Thu 500 Triệu Đồng Từ Mô Hình Chăn Nuôi Tổng Hợp

Nhạy bén, sáng tạo cùng với ý chí quyết tâm làm giàu trên vùng đất rú cát Quảng Vinh (Quảng Điền - Thừa Thiên Huế), gia đình anh Trần Vĩnh Cườm thành công với mô hình chăn nuôi tổng hợp cho thu nhập gần 2 tỷ đồng/năm.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới xây dựng khang trang, anh Cườm tâm sự: Sau khi đi bộ đội về tôi kết hôn. Cuộc sống gia đình những ngày đầu gặp nhiều khó khăn, vất vả. Không có đất ở lẫn đất sản xuất, tôi mới mạnh dạn xin đất vùng rú cát của huyện xây dựng nhà ở và phát triển kinh tế.
Ban đầu xin đất cũng chỉ có ý định kiếm một nơi để ở, nhưng sau này thấy được lợi thế của vùng đất tôi bắt đầu tập trung phát triển đa dạng kinh tế gia đình. Vợ chồng anh bắt đầu khởi nghiệp với việc đầu tư vào phát triển hệ thống hồ nuôi các loại cá trê, cá rô phi.
Lúc mới khởi nghiệp, anh chị mượn 5 chỉ vàng của người bà con đầu tư mua cá giống về thả ở ao chừng 500m². Sau lần thu hoạch đầu tiên có chút vốn, anh vay thêm 60 triệu đồng của ngân hàng và bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất. Thời gian đầu, gia đình chỉ nuôi 5 - 10 con lợn và hơn 100 con gà.
Khi đã tích lũy được kinh nghiệm và vốn, anh chị đầu tư xây dựng mở rộng 2,5 ha làm chuồng trại nuôi hàng trăm con lợn và hàng ngàn con gà thương phẩm. Nhờ chăn nuôi, gia đình anh đã có của ăn, của để. Trong phát triển chăn nuôi, gia đình anh tập trung nhiều cho việc tạo lập được thị trường và lòng tin. Nhờ thế, việc cung cấp giống dễ dàng, công việc cũng thuận lợi và phát triển. Theo anh Cườm, để chăn nuôi an toàn và phát triển bền vững thì công tác phòng và trị bệnh là điều hết sức quan trọng.
Ngoài việc vệ sinh chuồng trại, tạo môi trường thoáng mát, gia đình anh còn luôn chủ động phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Trước khi xuất bán gà giống, anh báo thú y viên của xã về tiêm phòng dịch, bảo đảm an toàn cho đàn gà, vịt của gia đình và giúp đàn gà giống sinh trưởng, phát triển tốt. Để đảm bảo phát triển kinh tế gia đình bền vững, anh quyết định theo học lớp thú y để có kiến thức và chủ động trong công tác chăm sóc động vật nuôi.
Hiện nay, gia đình anh nuôi 11 con lợn nái và 50 con lợn thịt. Lợn nái sau khi sinh đều được gia đình nuôi quay vòng chứ không hề xuất bán, nên không lo đến vấn đề lợn giống. Ngoài ra, với hệ thống 4 chuồng gà lớn, anh nuôi hơn 6.000 con gà kiến và gà lai đá cho hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm, gia đình anh thu nhập gần 2 tỷ đồng từ chăn nuôi. Anh Cườm nhẩm tính “Với nguồn thu 2 tỷ mỗi năm, trừ chi phí, gia đình lãi ròng trên 500 triệu đồng”.
Ngoài ra, trên diện tích 3,7 ha đất được giao, anh sử dụng 1,2 ha để phát triển trồng rừng. Hiện nay, diện tích rừng của gia đình anh được phủ xanh, cây tràm phát triển khá tốt và cũng sắp cho thu hoạch. Không chỉ phát triển kinh tế giỏi, anh còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho mọi người trong thôn. Thành công từ mô hình chăn nuôi kết hợp của hộ gia đình ông Cườm cho thấy tính hiệu quả, vừa phù hợp với điều kiện sản xuất của các hộ gia đình vừa tận dụng được nguồn thức ăn dư thừa, sử dụng hiệu quả nguồn lao động nông nhàn ở địa phương.
Có thể bạn quan tâm

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Quy chế Quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai”. Theo đó, các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy Chứng nhận sử dụng nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” phải đáp ứng các điều kiện như: sản xuất trên diện tích từ 0,5ha trở lên hoặc hoạt động kinh doanh sản phẩm sầu riêng từ 1.000 kg/ngày trở lên trên địa bàn huyện Đạ Huoai; đảm các tiêu chí chất lượng theo quy định; cam kết tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các nội dung sử dụng nhãn hiệu…

Huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) có trên 650 ha mãng cầu Xiêm tập trung tại các xã Tân Phú, Phú Thạnh…. Hơn 1 tuần nay, giá mãng cầu Xiêm tăng mạnh, người trồng thêm phấn khởi.

Từng rất thành công với mô hình trồng táo Đài Loan, gần 3 năm nay, ông Lê Văn Là ở ấp Mắc Miễu, xã Đại Hòa Lộc, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre tiếp tục trồng xen cây đu đủ Đài Loan trong vườn táo với phương châm không để lãng phí diện tích đất, tăng thu nhập trên cùng một diện tích.

Trung bình, mỗi hộ dân trồng xoài tại Đồng Tháp thu về khoảng 186 triệu đồng/năm, với lợi nhuận khoảng 105 triệu đồng/hộ/năm.

Làm nông bây giờ, mỗi hộ tự chọn giống cây trồng, vật nuôi sao cho hiệu quả kinh tế lâu dài đã khó; làm ra sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, có thương hiệu, đầu ra ổn định lại càng khó hơn. Vậy mà ở huyện Bù Gia Mập (Bình Phước), gia đình anh em nhà họ Dương đã làm được điều tưởng chừng rất khó trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Đó là anh em anh Dương Nhục Sáng và Dương Mã Dưỡng, ở thôn Đồng Tiến, xã Phước Tân.