Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thoát Nghèo Nhờ Trồng Lúa Trên Cát Trắng

Thoát Nghèo Nhờ Trồng Lúa Trên Cát Trắng
Ngày đăng: 10/06/2013

Những ngày vừa qua, bà con nông dân xã Gio Hải (huyện Gio Linh, Quảng Trị) tiến hành thu hoạch lúa đông xuân. Niềm vui được mùa lúa như tiếp thêm động lực cho người dân vùng ven biển quên đi nỗi nhọc nhằn, vất vả giữa cái nắng như thiêu đốt của mùa hè.

Từ thử nghiệm...

Một ngày cuối tháng 5, có dịp đi qua địa bàn xã Gio Hải, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy những vùng đất cát bạc màu trở thành những cánh đồng lúa vàng rực, trĩu hạt. Theo người dân ở đây cho biết, từ bao đời nay người dân vùng cát ven biển của Quảng Trị nói chung và xã Gio Hải nói riêng chỉ quen với việc đánh bắt thủy sản, trồng các loại hoa màu như khoai, sắn... chứ chưa bao giờ biết trồng lúa. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây cây lúa đã trở thành cây chủ lực, đem lại năng suất cao, cho thu nhập ổn định, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo nhờ cây lúa.

Theo ông Trần Xuân Phong, Trưởng thôn 5 xã Gio Hải, một vài năm trước chỉ có ít hộ gia đình trồng lúa mang tính chất thử nghiệm, sau một vài vụ cho năng suất cao nên bây giờ hầu hết gia đình nào trong thôn cũng trồng lúa. Người trồng nhiều cũng lên đến vài héc ta, người ít nhất cũng được vài sào.

Được bà con giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Võ khi đã gần 10 giờ trưa, nhưng anh vẫn chưa đi làm về, vì thế chúng tôi phải ra đồng tìm. Theo chân một người dân ở đây cùng ra đồng thì anh Võ đang còn chất lúa lên xe kéo về nhà. Vừa đi, anh vừa cho biết, anh là người có diện tích trồng lúa nhiều nhất ở thôn 5. Thu hoạch xong vụ đông xuân này gia đình anh cũng được gần chục tấn lúa. Nhờ cây lúa mà cuộc sống của gia đình anh ngày càng khấm khá, con cái được ăn học đàng hoàng.

Anh Võ được xem là người đầu tiên ở địa phương đem cây lúa về trồng thử nghiệm trên cát. Anh Võ cho biết: “Ban đầu mới đem lúa gieo trên cát ai thấy cũng ngại ngần vì họ nghĩ rằng, với vùng đất cát bạc màu, nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng như ở Gio Hải, thì chỉ trồng được khoai, sắn chứ làm sao mà trồng được lúa. Mặc dù rất khó khăn và còn thiếu kinh nghiệm nhưng tôi vẫn quyết tâm làm cho bằng được.

Những năm đầu do phụ thuộc nhiều vào thời tiết và giống lúa không phù hợp, tôi vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm và đã rút ra những bài học về việc gieo lúa trên cát, đến nay mọi công đoạn tôi đã quen thuộc. Đối với vùng đất cát bạc màu như ở Gio Hải thì trồng giống lúa Khang Dân là phù hợp nhất vì ít sâu bệnh, chịu hạn tốt mà năng suất rất cao. Ngoài ra, khu vực gần biển thì trồng giống lúa Hương Thơm để chịu mặn; những vùng đất cát ở khu vực xa biển, cao hơn thì trồng giống lúa QT 6 để chịu hạn”.

Từ việc thử nghiệm, giờ đây cây lúa trồng được trên cát, cho năng suất không thua kém các vùng thâm canh cây lúa ở đồng bằng. Niềm ao ước của người dân vùng ven biển Quảng Trị nói chung, Gio Hải nói riêng đã trở thành hiện thực, góp phần làm cho đời sống người dân ngày càng no đủ, ổn định.

... đến làm giàu

Về Gio Hải những ngày này đi đến đâu cũng thấy rơm rạ chất đầy đường, trên khuôn mặt của người dân ai cũng hiện lên niềm phấn khởi và một không khí khẩn trương, hối hả. Hiện tại toàn xã Gio Hải có 6 thôn thì thôn 5 được xem là “vựa lúa” của xã.

Ông Trần Xuân Phong, Trưởng thôn 5 xã Gio Hải cho biết: “Chưa khi nào người trồng lúa ở vùng cát trắng Gio Hải được mùa như năm nay. Do thời tiết năm nay khá thuận lợi nên cây lúa phát triển nhanh, được mùa chưa từng có. Vụ này gia đình tôi thu hoạch được gần hai tấn, chỉ để ăn một tấn, số còn lại đem bán lấy tiền đầu tư cho con cái ăn học. Đây là vụ đông xuân mà năng suất cây lúa ở vùng cát trắng này được mùa nhất, đạt trên 40 tạ/ha. Nếu so với các vùng chuyên sản xuất lúa như Gio Quang, Gio Mai..., đất đai màu mỡ thì chưa bằng, nhưng đối với vùng đất cát bạc màu, bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng như ở Gio Hải thì quả là kỳ tích”.

