Thới Bình (Cà Mau) Hân Hoan Niềm Vui Trúng Mùa

Thới Bình là huyện có diện tích lúa thu hoạch sớm nhất tỉnh Cà Mau. Trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Thới Bình Lê Thanh Hùng cho biết, nhìn chung trà lúa vụ 2 năm nay kết quả đạt khá cao, từ 4,8 - 5,5 tấn/ha, tăng khoảng 1 tấn/ha so với vụ hè thu.
Lúa vụ 2 năm nay toàn huyện xuống giống hơn 2.900 ha. Không những năng suất đạt cao hơn so với vụ vừa rồi mà giá lúa cũng tăng. Ông Nguyễn Hoàng Nam, ấp 1, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, phấn khởi: “Vụ này ổn hơn nhiều so với vụ trước, trung bình mỗi công được khoảng 30-32 giạ. Người dân ai cũng phấn khởi”.
Theo nhiều người dân, giá lúa năm nay dao động từ khoảng 4.600 - 4.700 đồng/kg đối với giống lúa thường OM 5451, tăng nhẹ từ 200 - 500 đồng/kg so với vụ trước. Ðặc biệt, trong cánh đồng mẫu lớn năng suất cao hơn bởi người dân biết áp dụng nhiều kỹ thuật mới vào sản xuất.
Cùng với trà lúa vụ 2, nhiều diện tích lúa - tôm cũng đang bước vào giai đoạn thu hoạch. Năm nay, diện tích lúa - tôm của huyện hơn 24.700 ha, đạt gần 90% chỉ tiêu kế hoạch, tăng gần 600 ha so cùng kỳ năm 2013. Ðến thời điểm này, nông dân bắt tay vào thu hoạch lúa, năng suất đạt từ 4,5 - 5 tấn/ha, có nhiều nơi năng suất đạt gần 5,5 tấn/ha. Trong đó, xã Biển Bạch Ðông có diện tích nhiều nhất với hơn 4.500 ha.
Với diện tích gần 2 ha, ông Trần Thanh Thoàng, ấp Xóm Mới, xã Biển Bạch Ðông, vui mừng cho biết: “Năm nay Nhà nước hỗ trợ tôm giống, lúa giống lẫn hướng dẫn kỹ thuật nên năng suất lúa đạt gần 30 giạ/công. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi từ tiền bán lúa gần 20 triệu đồng và gần 60 triệu đồng từ tôm”.
Không chỉ thu hoạch khá cao từ việc kết hợp lúa - tôm sú, việc xen canh lúa - tôm càng xanh cũng đạt những kết quả khả quan. Ông Lư Thanh Toàn, ấp Bình Minh, xã Biển Bạch Ðông, phấn khởi: “Vụ này lúa, tôm đều phát triển rất tốt, khoảng 2 tuần nữa là có thể thu hoạch. Ước tính với 10.000 con tôm giống càng xanh sẽ thu về khoảng 30 triệu đồng”.
Ðặc biệt, việc áp dụng thử nghiệm giống lúa mới ST20 trên cánh đồng mẫu lúa - tôm đã mang về những kết quả bất ngờ cho nông dân. Với đặc tính chịu phèn, mặn tốt, ít sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với các cánh đồng lúa - tôm, cộng với chất lượng hạt gạo dẻo, ngon cơm nên được Công ty Lương thực Cà Mau thu mua với giá 6.100 đồng/kg lúa tươi, cao hơn giống lúa thường khoảng 1.500 đồng/kg khiến nhiều nông dân phấn khởi.
Ông Văn Phước Ðiệp, ấp 5, xã Trí Lực, vui mừng: “Ðây là lần đầu tiên thử nghiệm giống lúa mới, không ngờ kết quả rất cao. Chỉ với 26 công, gia đình thu lãi khoảng 50 triệu đồng, hơn hẳn các giống lúa truyền thống như: Một Bụi Ðỏ hay Lùn Kiên Giang mà gia đình vẫn hay sử dụng".
Có được kết quả đó cũng phải kể đến sự chịu khó, cần cù, tìm tòi của người dân, biết áp dụng kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh kịp thời trong sản xuất. Tết Nguyên đán đang cận kề, nông dân Thới Bình đang vui hưởng một mùa xuân đầm ấm.
Có thể bạn quan tâm

Nuôi tôm trên chân ruộng lúa mùa lũ thời gian qua mang lại lợi nhuận khá cao cho nhiều nông dân. Năm nay nước lũ về sớm gần 1 tháng nên con tôm “lên đồng” sớm hơn. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của mực nước thượng nguồn khiến nhiều hộ nuôi tôm hết sức lo lắng.

Trưa, cái nắng đầu hè như đang “rán” chúng tôi trên đường đất cát dẫn đến mô hình trang trại “chăn nuôi tổng hợp” của một kỹ sư ngành công nghệ thông tin. Anh là Nguyễn Thanh Tuấn (38 tuổi; ở thôn Thái Xuân, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).

Thuỷ Bằng có khoảng 74 ha thanh trà, nhiều nhất của thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế). Đây là một trong những giống cây chủ lực của địa phương, tập trung chủ yếu ở vùng Tân Ba, Vĩ Dạ và một số thôn khác dọc theo sông Hương như: Cư Chánh 2, Dạ Khê, An Ninh, Dương Phẩm, Võ Xá, Bằng Lãng. Không nhiều, nhưng Thuỷ Bằng cũng có hơn 5ha thanh trà được tham gia sử dụng nhãn hiệu “Thanh trà Huế”.

Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản thuộc Sở NN-PTNT, cho biết: Thời điểm hiện nay, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Bình Định đang vào chính vụ thu hoạch tôm nuôi vụ 1. Tuy nhiên, giá tôm thẻ chân trắng thời điểm này đang giảm mạnh khiến cho người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn.

Dồn về khai thác thủy sản vùng ven biển Sầm Sơn và Tĩnh Gia, 15 tàu cá công suất từ 68 CV đến 120 CV của ngư dân huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) và huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã bị lực lượng chức năng tỉnh bắt giữ và xử lý.