Thoát Nghèo Nhờ Nuôi Nai

Thời gian qua, tại xã Sơn Bình (huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) nhiều hộ nông nhân đã thành công với mô hình nuôi nai.Đây là mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, có đời sống khá giả.
Sau khi thử nghiệm với các mô hình chăn nuôi bò sinh sản, dê nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế, năm 2010, anh Trương Sinh (tổ 41, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức) chuyển qua chăn nuôi nai. Mô hình này được anh thực hiện nhờ vào 10 triệu đồng từ nguồn vốn giảm nghèo.
Ban đầu, anh Sinh mua một cặp nai 6 tháng tuổi ở Trị An (tỉnh Đồng Nai) với giá 30 triệu đồng. Đến nay, từ cặp nai ban đầu đã sinh thêm hai cặp nai mới, với giá nai hiện nay bình quân 1 con 20 triệu đồng, riêng tiền bán nai giống anh Sinh đã thu về 40 triệu đồng, chưa kể đã cắt được hai đợt nhung khoảng 2,5kg. Với giá nhung hiện nay là 12 triệu đồng/kg, anh Sinh thu được 30 triệu đồng.
Anh Sinh cho biết, sau ba năm, bình quân mỗi con nai đực cho khoảng 1,5-3kg nhung và với giá nhung như hiện nay bình quân người nuôi thu về 25 triệu đồng/con/năm. Được biết, nai là giống dễ nuôi, dễ hơn cả nuôi trâu, bò. Thức ăn chủ yếu của nai là lá cây và cỏ nên chi phí chăn nuôi thấp. Bên cạnh đó, đầu ra của nhung nai dễ bán, giá cả ổn định nên anh Sinh dự định sẽ mở rộng đàn trong thời gian tới.
Nhiều hộ gia đình khác cũng đưa vào triển khai mô hình nuôi nai lấy nhung đều mang lại hiệu quả. Ông Phan Văn Hoành (ấp Sơn Lập, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức) là hộ có kinh nghiệm lâu năm trong nuôi nai lấy nhung cho biết: “Trước đây tôi có nuôi trâu, bò nhưng thấy cực mà không mang lại hiệu quả mấy nên chuyển qua nuôi nai để lấy nhung và bán nai giống.
Hiện tôi chỉ để lại một cặp giống, hàng năm cũng thu về từ 40-45 triệu đồng tiền nai con giống và nhung nai”. Hiện gia đình ông Hoành có ba cặp nai, ba con nai đực của ông cho năng suất cao, có con cho tới 4,5kg nhung/năm.
Vừa qua, ông bán 3 cặp nhung nặng 12kg thu về hơn 140 triệu đồng. Theo ông Hoành thì việc nuôi nai rất đơn giản, không tốn nhiều công sức đầu tư vào chuồng trại, không mất nhiều công chăm sóc và nhanh thu lại vốn hơn nhiều mô hình khác.
Ông Hoành cũng cho biết, với mô hình chăn nuôi này người nông dân không lo đầu ra vì nguồn cung trên thị trường hiện còn ít. Người muốn mua nhung thường phải đặt trước cả mấy tháng mới có, có lúc sản phẩm nhung nai luôn trong tình trạng “cháy hàng”.
Ông Trương Công Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bình(huyện Châu Đức) cho biết, toàn xã hiện có hơn 20 hộ nuôi nai, tập trung ở các thôn Tân Lập, Sơn Lập và Sơn Hòa. Nhờ mô hình chăn nuôi nai, đa số các hộ dân đều có cuộc sống khá giả. Đây là mô hình chăn nuôi có thể giúp người dân thoát nghèo trong thời gian tới.
Theo các chủ trại thì hiện nay trên thị trường có nhiều nơi tiêu thụ nhung và thịt nai như Đồng Nai, Bình Dương, Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Việc nuôi nai khá dễ dàng, không tốn công, ít bệnh tật và cho lợi nhuận cao.
Mô hình nuôi nai đang là hướng đi mới cho ngành chăn nuôi xã Sơn Bình nói riêng và toàn tỉnh nói chung, giúp giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho người dân nông thôn. Tuy nhiên, để tránh tình trạng cung vượt cầu, người dân không nên đua nhau nuôi nai ồ ạt mà cần đầu tư chất lượng cho đàn nai để tăng năng suất và chất lượng nhung.
Theo kinh nghiệm của ông Hoành, đối với nai đực nên mua con giống lúc 5-6 tháng tuổi. Nai 2 năm tuổi có thể cho nhung, nếu chăm sóc tốt mỗi năm có thể cho nhung hai lần. Đối với nai cái, sau khi sinh từ 8-10 tháng tuổi sẽ chịu phối đực, mang thai và đẻ một con một lần, nai con 4 tháng tuổi có thể bán giống.
Có thể bạn quan tâm

Hơn 20 hộ nông dân ở thôn Suối Thông B, xã Đạ Ròn (Đơn Dương - Lâm Đồng) tự phân công sản xuất từng loại rau theo thỏa thuận tiêu thụ với hệ thống siêu thị Sài Gòn. Quy trình sản xuất được kiểm tra nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP, nếu hộ nào không tuân thủ sẽ chịu các hình thức “kỷ luật” tương xứng như cảnh cáo, khai trừ…

Tuy chưa có thống kê của ngành chức năng nhưng hiện bà con trồng mía ở một số xã: Tân Phước Hưng, Hiệp Hưng (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) đã bắt đầu thu hoạch mía chục để bán cho thương lái đi tiêu thụ ở các nơi.

Chư Prông (Gia Lai) là một trong những huyện trọng điểm cà phê của tỉnh Gia Lai. Theo thống kê của ngành chuyên môn, toàn huyện hiện có khoảng 13.500 ha cà phê, trong đó, 95% diện tích đang trong thời kỳ kinh doanh. Niên vụ cà phê năm nay, ước tính năng suất cà phê trung bình của huyện đạt khoảng 36 tạ nhân/ha. So với mọi năm, con số này không có nhiều biến động.

Mặc dù cơn bão số 2 không đổ bộ trực tiếp vào Hà Nội, nhưng những trận mưa trong mấy ngày qua đã ảnh hưởng đáng kể đến nhiều diện tích rau, hoa màu ở ngoại thành. Ngay sau khi bão tan, bà con nông dân đã tích cực ra đồng tháo nước, chăm sóc, bón phân cho cây trồng.

Trước tình hình dịch bệnh vàng lá gân xanh (Greening) đang ngày càng bùng phát và gây hại nặng cho cây cam sành ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, UBND tỉnh vừa ra quyết định công bố dịch bệnh vàng lá gân xanh trên cây cam sành.