Thu 24 Tỷ Đồng/năm Từ Rau Má

Chúng tôi về vùng rau má Nhơn Phú vào đầu tháng 3, là thời điểm nông dân ra sức chăm sóc đợi ngày thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Bùi- Chủ nhiệm HTXNN 1 Nhơn Phú nhớ lại: “Nghề trồng rau má ở địa phương đã lâu, tuy nhiên chỉ có dăm ba héc ta trên đất màu để làm rau ăn sống chứ chưa trở thành hàng thương phẩm. Khi thấy cây rau má cho thu nhập khá cao, nông dân dần nhân rộng diện tích. Từ năm 2000 đến nay, cây rau má phát triển vùn vụt với gần 500 hộ tham gia trên diện tích canh tác ổn định hơn 60 ha”.
Chạy xe máy dạo quanh các khu vực 3,4,5 thuộc địa bàn Nhơn Phú dưới cái nắng gay gắt, nhưng màu xanh của cánh đồng rau má luôn tạo cho chúng tôi cảm giác mát mẻ. Tại tổ 4, KV3, chúng tôi ghé lại bắt chuyện với mấy phụ nữ đang ngồi dưới đám ruộng. “Gia đình tui có 5 sào rau má nên khi làm cỏ phải thuê chị em trong làng giúp cho. Nếu không làm cỏ kịp thì rau kém phát triển, đến thời hạn thu hoạch rau xấu bán được ít tiền”, chị Nguyễn Thị Bảy cho biết.
Theo người dân nơi đây thì trồng rau má không khó, quy trình chăm sóc để làm ra rau sạch đã có cán bộ BVTV thường xuyên mở lớp tập huấn hướng dẫn bà con nông dân. Khó nhất là khâu giống, bởi chẳng có đơn vị nào bán giống rau má. Do vậy nông dân phải tự trồng rồi nhân giống dần dần. Những hộ trồng mới phải nhờ vào sự chia sẻ về giống rau của những hộ trồng trước. Tính đoàn kết, hỗ trợ nhau trong SX của nông dân ở đây là yếu tố chính để hình thành nên vùng trồng rau má chuyên canh mang tên Nhơn Phú.
Theo những người trồng rau má, từ 20- 25 ngày là rau má cho thu hoạch 1 lứa. Trừ những tháng mưa dầm, mỗi năm rau má cho thu hoạch ít nhất 8 lứa. Mỗi lứa, 1 ha rau má cho thu hoạch ít nhất 10 tấn rau. “Rau má đắt nhất vào mùa nắng nóng, bởi nhu cầu dùng rau làm sinh tố rất cao. Hiện nay tại Bình Định rau má được bán với giá 8.000 đ/kg. Mà không có để bán, bởi mùa nắng đắt như tôm tươi”, chị Lê Thị Nghĩa, chủ 3 sào rau má cho biết.
Ông Nguyễn Văn Bùi tính toán: “Trên diện tích 60 ha, với năng suất bình quân 500 kg/sào/lứa, mỗi năm bà con trong HTX thu được khoảng 4.800 tấn rau má. Với cái giá bình quân là 5.000 đ/kg, mỗi năm người dân nơi đây thu được khoảng 24 tỷ đồng”.
“Nhờ cây rau má, gần 500 hộ nông dân trong HTX xây dựng được nhà khang trang, sắm xe máy xịn và cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Những hộ có nhiều diện tích trồng rau má còn phất lên làm giàu”, ông Nguyễn Văn Bùi.
Do hiệu quả kinh tế cao nên nông dân ở HTXNN 1 Nhơn Phú đã tự chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau má gần hết diện tích canh tác. Anh Bùi Văn Thanh ở KV 3 đã chuyển 3 sào đất lúa sang trồng rau má đã 10 năm cho biết: “Mỗi ha đất trồng lúa cho thu hoạch 2 vụ/năm được khoảng 10 tấn. Với giá lúa hiện nay là 7.000 đ/kg, khoản thu nhập toàn năm khoảng 70 triệu đồng. Trừ chi phí hết 40 triệu, nông dân chỉ còn lãi khoảng 30 triệu đồng. Trong khi đó, 1 ha rau má cho thu nhập ít nhất 150 triệu đồng/năm. Trừ chi phí 1 nửa, người trồng chắc ăn lãi ròng 75 triệu. Do vậy, hầu hết bà con có đất ruộng ở đây đã chuyển từ làm lúa sang trồng rau má gần hết diện tích”.
Đầu ra của rau má là vô cùng, nông dân không cần mang ra chợ bán, đến kỳ thu hoạch, thương lái đến tận ruộng để thu mua. Ngoài cung ứng cho người tiêu dùng ở TP Quy Nhơn, rau má của Nhơn Phú còn có mặt khắp nơi trong tỉnh, ra đến Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và lên tận các tỉnh Tây Nguyên.
Không chỉ mang lại cuộc sống ổn định cho gần 500 hộ trồng rau má, nghề này còn góp phần giải quyết thời gian nông nhàn cho lao động nữ tại địa phương với những công việc nhổ cỏ, thu hoạch. Mỗi năm, nghề trồng rau má ở Nhơn Phú thường xuyên thu hút khoảng 1.000 lao động tham gia với mức thu nhập 60.000 đ-70.000 đ/ngày công.
Có thể bạn quan tâm

Mặc dù thời gian qua, một số hộ dân sinh sống trên đảo Hòn Chuối (Cà Mau) làm nghề nuôi cá bớp lồng bè gặp khó khăn về đầu ra cho sản phẩm, nhưng xét thấy nghề nuôi cá lồng bè vẫn mang lại hiệu quả nên cư dân trên đảo tiếp tục đóng bè nuôi cá.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng đàn heo của tỉnh khoảng 261.000 con, trong đó, tập trung nhiều tại 2 huyện Châu Thành, Tân Trụ. Đặc biệt, có 4 huyện nông dân chăn nuôi theo tiêu chuẩn VIETGAP theo chương trình hỗ trợ của dự án Lifsap với 200 hộ tham gia thường xuyên nuôi từ 20.000-22.000 con heo.

Chỉ tay về tuyến kênh thủy lợi dài trên 800m được nạo vét trong năm 2014, ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng ấp Mỹ Hiệp, xã Hòa Mỹ, cho biết: “Nơi đây vốn là vùng đất trũng, nhiều phèn, mấy chục năm nay việc canh tác của nông dân gần như phụ thuộc hoàn toàn vào sự lên xuống của con nước. Tuy nhiên, từ khi có tuyến kênh thủy lợi này, nông dân trong ấp rất chủ động trong sản xuất”.

Là một trong những nông sản chủ lực của Hậu Giang, thế nhưng thời gian qua đầu ra của trái khóm còn khá bấp bênh, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ ở nội địa. Vì vậy, mỗi khi vào vụ thu hoạch rộ, sản lượng cung cấp cho thị trường rất lớn, khó tiêu thụ, giá cả sụt giảm, khiến cho hiệu quả kinh tế không cao.

Những năm gần đây, do thị trường tiêu thụ khó khăn nên nhiều nhà vườn tại TP.HCM đã chuyển từ trồng mai sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Nhưng với Mã Văn Phương (khu phố 7, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) lại khác, anh quyết bám nghề, và được mệnh danh là “phù thủy” trồng mai ghép.