Thu chục triệu mỗi tháng nhờ nghề đặt trúm lươn

Cùng với nghề cào bắt cá và hến, câu ếch, soi ếch... nghề đặt trúm bắt lươn ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười như: Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng, Cao Lãnh, Tháp Mười... cũng đang phát triển mạnh. Nhiều nông hộ ở đây nhờ nghề đặt trúm bắt lươn mà đã vượt qua cảnh khốn khó lúc nông nhàn.
Đặt trúm bắt lươn đang là nghề chính để tạo việc làm và đem lại nguồn thu nhập chính cho vợ chồng anh Trần Văn Đường và chị Trần Thị Thừa ở ấp Tây, xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Chị Thừa cho hay: “Muốn bắt được nhiều lươn, không chỉ phải biết thời gian, địa điểm đặt ống trúm và đặt bằng cách nào, mà còn phải chọn mồi ngon để dẫn dụ lươn vào trúm.
Lươn thường sinh sống dưới lớp bùn cả ngày, ban đêm mới đi kiếm ăn. Món ngon-hấp dẫn của lươn chủ yếu là cá, tép, cua, ốc… bằm nhuyễn để cho có mùi thum thủm hoặc là con trùn (giun) hay ếch-nhái nướng cho thơm…”.
Sau khi bỏ mồi vào các ống trúm xong, tôi cùng với vợ chồng anh Đường đẩy xe dọc theo tuyến Quốc lộ 30 thuộc địa phận xã Tân Thạnh đến thị trấn Thanh Bình và xã Bình Thành, rồi đi dọc tuyến Tỉnh lộ 843 thuộc các xã Tân Phú, Tân Mỹ... tìm nơi để đặt trúm. Đặt trúm xong, đợi đến 5 - 8 giờ sáng hôm sau đi dỡ trúm thu hoạch lươn.
Nông dân vùng Đồng Tháp Mười đặt trúm bắt lươn.
Anh Đường bày tỏ: Nghề đặt trúm bắt lươn rất đơn giản, vừa tiện lợi - vừa ít tốn kém mà mang lại hiệu quả cao. Chỉ cần vài trăm ngàn đồng là sắm được vài chục cái trúm bắt lươn. Ống trúm là một đoạn tre bọng ruột dài trên-dưới 1m; một đầu vót nhọn để khi đặt cắm dễ dàng dưới đáy kênh-mương. Hai đầu ống trúm đều có miệng hom đan bằng tre.
Hom là cái bẫy dẫn dụ lươn vào ăn mồi. Với 80 ống trúm, bình quân mỗi ngày gia đình anh Đường kiếm được trên-dưới 3kg lươn, bán cho những thương lái chở đi TP.Cao Lãnh, TP.Sa Đéc... với giá 200.000 đồng/kg lươn loại 1 và 170.000 đồng/kg lươn loại 2, thu nhập từ 300.000 - 500.000 đồng/ngày.
Anh Đường vui vẻ nói: “Với nghề đặt trúm bắt lươn, trung bình mỗi tháng vợ chồng tôi kiếm được không dưới 10 triệu đồng, đủ để trang trải mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình và nuôi con ăn học”. Chị Thừa ngồi kế bên tiếp lời: “Nhà tôi đã theo nghề này mười mấy năm nay, cho dù trời mưa dông-bão lũ… thì vẫn đội mưa để đi đặt trúm, Nếu nghỉ, coi như ngày đó không có thu nhập, cuộc sống sẽ khó khăn”.
Vất vả, cực nhọc là vậy, nhưng nghề đặt ống trúm bắt lươn khá hấp dẫn đã và đang là cách mưu sinh độc đáo của những hộ dân nghèo miền sông nước Cửu Long - nhất là những người dân nông thôn miệt Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang và vùng Đồng Tháp Mười, khu Tứ giác Long Xuyên...
Có thể bạn quan tâm

Trong dịp lễ 30/4 và 1/5, nhân chuyến công tác phía Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm và khảo sát một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) tại tỉnh Lâm Đồng.

Những năm gần đây, tình trạng khai thác thủy sản ven bờ bằng tàu có công suất nhỏ đã làm nguồn lợi thủy sản vùng biển Tây Nam (ở địa bàn 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang) bị suy giảm nghiêm trọng. Hệ sinh thái thủy sản ven bờ sẽ tiếp tục cạn kiệt nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ.

Ông Phan Văn Binh, Bí thư Đảng ủy xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), cho biết: Năm nay mùa cá cơm săn đến sớm hơn mọi năm nên trong những ngày qua cá cơm săn xuất hiện nhiều trên vùng biển ven bờ xã đảo Nhơn Châu và có khoảng 250 hộ dân đang tập trung khai thác loại hải sản này. Sau một đêm, mỗi hộ đánh bắt được 50 - 70kg, có hộ trúng đậm trên 100kg nên ngư dân có được một khoảng thu nhập khá từ việc đánh bắt cá cơm săn.

Tỉnh Nam Định có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế thủy sản. Những năm gần đây, phong trào nuôi thủy sản ở tỉnh ta đã và đang có bước phát triển mạnh cả về quy mô, diện tích và sản lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nghề nuôi thủy sản đang chuyển dần từ nuôi quảng canh sang bán thâm canh, thâm canh, nuôi công nghiệp với quy mô lớn về diện tích, tạo ra sản phẩm thủy sản tập trung, có giá trị kinh tế và xuất khẩu.
Do tình hình nắng hạn gay gắt, các vùng nuôi tôm ở ĐBSCL bị thiệt hại nặng. Ở góc độ khoa học kỹ thuật, xin nêu mấy yếu tố có thể tạo thành công mà người nuôi tôm nào cũng cần phải xem xét, đối chiếu lại hiện trạng và điều kiện thực tế của mình, xem đã có cái gì, thiếu cái gì.