Thu Hoạch Lúa Vụ Hè Thu Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long Khốn Đốn Vì Mưa Dầm

Lúa gặp mưa làm chất lượng giảm nên bị thương lái chê. Từ đó, đẩy nông dân vào cảnh khốn đốn vì không tiêu thụ được.
Mưa liên tục trong những ngày qua đã làm cho người nông dân trồng lúa ở ĐBSCL thêm lo lắng. Giá lúa đã xuống thấp nay phải đối mặt với lúa thu hoạch khó do bị đổ ngã, ngập trong nước. Còn khi đã thu hoạch xong nhưng chưa có người mua thì lại vất vả với việc phơi lúa trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Những tưởng chỉ phải bán lúa với giá thấp sau khi thu hoạch xong, giờ đây hơn 2 ha lúa hè thu chuẩn bị thu hoạch của ông Trần Công Sơn ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang lại bị ngã rạp do mưa to và gió lớn trong những ngày qua. Nhìn cánh đồng lúa chín vàng oằn mình trong cơn mưa, anh Sơn không khỏi xót xa. Vậy là không chỉ cầm cự ở mức hòa vốn mà với chi phí thuê nhân công cắt lúa, ông Sơn cầm chắc phần lỗ trong vụ lúa năm nay.
Hiện tại, ở ĐBSCL, nhiều bà con nơi đây phải thuê nhân công thu hoạch lúa với giá từ 400.000 - 500.000 đồng/công, tăng gần 100.000 đồng/công so với thời điểm trời nắng trước đó. Tuy nhiên, đây chỉ là giá thỏa thuận cắt lúa. Còn nếu cộng thêm tiền thuê trâu kéo và máy suốt thì mỗi công người dân phải tốn thêm 200.000 đồng nữa. Tức là mỗi công lúa, người dân phải mất khoảng 700.000 đồng.
Theo anh Nguyễn Văn Tư, ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, mức giá này nếu so sánh với việc thuê cắt bằng máy thì đội lên gần gấp đôi. Việc giá tăng đã đành, nhưng để kiếm được người để thuê thu hoạch trong thời điểm thu hoạch này thì cũng không phải là dễ.
“Lúa bị mưa làm ngập úng đến nay khoảng chục ngày mà tôi gọi công nhân cắt không được. Nếu có gọi được thì người ta đòi giá cao. Năm nay coi như gia đình tôi không nói tới lời lãi gì hết” - anh Tư tâm sự.
Nhiều nông dân trồng lúa ở An Giang, Đồng Tháp cho biết, mưa dầm trong những ngày qua khiến việc thu hoạch bị ùn ứ do lúa đổ ngã, ẩm ướt. Ở tỉnh Đồng Tháp, đã có gần 30.000 ha lúa hè thu bị đổ ngã, nặng nhất là huyện Tháp Mười với khoảng 8.000 ha. Còn tại khu vực Bảy Núi tỉnh An Giang, người dân đang vất vả để tìm mọi cách thu hoạch lúa bị đổ ngã do mưa dầm kéo dài.
Lúa gặp mưa làm chất lượng giảm nên bị thương lái chê. Từ đó, đẩy nông dân vào cảnh khốn đốn vì không tiêu thụ được. Bà con nông dân ở miền Tây cho biết, từ lúa đứng, bông lúa đẹp và năng suất dự kiến đạt khá cao thì nay lúa bị đổ ngã hàng loạt. Chính vì vậy đã khiến chi phí thu hoạch tăng cao, cộng với lúa thất thoát nhiều, chất lượng giảm… đồng nghĩa với đó là giá bán giảm theo.
Anh Lê Hồng Khanh ở xã An Bình B, thị xã Hồng Ngự cho biết: “Hồi lúc thương lái đi xem thì lúa đứng, tới lúc cắt lúa sập thì bị chê là lúa dơ, đen. Lúc tôi lấy tiền cọc thì là 4.400 đồng. Tới lúc kêu tới cân thì thỏa thuận lại chỉ có 4.200 đồng. Ngoài ra, mỗi bao lại bị trừ bì là 5 kg”.
Hơn 1 tuần tiến hành thu mua tạm trữ lúa gạo tại ĐBSCL, giá lúa không có biến động theo chiều hướng có lợi cho người nông dân. Giờ đây, thời tiết bất lợi lại càng làm cho người nông dân thêm phần khốn đốn. Thêm một vụ lúa nữa mà người nông dân chưa “cười” được với sản phẩm của mình làm ra sau những tháng ngày vất vả. Còn đó những khó khăn khi ĐBSCL lại bắt đầu cho vụ thu đông sắp tới.
Có thể bạn quan tâm

Trên 10 km đê tả sông Hồng chạy qua địa bàn, trên 600 ha đất bãi… đây là những điều kiện thuận lợi để huyện Kim Động (Hưng Yên) đẩy mạnh khai thác tiềm năng chăn nuôi đại gia súc ở các xã ven đê.

Nhằm góp phần tạo nguồn thu nhập cho các hộ gia đình ở miền núi và bảo vệ rừng bền vững, đặc biệt là cung cấp nguồn dược liệu quý hiếm để xuất khẩu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang đã xây dựng thành công mô hình trồng cây sa nhân dưới tán rừng kể từ năm 2013 đến nay.

Tại huyện Long Thành (Đồng Nai), hầu hết trong số 1.600 hécta bắp vụ hè - thu năm nay đều phát triển tốt, cho trái to, đều hạt với năng suất từ 5,5 đến hơn 8 tấn/hécta. Tuy nhiên, khi bắt đầu bước vào vụ thu hoạch, bắp tươi bán tại rẫy chỉ có giá 3.800 đồng/kg, sau đó giảm xuống còn khoảng 2.800 đồng/kg.

Một công nhân của Xí nghiệp thoát nước số 3 (Công ty thoát nước Hà Nội) vừa đổ cá chết thu gom được trên Hồ vào xe thu gom rác vừa chia sẻ với chúng tôi: Từ sáng đến giờ (15.30 phút ngày 15-9) chúng tôi đã vớt đến cả tấn cá chết. Lượng cá chết vài hôm trước chỉ rải rác, nhưng sáng hôm nay tăng đột biến, chúng tôi phải huy động thêm công nhân đến vớt cá chết".

Hà Nội có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) lớn, song có một thực tế là hiện nay, nhiều người nông dân vẫn băn khoăn, lo lắng vì nguồn giống chưa đảm bảo cả về chất lượng và số lượng. Không ít hộ nuôi trồng thủy sản ngậm ngùi nếm "trái đắng" bởi mua phải giống kém chất lượng trên thị trường.