao.
Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai (huyện Cẩm Mỹ) đã thu hút được 8 DN đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, nhiều dự án lớn bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện trung tâm đã hết quỹ đất dành cho sản xuất nên sẽ ưu tiên thu hút DN trong lĩnh vực chế biến. DN đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao sẽ được tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi, nhất là về mặt thủ tục hành chính.
Có thể bạn quan tâm

Theo Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, tính đến ngày 15/01/2015 toàn bộ các nhà máy đường đã vào sản xuất niên vụ 2014-2015, các nhà máy đã ép được 5.618.900 tấn mía, sản xuất được 505.950 tấn đường. So với cùng kỳ năm trước, lượng mía ép giảm 1.359.100 tấn, lượng đường giảm 97.650 tấn.

Hoa Kỳ vẫn duy trì được vị trí là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 21,82% tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng này. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường này trong năm 2014 đạt 1,709 tỷ USD, tăng 17,29% so với năm 2013.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 859 triệu USD, giảm 11,8%; thuỷ sản ước đạt 412 triệu USD, giảm 25,6%; lâm sản chính ước đạt 520 triệu USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2014, Trung Quốc tiếp tục là thị trường XK gạo lớn nhất của Việt Nam với 30,16% thị phần. Khối lượng gạo XK sang thị trường này trong năm 2014 đạt 2,018 triệu tấn với giá trị đạt 891 triệu USD, giảm 6,08% về lượng và 1% về giá trị.

Theo Quyết định này, Nhà nước có nhiệm vụ định hướng, khuyến khích xây dựng vùng nguyên liệu đồng thời có chính sách ưu đãi để tạo động lực thúc đẩy mở rộng quy mô vùng nguyên liệu; Chia sẻ rủi ro và hài hòa lợi ích giữa thương nhân và nông dân; gắn kết lợi ích với trách nhiệm của các bên trong quan hệ liên kết.