Thoát Nghèo Nhờ Nuôi Heo Rừng Lai

Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã vươn lên tìm hướng thoát nghèo, trong đó có mô hình nuôi heo rừng lai.
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi cùng với sự hỗ trợ từ Phòng Kinh tế hạ tầng và sự cần cù chịu khó tìm tòi học hỏi mà gia đình ông Trần Văn Hiếu ở thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3 đã thành công với mô hình nuôi heo rừng lai.
Sau khi tìm hiểu các mô hình chăn nuôi tại một số địa phương, tham khảo trên các phương tiện thông tin đại chúng, năm 2009 ông Trần Văn Hiếu đã chọn mô hình nuôi heo rừng để thoát nghèo. Ông Hiếu cho biết: Trước đây, gia đình tôi thuộc diện khó khăn. Thu nhập từ trồng lúa không đủ trang trải cuộc sống gia đình và nuôi con ăn học. Nhờ sự giúp đỡ của ngành chức năng về vốn, vợ chồng tôi mua 10 con heo rừng lai về nuôi, trong đó có 8 con cái và 2 con đực. Những ngày đầu, các thành viên trong gia đình tôi phải thường trực theo dõi, ghi chép tỉ mỉ từng đặc tính sinh trưởng của heo, đồng thời tìm mua tài liệu hướng dẫn về cách chăn nuôi heo rừng về nghiên cứu, học tập.
Với sự cần cù chịu khó, ông Hiếu tham gia học các lớp chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi heo rừng lai do Phòng NN-PTNT huyện tổ chức, sau đó về áp dụng tại gia đình. Từ một đàn heo 10 con, đến nay gia đình ông có 60 con heo rừng lai. Để giảm chi phí chăn nuôi, ông Hiếu tận dụng thức ăn sẵn có trong nhà như cỏ, chuối cây, sắn, mía và một số loại rau quả. Bên cạnh đó, ông còn bắt cua, ốc, dùng cám gạo để làm thức ăn cho heo.
Hiện nay heo rừng lai của ông Hiếu không những cung cấp cho các nhà hàng tại địa phương mà còn bán ở Khánh Hòa, Bình Định. Mỗi lần xuất chuồng khoảng 20 con, giá từ 80.000 đến 90.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Hiếu thu lãi từ 80 đến 100 triệu đồng.
Cùng với mô hình heo rừng lai, ông Hiếu còn sở hữu 4 ha keo. Gia đình ông đã mua sắm nhiều vật dụng có giá trị phục vụ sinh hoạt và chăm lo cho con cái học hành.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Hiếu còn hướng dẫn tận tình cách nuôi heo rừng lai cho nhiều người trong xã. Gia đình ông Huỳnh Văn Bảy ở cùng xã với ông Hiếu cũng thuộc diện khó khăn, khi thấy ông Hiếu thành công với mô hình nuôi heo rừng lai, ông đã nhờ ông Hiếu hướng dẫn kỹ thuật nuôi heo. Với sự nhiệt tình giúp đỡ của ông Hiếu, hiện ông Bảy cũng đã thành công với mô hình nuôi heo rừng lai trên vùng đất còn lắm khó khăn này, có thu nhập ổn định, trang trải cuộc sống gia đình.
Ông Nguyễn Văn Kim, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Xuân nhận xét: Ông Hiếu là một hội viên nông dân tích cực, ham học hỏi, chịu khó làm ăn, là tấm gương để mọi người noi theo.
Có thể bạn quan tâm

Gần 2 tháng qua, đa số tàu đánh cá của ngư dân thôn Hòa An (xã Xuân Hòa, TX Sông Cầu, tỉnh Phú yên) cập bến đều đầy ắp cá cơm săn. Ngư dân, ai cũng vui mừng vì các chuyến biển trúng đậm cá cơm săn, sau nhiều năm vắng bóng.

Ngày 13/8, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Cà Mau phối hợp với huyện U Minh tổ chức hội nghị triển khai thực hiện mô hình cánh đồng lớn luân canh lúa – tôm năm 2015 tại xã Khánh Hòa.

Mỗi ngày người dân khai thác nghêu tại các bãi bồi ven biển huyện Đông Hải, Hòa Bình (Bạc Liêu) thu cả trăm ngàn đồng nhờ nghêu được mùa.

Chiều 12/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) tổ chức Hội nghị đối thoại công – tư, tham vấn về quy hoạch vùng trồng quế và hệ thống các cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 – 2025.

Ông Võ Trường Thọ, Chủ tịch UBND xã Cát Tài (Phù Cát - Bình Định), cho biết: Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh và Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, vụ ĐX 2014 - 2015 và vụ Hè năm 2015, UBND xã đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Công nghiệp Thực phẩm Tất Thắng (Công ty Tất Thắng, Đăk Nông) thực hiện mô hình “Liên kết sản xuất nông sản theo chuỗi gắn bao tiêu sản phẩm - Trồng thâm canh đậu phụng giống L14 sử dụng chế phẩm sinh học” trên chân đất chuyển đổi.