Thôn Thủy Trầm Phát Triển Nghề Sản Xuất Rau Giống

Thôn Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê là một trong những địa phương có truyền thống sản xuất cây rau giống không chỉ để cung cấp cho các xã trong địa bàn huyện, mà còn đưa ra các địa bàn lân cận và các tỉnh phía Bắc. Nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi nên vụ đông năm nay toàn thôn có gần 7ha sản xuất cây rau giống, tập trung chủ yếu ở các khu: 1,2,3. Từ nghề này nhiều hộ dân trong xã đã vươn lên làm giàu.
Hiện nay toàn thôn có gần 600 hộ tham gia làm rau giống. Hàng năm cứ vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8 âm lịch người dân trong xã tổ chức làm đất ươm cây giống. Các giống chủ yếu được ươm như: Bắp cải, xu hào, cà chua, suplơ, xà lách, rau cần, rau mùi. Hạt giống có xuất xứ từ Nhật Bản, được mua tại thị xã Phú Thọ, hoặc các cơ sở đáng tin cậy ở Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc.
Cây rau giống được khoảng 20-25 ngày thì có thể xuất bán. Chị Trần Thị Loan là người có thâm niên gần 20 năm sản xuất rau giống, mỗi năm rau gia đình chị thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Chị Loan cho biết: Hiện nay, khu 3 của chị có 224 hộ sản xuất rau giống, mỗi vụ cung cấp cho thị trường hàng chục vạn cây giống. Giá bình quân từ 25.000 đến 30.000 đồng/một trăm cây rau con; mỗi hộ thu nhập từ 10-14 triệu đồng/sào, từ 50 đến 80 triệu đồng/năm.
Cùng anh Nguyễn Xuân Lượng - cán bộ thống kê xã Tuy Lộc đến thăm gia đình anh Trần Văn Lượng ở khu 2 thôn Thủy Trầm là hộ sản xuất cây rau giống lớn của xã, với thâm niên sản xuất cây rau giống từ những năm 1987. Anh Lượng cho biết: Trồng rau giống yêu cầu có vốn lớn, tốn công và đòi hỏi kỹ thuật cao hơn nhiều so với trồng rau đơn thuần.
Mặc dù rau giống cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần so với trồng rau thương phẩm nhưng sản xuất vất vả, đòi hỏi người trồng phải am hiểu và trong quá trình sản xuất phải luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật. Nếu không cẩn thận, chỉ một lỗi nhỏ trong quy trình sản xuất là rau giống có thể chết hoặc bị bệnh hại dẫn đến mất trắng.
Không chỉ sản xuất cây giống bảo đảm chất lượng, anh Lượng còn tích cực hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc từng loại cây cho bà con đến mua rau giống, sao cho cây trồng đạt năng suất, hiệu quả cao nhất. Từ phát triển cây rau giống đã tạo việc làm cho người dân địa phương, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, sắm sửa các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Trong thời gian tới Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo mở rộng diện tích phát triển cây rau giống, giao Hội nông dân xã phối hợp với Trung tâm dạy nghề tỉnh mở các lớp tập huấn về phát triển rau an toàn, từ đó từng bước hình thành vùng chuyên canh rau của huyện.
Với kinh nghiệm lâu năm về kỹ thuật thâm canh các loại giống rau nên chất lượng rau giống ở thôn Thủy Trầm ngày càng được khẳng định. Tin tưởng rằng nghề trồng rau giống sẽ ngày càng phát triển, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời tác động tích cực tới việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 01/6/2013, Bệnh viện Cây trồng Sóc Trăng tổ chức khám bệnh lưu động tại huyện Kế Sách. Nhân lực tham gia đợt khám bệnh lưu động gồm đội ngũ bác sĩ cây trồng của tỉnh Sóc Trăng và các bác sĩ cây trồng của Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam.

Chỉ mới đầu mùa mưa nhưng thị trường giống cây trồng ở ĐBSCL đang nóng từng ngày, giá đã tăng từ 30 - 60% so với cùng kỳ năm trước. Tuy giá cao, nhưng vẫn không đủ nguồn cung theo đơn đặt hàng.

Được sự quan tâm và tạo điều kiện của UBND xã Hải Lệ (Thị xã Quảng Trị) và tư vấn, sự giúp đỡ của Sở NN & PTNT tỉnh, năm 2004, gia đình chị Nguyễn Thị Nhi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp quy mô 150 con lợn nái nội và 1.000 con lợn thịt hậu bị, hàng năm đưa ra thị trường gần 200 tấn lợn thịt và hơn 700 lợn giống.

Là người tiên phong trong việc chọn vùng đất nhiễm phèn (Thạnh Tân, Tân Phước, Tiền Giang) để phát triển thanh long ruột đỏ, lúc đầu từng bị cho là “dở hơi” nhưng giờ đây anh Đoàn Văn Sang đã có thể thuyết phục được mọi người về quyết định táo bạo của mình khi mà hiệu quả mang lại hơn cả sự mong đợi

Minh Côi là một trong những xã có diện tích nuôi thủy sản lớn của huyện Hạ Hòa (Phú Thọ). Trong gần 10 năm trở lại đây phong trào nuôi thủy sản ở Minh Côi đã phát triển mạnh mẽ. Trước đây chỉ có một số hộ dân nuôi cá phục vụ đời sống, đến nay toàn xã đã có 230 hộ nuôi thủy sản theo hướng kinh doanh với tổng diện tích 68,87ha, phân bố ở 7 khu hành chính.