Thoát Nghèo Nhờ Nuôi Lợn

Với bản tính siêng năng, dám nghĩ, dám làm, chị Poòng Thị Luyến, khối 13, thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà) đã vươn lên thoát nghèo nhờ nuôi lợn.
Chị Luyến cho biết: Trước đây, gia đình tôi ở thị xã Mường Lay, thu nhập chủ yếu dựa vào 2.000m2 nương chỉ trồng được 1 vụ lúa. Do sản xuất trên nương, năng suất thấp, thu hoạch chưa đến 4 tạ thóc, gia đình để lại một ít để sử dụng dần, số còn lại bán lấy tiền trang trải cuộc sống, vì vậy mọi chi phí sinh hoạt phải tằn tiện từng đồng.
Năm 1997, gia đình tôi chuyển về thị trấn Mường Chà. Không cam chịu đói nghèo, với số vốn ít ỏi giành dụm được, tôi đầu tư vào nuôi lợn. “Vạn sự khởi đầu nan”, khi mới bắt đầu chăn nuôi do tôi chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên lợn thường mắc dịch tả; có lứa nuôi 14 con thì chết tới 12 con.
Nhiều lúc nản lòng, nhưng cứ nghĩ đến cuộc sống nghèo khó “ăn bữa nay lo bữa mai”, vợ chồng tôi lại quyết tâm làm lại từ đầu. Nghĩ là làm, chị Luyến tiếp tục vay vốn, xây dựng chuồng trại kiên cố, chịu khó học hỏi kinh nghiệm qua sách báo, tivi, tham quan các hộ nuôi lợn hiệu quả trên địa bàn.
Ban đầu, vốn ít chị Luyến chăn nuôi với quy mô nhỏ 5 con/lứa. Nhờ thực hiện tốt công tác vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng định kỳ, đàn lợn không mắc bệnh, lớn nhanh. Từ số tiền lãi bán lợn tích lũy dần, chị phát triển quy mô chăn nuôi, đến nay gia đình chị nuôi gần 40 con lợn thịt, mỗi năm cho xuất chuồng 2 lứa, mỗi lứa từ 1 - 1,2 tấn lợn thịt.
Cuối năm 2013, chị đầu tư xây hầm chứa biogas để xử lý toàn bộ chất thải từ lợn vừa đảm bảo vệ sinh môi trường lại tiết kiệm chi phí mua củi. Ngoài chăn nuôi lợn, chị Luyến còn nấu rượu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của bà con trong phố, nhằm tăng nguồn thu nhập.
Bỗng rượu được tận dụng làm thức ăn cho lợn. Mỗi năm, trừ chi phí gia đình chị thu lãi gần 60 triệu đồng, nhờ vậy cuộc sống ngày càng khấm khá. Ngôi nhà nhỏ trước đây giờ đã được thay bằng ngôi nhà sàn khang trang, rộng rãi; nhiều tiện nghi mới được sắm sửa, hai con của chị có điều kiện ăn học đàng hoàng.
Là người phụ nữ năng động, tháo vát, không chỉ vươn lên làm giàu cho gia đình, chị Poòng Thị Luyến còn là hội viên tiêu biểu của Hội Nông dân huyện Mường Chà, thường xuyên giúp các hội viên xóa đói giảm nghèo. Năm 2011, chị Luyến được Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng Hội và phong trào nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Trong những năm gần đây, người chăn nuôi vịt thường gặp nhiều rủi ro do dịch cúm gia cầm hoành hành. Tuy nhiên, bằng sự năng động và cần cù lao động của mình, ông Nguyễn Văn Lương, thôn Lĩnh Mai, xã Quảng Phú, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) trở thành triệu phú với mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm.

Từ nuôi vịt bầu ông sắm được xe gắn máy sớm nhất huyện, rồi tới xe hơi ông tiếp tục “đánh cược” với vịt trời và bầy vịt trời đang mang lại cho ông những “hướng bay” mới. Ông được mệnh danh là “vua” vịt bầu ở đất của cây quế, huyện Quế Phong (Nghệ An). “Vua” vịt này có tên Thái Văn Diệu, hiện ở bản Đan, xã Tiền Phong.

Từ lâu, người dân ở các vùng An Ninh, Vạn Ninh... thuộc huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) vẫn quen chăn nuôi trâu, bò theo lối chăn thả, phụ thuộc vào nguồn thức ăn tự nhiên.

Thói quen chăn nuôi bò đàn thả rông trong khi nắng hạn kéo dài đã khiến người nuôi bò ở huyện Sông Hinh (Phú Yên) ngày càng lo lắng vì bò thiếu thức ăn.

Hiện giờ, giá bán gia súc gia cầm (GSGC) đang tăng mạnh, nhưng người chăn nuôi trong tỉnh Quảng Ngãi lại khó tái đàn vì thiếu vốn lẫn con giống...