Thoát Nghèo Nhờ Nuôi Thỏ Và Dế

Anh Phạm Hồng Hải (phường Phước Long, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) vừa được Hội nông dân tỉnh Khánh Hòa tôn vinh nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2011 – 2014, với mô hình nuôi thỏ và nuôi dế anh đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu ngay tại quê hương của mình.
Do không có vốn làm kinh tế, đầu năm 2002 anh phải vay vốn của Hội nông dân phường Phước Long với số tiền 10 triệu đồng để phát triển mô hình nuôi thỏ. Sau khi vay vốn anh xây dựng chuồng nuôi cho thỏ (bằng cách đóng thành khung với diện tích dài 2m, ngang 1,2m và chia ra làm 8 ngăn nhỏ, bên trên che mái tôn) và liên hệ với một số hộ nuôi thỏ ở TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng để mua giống.
Ban đầu, anh thả khoảng 10 cặp, khoảng 2 tháng sau, đàn thỏ của anh phát triển mạnh, số lượng tăng lên gấp đôi. Từ thành công bước đầu, anh quyết định mở rộng diện tích tổng cộng hơn 100m2 để xây dựng trang trại. Đến nay, đàn thỏ trong chuồng của anh luôn duy trì từ 100 - 130 con, anh bán chủ yếu cho các nhà hàng, khách sạn, với giá giao động từ 80.000 - 95.000 đồng/kg, ước trừ các khoản chi phí, gia đình anh lãi trên 90 triệu đồng/năm.
Theo cách làm của anh Hải, cứ 1 tháng anh thả trên 50 con cho giao phối và số còn lại cho nghỉ để tháng sau tiếp tục giao phối, trung bình mỗi con thỏ giống sinh sản từ 3 - 5 thỏ con. Mỗi tháng, thỏ sinh sản một lần. Sau khoảng 30 ngày tính từ lúc được sinh ra, thỏ con được tách ra cho vào chuồng khác để chăm sóc theo chế độ riêng biệt, từ khi nuôi đến xuất chuồng khoảng 75 ngày. Trung bình mỗi tháng anh có trên 250 con thỏ con.
Thức ăn cho thỏ được tận dụng từ các lá rau mơ, cỏ, bắp sú, rau lan, rau muống. Để tăng thêm chất tinh bột cho thỏ anh cho ăn kèm với các loại cám, bắp, cám gạo.
Anh Hải cho biết, so với các động vật khác như gà, lợn, thì thỏ cho thu nhập cao gấp hai lần, kỹ thuật rất đơn giản, ít tốn công và có thời gian làm công việc khác. Để phát triển thêm giống thỏ, anh dự định năm tới anh sẽ nhân rộng quy mô đàn nuôi nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng thu nhập.
Ngoài nuôi thỏ, từ năm 2010 anh còn xây dựng mô hình nuôi dế cơm. Hiện dế đang phát triển rất tốt, với giá bán giao động từ 120.000 - 160.000 đồng/kg, mỗi năm thu được 5 lứa, thu nhập 65 triệu đồng/năm. Như vậy, mỗi năm anh có thu nhập 155 triệu đồng từ mô hình nuôi thỏ và nuôi dế, đã giúp gia đình anh thoát nghèo và dần vươn lên làm giàu.
Ông Phạm Đệ - Chủ tịch Hội nông dân phường Phước Long cho biết: “Hiện mô hình nuôi thỏ và nuôi dế trên địa bàn phường đang phát triển rất tốt, Hội đang tiếp tục nhân rộng đến bà con nông dân về kinh nghiệm cũng như kỹ thuật nuôi. Riêng hộ anh Hải liên tục được Hội nông dân cấp tỉnh công nhận nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và hàng năm được các cấp tặng giấy khen. Ngoài sản xuất kinh doanh giỏi, anh Hải còn hoạt động tích cực trong hoạt động Hội nông dân của phường, hướng dẫn các nông dân khác phát triển kinh tế”.
Có thể bạn quan tâm

Sau hơn mười năm phát triển ở vùng đất cù lao Tân Thuận Đông, TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp), nhãn Idor (còn gọi là nhãn Thái) từng bước khẳng định vị thế là cây trồng đầy tiềm năng ở xứ cồn. Nhờ trồng nhãn Idor mà nhiều gia đình thoát được cảnh nghèo túng, phất lên làm giàu.

Trong sản xuất nông nghiệp, giống luôn đóng vai trò hết sức quan trọng, quyết định đến năng suất và chất lượng. Còn trong nuôi thuỷ sản, con giống lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn, góp phần không nhỏ vào sự thành công hay thất bại của vụ nuôi.

Bước vào vụ cá nam năm nay (từ tháng 4 - 10/2014), cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư phương tiện vươn khơi đánh bắt, hứa hẹn đem lại vụ mùa bội thu.

Được biết, trong khoảng 3 tháng trước đây, mực khô bị giảm giá đột biến khoảng 150 ngàn đồng/kg, gây rất nhiều khó khăn cho bà con ngư dân khi đánh bắt vì thu không bù nổi chi phí (doanh thu bán mực chiếm 70% tổng doanh số đánh bắt của chuyến biển), nhiều tàu ghe lỗ tổn do giá mực giảm phải nằm bờ.

Những năm qua, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trong tỉnh Bắc Ninh có bước phát triển nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều cơ sở sản xuất giống, chế biến, các trang trại từng bước đưa công nghệ cao vào sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm.