Thông Qua Dự Án Phát Triển Ngân Hàng Bò Tại Đồng Tháp

Ngày 16/10/2013, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức cuộc họp thông qua chủ trương vận động phát triển “Ngân hàng bò” tại địa phương. Tham dự và chủ trì cuộc họp có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Văn Dương, Trần Thị Thái và Nguyễn Thanh Hùng.
Thực hiện Nghị quyết 30a, ngày 27/12/2008 của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện nghèo cả nước, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp chỉ đạo, tổ chức vận động và phát triển chương trình “Ngân hàng bò” tại các địa phương, ưu tiên các huyện nghèo, xã nghèo biên giới.
Hiện tại, tỉnh Đồng Tháp được hỗ trợ 9 con bò sinh sản từ chương trình này ở xã biên giới Thông Bình, huyện Tân Hồng. Mỗi con dự án hỗ trợ 8 triệu đồng, phần còn lại là đối ứng của địa phương. Dự kiến từ nay đến cuối năm, chương trình này sẽ tiếp tục hỗ trợ các các hộ nghèo ở các xã biên giới còn lại trong tỉnh.
Để tiếp tục phát huy ưu điểm từ chương trình, vừa qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã ban hành Công văn số 58/CTĐ, ngày 27/5/2013 về việc phát triển “Ngân hàng bò” tại các địa phương trong tỉnh. Theo tinh thần của công văn, mỗi xã, phường, thị trấn vận động ít nhất 1 con bò/năm để hỗ trợ các hộ nghèo và khó khăn trong địa phương mình, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội và chương trình xây dựng nông thôn mới tại tỉnh nhà.
Sau khi nghe báo cáo và thảo luận, các Phó Chủ tịch nhất trí với chủ trương của Trung ương Hội Chữ thập đỏ về các tiêu chí, đối tượng hỗ trợ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Dương, về nguồn vốn đối ứng thì Ngân hàng Chính sách ở địa phương có nhiệm vụ hướng dẫn và hỗ trợ vay vốn đối với các hộ được tặng bò.
Có thể bạn quan tâm

Nước lũ đang đổ mạnh về các địa phương ở vùng ĐBSCL. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh mùa lũ theo đó cũng bắt đầu nhộn nhịp. Người dân ở TP Cần Thơ đang kỳ vọng nước lũ về nhiều hơn mọi năm, tạo thuận lợi cho kinh doanh chài lưới, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản…

Anh Hồ Duy Trung (ở thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) với ý định ban đầu nuôi chồn hương để làm thú cảnh, nhưng giờ trở nên khá giả nhờ loại động vật hoang dã này.

Ba giống “cây hoang” từ những cánh rừng của Lâm Đồng, Gia Lai và Đắk Lắk có tên là cần dại, lỗ bình và bầu đất đã được một nhóm nghiên cứu ở Trường Đại học Đà Lạt đưa về triển khai mô hình chuyển giao sản xuất đại trà tại khu vực Nam Ban (Lâm Hà) và bước đầu thu những kết quả khá triển vọng.

Năm 2013, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) có kế hoạch trồng mới và trồng lại 200 ha chè. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai sớm việc đăng ký lấy cây giống và chuẩn bị tốt diện tích đất trồng.

Nhà vườn huyện Châu Thành A (Hậu Giang) bước vào thu hoạch rộ trái cây có múi, nhiều nhất là cam mật, cam xoàn. Mặc dù vào thu hoạch rộ giá hơi giảm nhưng vẫn còn giữ ở mức khá cao.