Thu Hoạch Lúa Bị Đổ Ngã Chi Phí Cao, Thất Thoát Lớn Ở Phú Yên

Những ngày qua, do ảnh hưởng không khí lạnh gây mưa to, toàn tỉnh Phú Yên có hơn 8.000ha lúa đông xuân 2012 - 2013 vừa chín tới, chưa kịp thu hoạch đã nằm rạp xuống mặt ruộng. Người dân dàn hàng ngang lội bùn khẩn trương gặt lúa, chi phí cao mà lúa thất thoát lớn.
Lội ruộng nước ngập bì bõm, vác trên vai bó lúa đi trên cánh đồng Lòng Bàu, xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa), ông Nguyễn Văn Hưng xót xa: “Lúa giai đoạn chắc - xanh hạt bóng mẩy, bây giờ mưa ngã dính đầy bùn. Trời mưa nên ai cũng tranh thủ ra ruộng gặt lúa, khom lưng mày mò dưới nước vớt từng gié”. Còn ông Bùi Văn Dũng ở thôn Phú Vang (Bình Kiến) cho biết: “Cả cánh đồng sót một vài đám không bị ngã nhưng nước ngập, lội bì bõm. Gánh lúa ướt, rướn chân lội sình, nặng nhưng không mệt, có điều nhìn lúa bị ngập ướt mà xót xa vì thất thoát nhiều”.
Từ các xã Hòa Hiệp Bắc, Hòa Vinh (Đông Hòa), các phường Phú Đông, Phú Lâm (TP Tuy Hòa) đến các xã Hòa Bình 1, Hòa Đồng, Hòa Phong (Tây Hòa), nhiều cánh đồng lúa ngã rạp, ngập trong nước. Ông Nguyễn Ngọc Biên, Phó chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hòa Hiệp Bắc lo lắng: “Lúa đứng, thuê máy gặt đập chỉ mất 120.000 đồng/sào (500 m2), còn lúa bị ngã, phải gặt thủ công chi phí từ 250.000 - 300.000 đồng/sào, lại tốn thêm công phơi lúa, phơi rơm…”. Còn bà Võ Thị Hưng, ở xã Hòa Bình 1, cho biết: “Tôi có 6 sào lúa bị ngã rạp. Nếu lúa không ngã, gặt máy chỉ cần 1 ngày là xong, nay phải gặt thủ công mất 4 ngày”.
Vụ đông xuân này, các cánh đồng dọc sông Bánh Lái thuộc 2 huyện Tây Hòa, Đông Hòa trải qua 2 lần “ngập lụt” trái mùa, đó là thời điểm lúa gieo sạ và làm đòng nước ngập nhiều ngày, ảnh hưởng năng suất. Theo nhiều nông dân, vụ lúa đông xuân năm nay, cây lúa không chỉ bị ảnh hưởng thời tiết bất thường mà còn bị chuột cắn phá. Đến cuối vụ gặp mưa, lúa ngã rạp, ai cũng xót công bỏ ra chăm sóc lúa.
Tại cánh đồng lúa xã Hòa An, Hòa Thắng (Phú Hòa), nhiều hộ dân dàn hàng ngang gặt lúa bị đổ rạp, ngập úng. Tay ôm bó lúa nảy mầm, bà Trần Thị Thủy (xã Hòa An) than vãn: “Năm nay khi lúa trổ đòng, “mã” lúa tốt tưởng được mùa, ai ngờ đúng vào dịp thu hoạch thì lại gặp mưa gió kéo dài. Gặt thủ công, lúa đã rơi vãi nhiều, lại còn ôm vác, gồng gánh từng bó lúa về nhà, rơi rụng dọc đường không ít”.
Ông Võ Duy Doãn, Trưởng trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Phú Hòa, cho biết: “Năm nay, năng suất lúa của huyện đạt cao, ước bình quân hơn 70 tạ/ha, nhưng cuối vụ gặp mưa lúa đổ ngã, một phần lại ngâm nước thì thất thoát sau thu hoạch trên 15%”.
Có thể bạn quan tâm

Cạnh tranh vốn dĩ là quy luật của thị trường. Thế nên thanh long Bình Thuận muốn tiếp tục khẳng định vị thế thì ngay từ bây giờ phải định hướng khâu sản xuất và tiêu thụ hiệu quả…

Ngành chức năng Bình Thuận vừa chủ trì tổ chức cuộc họp theo chỉ đạo của Bộ Công Thương để thông tin tình hình thị trường tiêu thụ trái thanh long tại Trung Quốc. Song những diễn biến có liên quan đến thanh long Bình Thuận đều là “tin không vui”, đặt ra vấn đề cấp bách trong việc nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm lợi thế của địa phương…

Chuyện không mới nhưng nhiều năm qua, ngành mía đường vẫn không giải quyết được

Không chỉ xuất khẩu tới nhiều thị trường, gạo Campuchia còn có giá cao...

Cùng với giá tôm hùm thương phẩm giảm mạnh, từ đầu năm đến nay, ở các vùng nuôi tôm hùm ở thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên), tôm hùm chết do dịch bệnh chiếm tỷ lệ cao đã gây nhiều thiệt hại cho người nuôi.