Thới Bình (Cà Mau) Hân Hoan Niềm Vui Trúng Mùa

Thới Bình là huyện có diện tích lúa thu hoạch sớm nhất tỉnh Cà Mau. Trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Thới Bình Lê Thanh Hùng cho biết, nhìn chung trà lúa vụ 2 năm nay kết quả đạt khá cao, từ 4,8 - 5,5 tấn/ha, tăng khoảng 1 tấn/ha so với vụ hè thu.
Lúa vụ 2 năm nay toàn huyện xuống giống hơn 2.900 ha. Không những năng suất đạt cao hơn so với vụ vừa rồi mà giá lúa cũng tăng. Ông Nguyễn Hoàng Nam, ấp 1, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, phấn khởi: “Vụ này ổn hơn nhiều so với vụ trước, trung bình mỗi công được khoảng 30-32 giạ. Người dân ai cũng phấn khởi”.
Theo nhiều người dân, giá lúa năm nay dao động từ khoảng 4.600 - 4.700 đồng/kg đối với giống lúa thường OM 5451, tăng nhẹ từ 200 - 500 đồng/kg so với vụ trước. Ðặc biệt, trong cánh đồng mẫu lớn năng suất cao hơn bởi người dân biết áp dụng nhiều kỹ thuật mới vào sản xuất.
Cùng với trà lúa vụ 2, nhiều diện tích lúa - tôm cũng đang bước vào giai đoạn thu hoạch. Năm nay, diện tích lúa - tôm của huyện hơn 24.700 ha, đạt gần 90% chỉ tiêu kế hoạch, tăng gần 600 ha so cùng kỳ năm 2013. Ðến thời điểm này, nông dân bắt tay vào thu hoạch lúa, năng suất đạt từ 4,5 - 5 tấn/ha, có nhiều nơi năng suất đạt gần 5,5 tấn/ha. Trong đó, xã Biển Bạch Ðông có diện tích nhiều nhất với hơn 4.500 ha.
Với diện tích gần 2 ha, ông Trần Thanh Thoàng, ấp Xóm Mới, xã Biển Bạch Ðông, vui mừng cho biết: “Năm nay Nhà nước hỗ trợ tôm giống, lúa giống lẫn hướng dẫn kỹ thuật nên năng suất lúa đạt gần 30 giạ/công. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi từ tiền bán lúa gần 20 triệu đồng và gần 60 triệu đồng từ tôm”.
Không chỉ thu hoạch khá cao từ việc kết hợp lúa - tôm sú, việc xen canh lúa - tôm càng xanh cũng đạt những kết quả khả quan. Ông Lư Thanh Toàn, ấp Bình Minh, xã Biển Bạch Ðông, phấn khởi: “Vụ này lúa, tôm đều phát triển rất tốt, khoảng 2 tuần nữa là có thể thu hoạch. Ước tính với 10.000 con tôm giống càng xanh sẽ thu về khoảng 30 triệu đồng”.
Ðặc biệt, việc áp dụng thử nghiệm giống lúa mới ST20 trên cánh đồng mẫu lúa - tôm đã mang về những kết quả bất ngờ cho nông dân. Với đặc tính chịu phèn, mặn tốt, ít sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với các cánh đồng lúa - tôm, cộng với chất lượng hạt gạo dẻo, ngon cơm nên được Công ty Lương thực Cà Mau thu mua với giá 6.100 đồng/kg lúa tươi, cao hơn giống lúa thường khoảng 1.500 đồng/kg khiến nhiều nông dân phấn khởi.
Ông Văn Phước Ðiệp, ấp 5, xã Trí Lực, vui mừng: “Ðây là lần đầu tiên thử nghiệm giống lúa mới, không ngờ kết quả rất cao. Chỉ với 26 công, gia đình thu lãi khoảng 50 triệu đồng, hơn hẳn các giống lúa truyền thống như: Một Bụi Ðỏ hay Lùn Kiên Giang mà gia đình vẫn hay sử dụng".
Có được kết quả đó cũng phải kể đến sự chịu khó, cần cù, tìm tòi của người dân, biết áp dụng kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh kịp thời trong sản xuất. Tết Nguyên đán đang cận kề, nông dân Thới Bình đang vui hưởng một mùa xuân đầm ấm.
Có thể bạn quan tâm

Huyện Đắk Song hiện có gần 5.700 ha hồ tiêu, sản lượng vụ 2014 - 2015 ước đạt 7.430 tấn. Hồ tiêu là cây trồng chủ lực của địa phương và nhiều hộ dân đã phát triển kinh tế khá, giàu nhờ cây trồng này. Chính vì thế, việc phát triển cây hồ tiêu bền vững để đưa kinh tế của địa phương phát triển là điều mà chính quyền huyện Đắk Song đã và đang triển khai mạnh mẽ.

Ngành nghề nông thôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, nhất là với tỉnh ta trên 83% dân số sống bằng nghề nông. Càng ý nghĩa hơn khi cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới, đa dạng hóa ngành nghề để giải quyết việc làm, tăng thu nhập.

Gắn bó quá nửa đời người với mảnh đất xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên). Trong 40 năm có lẻ ấy, ông Nguyễn Văn Biền, hiện là Giám đốc Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương đã chứng kiến bao mùa lúa chín. Với người nông dân xã ông, việc cày sâu, cuốc bẫm thì có thừa, nhưng để thử nghiệm một giống cây trồng mới thì họ còn e dè lắm. Bởi vậy, ông đã tự tìm tòi để đưa giống lúa Hương Việt 3 về với nông dân Thanh Hưng.

Là một nông dân ở tỉnh Thái Bình, chị Tươi kết duyên với anh Lù ở Tuyên Quang nhưng quê gốc xã Tả Nhìu (Xín Mần). Cuộc sống khó khăn, 2 năm trở lại đây, chị Tươi cùng chồng quyết định về quê hương Xín Mần tìm cách làm ăn, phát triển kinh tế. Ban đầu anh chị làm công nhân cho Công ty VinaFood nằm trên địa bàn huyện, chuyên thực hiện các dự án, mô hình trồng rau, nấm...

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, sản lượng khai thác hải sản của tỉnh trong năm 2014 đạt xấp xỉ 73 nghìn tấn, tăng 8.500 tấn so với năm 2013. Giá trị sản xuất ước đạt khoảng 2 nghìn tỷ đồng. Đây là thành quả rất đáng ghi nhận bởi năm vừa qua, việc khai thác hải sản gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tình hình căng thẳng ở biển Đông.