Giữa cái nóng như thiêu của mùa hè, mặc dù vất vả, nhưng bà con vẫn không giấu được niềm vui khi lúa được mùa. Anh Nguyễn Ninh ở thôn 5, vừa nói vừa nở nụ cười rạng rỡ: “Tôi trồng lúa gần 5 năm, nhưng chưa năm nào lúa đất cát lại được mùa như năm nay. Gặt xong một vụ đông xuân năm nay nhà tôi cũng thu được khoảng 3 tấn”. Không giấu được niềm vui, anh Trần Văn Đông, ở thôn 5 khoe: “Nhà tôi mùa này làm hơn 2 ha lúa, với giá lúa hiện tại từ 5 đến 7 nghìn đồng/kg, trừ chi phí phân bón, cày ruộng... cuối vụ thu lãi cũng được gần 30 triệu đồng, cao gấp hai đến ba lần trồng các loại hoa màu khác. Nhờ lúa mà gia đình tôi có cuộc sống ngày càng ổn định hơn”.

Ông Phong chia sẻ, từ ngày cây lúa trồng được trên cát trắng có hiệu quả cao, nhiều vùng đất bị bỏ hoang được bà con đưa vào trồng lúa. Từ khi cây lúa trở thành cây chủ lực trên vùng cát, bà con đã không còn phụ thuộc nhiều vào đánh bắt thủy sản, đời sống ngày càng được nâng cao. Việc cây lúa trồng được trên cát vùng ven biển hiện nay là một mô hình có hiệu quả, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, cần nhân rộng và có chính sách khuyến khích người nông dân sản xuất...

Ông Phan Hữu Đông, Chủ tịch Hội nông dân xã Gio Hải cho biết: “Diện tích lúa trồng trên cát hiện nay khoảng 40 ha, trong đó thôn 5 chiếm gần 35 ha. Từ ngày đem cây lúa về trồng cho năng suất cao đã trở thành cây làm giàu cho bà con, đời sống ngày càng ổn định, trong đó có hộ giàu lên như gia đình anh Nguyễn Văn Võ, Lê Văn Huy, Trần Văn Đông... Tuy nhiên, việc bà con trồng lúa vẫn còn mang tính tự phát, chưa có sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn trong việc hướng dẫn người dân về cách sử dụng các giống lúa, bón phân, sử dụng thuốc trừ sâu... Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng của lúa”.

Có thể nói từ ngày trồng lúa, thu được “hạt vàng” trên cát, cái đói, cái khổ đã không còn, đời sống của bà con đã giảm bớt được những khó khăn, không còn phụ thuộc vào nghề biển như những năm về trước, nhất là khi giáp hạt nhiều gia đình còn thừa lúa đem bán. Đây là một mô hình cần được nhân rộng ra các địa bàn khác trong tỉnh.


Có thể bạn quan tâm

Chăn Nuôi Gà An Toàn Sinh Học Ở Quảng Nam Chăn Nuôi Gà An Toàn Sinh Học Ở Quảng Nam

Những năm gần đây, ở các địa phương ven đô TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) đang phát triển mạnh các mô hình chăn nuôi gà theo hướng nông trại với quy mô lớn. Tuy nhiên chất thải từ mô hình này gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực. Để giúp nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị, khắc phục tình trạng ô nhiễm, tháng 6.2012 Trung tâm Ứng dụng chuyển giao kỹ thuật NN&PTNT TP.Tam Kỳ đã bắt đầu triển khai xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ đệm lót sinh thái bằng mùn cưa hoặc vỏ trấu trên diện tích 450 m2 nền chuồng nuôi gà của 7 hộ chăn nuôi tại 3 xã Tam Thăng, Tam Ngọc và Tam Phú. Sau một thời gian lấy chế phẩm men (được làm từ chế phẩm BALASA No1 trộn bột ngô, nước cho vào túi hoặc thùng ủ từ 2 - 3 ngày) rải lên toàn bộ bề mặt đệm lót, phân gà thải ra không còn mùi hôi thối, hạn chế ruồi. Đặc biệt, mô hình này không cần phải thay đệm trong suốt quá trình chăn nuôi, giảm nhân công dọn chuồng và nguyên liệu làm đệm, giảm tỷ lệ mắc bệnh. Ông Trương Minh Hạnh, chủ tr

09/02/2013
Cung Ứng 1,5 Triệu Con Cá Giống Cho Vụ Nuôi 2013 Ở Lào Cai Cung Ứng 1,5 Triệu Con Cá Giống Cho Vụ Nuôi 2013 Ở Lào Cai

Theo thông tin từ Trung tâm Thủy sản tỉnh Lào Cai, đến nay, các trại giống thủy sản trên địa bàn đã cung ứng khoảng hơn 1,5 triệu con cá giống cho các hộ nuôi, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

24/05/2013
Nuôi Gà Đẻ Trứng Phụ Thuộc Con Giống Doanh Nghiệp FDI Nuôi Gà Đẻ Trứng Phụ Thuộc Con Giống Doanh Nghiệp FDI

Tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, hầu hết người chăn nuôi gà đẻ trứng đang bị phụ thuộc vào con giống của một số doanh nghiệp FDI.

24/05/2013
Giá Gà Thả Vườn Tăng Vào Ngày Mùng 3 Tết Giá Gà Thả Vườn Tăng Vào Ngày Mùng 3 Tết

So với trước Tết, sáng mùng 3 Tết, giá gà thả vườn tại chợ Cai Lậy - Tiềng Giang tăng bình quân khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg.

15/02/2013
Phú Yên Mất Mùa Tôm Hùm Giống Phú Yên Mất Mùa Tôm Hùm Giống

Nhiều ngày qua, ngư dân các xã khu vực đầm Ô Loan như: An Cư, An Hải, An Hòa, An Ninh Đông, An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên được mùa tôm đất, giúp bà con có thêm thu nhập trong những ngày đầu xuân.

17/02/2013