Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thoát Nghèo Nhờ Nuôi Cá Truyền Thống

Thoát Nghèo Nhờ Nuôi Cá Truyền Thống
Ngày đăng: 01/07/2014

Những năm qua, cùng với nhiều địa phương khác trong tỉnh Thái Bình, hơn 30 hộ nông dân xã Độc Lập (Hưng Hà) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất chua trũng, hoang hóa, cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng mô hình chăn nuôi cá truyền thống kết hợp với nuôi gia súc, gia cầm cho hiệu quả kinh tế cao. Phát huy những lợi thế đó, nhiều hộ nông dân trong xã đã từng bước xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Nhờ dám nghĩ, dám làm mà đến nay gia đình anh Trần Văn Mạnh (thôn Đồng Phú, xã Độc Lập) đã thoát nghèo và trở thành gia đình có điều kiện kinh tế khá giả trong xã. Hiện nay, mô hình nuôi cá truyền thống kết hợp với nuôi vịt đẻ của gia đình anh cho thu lãi bình quân mỗi năm khoảng 100 triệu đồng.

Những ngày cuối tháng 6, trong một dịp trở lại xã Độc Lập, chúng tôi được ông Nguyễn Xuân Biên, Chủ tịch Hội Nông dân xã giới thiệu về thăm gia đình anh Trần Văn Mạnh. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang vừa mới được vợ chồng anh chị xây dựng, anh Mạnh phấn khởi cho biết: Trước kia, cả khu vực này vốn là diện tích đất chua trũng bị bỏ hoang hóa lâu năm, một phần khác là diện tích cấy lúa một vụ, cho năng suất không cao. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình anh đã mạnh dạn đăng ký với UBND xã Độc Lập đấu thầu gần 3 mẫu đất chua trũng đào ao thả cá, kết hợp với chăn nuôi gia cầm.

Thời gian đầu khi mới bắt tay vào chăn nuôi, gia đình anh chị đã gặp phải không ít khó khăn, vất vả. Nhìn cả một vùng đất rộng lớn chỉ toàn cỏ dại nhiều người dân trong xã đã lắc đầu ngao ngán. Nhưng với bản tính cần cù, chịu khó, anh chị đã chung lưng đấu cật, không quản ngại đêm ngày dành gần 1 năm để nạo vét đáy ao, đắp bờ, khử chua.... và thả những lứa cá đầu tiên.

Những năm đầu bắt tay vào làm kinh tế do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi nên anh chị gặp không ít khó khăn. Những thất bại đã thôi thúc anh càng phải tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi cá truyền thống và nuôi gia cầm. Để nâng cao kỹ thuật chăn nuôi, bên cạnh việc tìm tòi qua sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng, anh đã tham gia nhiều lớp đào tạo nghề do địa phương tổ chức, tham quan, học tập nhiều mô hình chăn nuôi trong và ngoài tỉnh.

Trong quá trình chăn nuôi, anh Mạnh thường xuyên kiểm tra nguồn nước trong ao và xử lý chua bằng cách đổ rơm rạ lót dưới đáy ao nhằm giảm độ chua.

Hàng năm sau khi thu hoạch cá gia đình anh thường dành cả tháng trời để phơi ao, rắc vôi khử trùng, khử chua nhằm bảo đảm môi trường nước luôn sạch sẽ cho các loại cá sinh trưởng và phát triển tốt. Nhờ sự cần cù, chịu khó và ham học hỏi mà những năm sau ao cá của gia đình anh luôn cho thu hoạch ổn định gần chục tấn cá mỗi năm.

Ngoài việc đầu tư chính nuôi các loại cá thương phẩm, gia đình anh Mạnh còn thường xuyên duy trì nuôi khoảng 1.000 con vịt đẻ. Hiện nay, mô hình chăn nuôi của gia đình anh Mạnh luôn cho thu nhập ổn định khoảng 100 triệu đồng/năm. Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế cho gia đình, anh Mạnh còn thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, giao lưu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với các chủ trang trại, gia trại, người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Xuân Biên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Độc Lập cho biết, do đây là vùng đất trũng nên đất ở đây rất chua, không thích hợp cho cây lúa, vì vậy mà đa số nông dân đều bỏ ruộng hoang.

Sau nhiều lần thử nghiệm, tìm hướng đi mới, UBND xã đã quyết định tạo điều kiện cho bà con nông dân đấu thầu nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Khi mới thực hiện chỉ có một số gia đình mạnh dạn đăng ký xin đấu thầu đất để xây dựng mô hình kết hợp thả cá với chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Đến nay, qua 10 năm triển khai thực hiện phong trào, toàn xã đã chuyển đổi được hơn 50 ha đất chua trũng cấy lúa kém hiệu quả và hoang hóa sang xây dựng các mô hình chăn nuôi mới, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Hiện nay, vùng chăn nuôi thủy sản của xã đã và đang cho thu nhập rất ổn định, giúp nhiều người nông dân thoát nghèo và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Là người đã gặp không ít khó khăn trong cuộc sống nên anh Mạnh rất trân trọng những kinh nghiệm đã có và tích cực mang những kinh nghiệm của mình chia sẻ cho anh em bạn bè, những người đang bước vào con đường lập thân, lập nghiệp.

Không chỉ riêng gia đình anh Mạnh, hiện nay trên địa bàn xã Độc Lập (Hưng Hà) còn có hàng chục gia đình khác đã thoát nghèo nhờ vào việc tham gia xây dựng vùng chăn nuôi thủy sản kết hợp với nuôi gia súc, gia cầm.

Không dừng lại ở đó, hiện nay, anh Mạnh còn cùng với gia đình tiếp tục đầu tư mua máy ấp trứng gia cầm để có thể chủ động về nguồn giống cũng như chất lượng con giống cho gia đình mình và những hộ chăn nuôi xung quanh nhằm tăng thêm thu nhập cho bản thân, góp phần làm giàu cho mảnh đất quê hương.


Có thể bạn quan tâm

Mùa Xoài Đắng ! Mùa Xoài Đắng !

Hiện người trồng xoài Cam Lâm (Khánh Hòa) đang bước vào mùa thu hoạch, song kém vui khi xoài vừa mất mùa, mất giá...

20/04/2012
Trồng Cà Tím Nhật Bản - Không Lo Đầu Ra Trồng Cà Tím Nhật Bản - Không Lo Đầu Ra

Vài năm trở lại đây, nhiều nông dân trong tỉnh Khánh Hòa sản xuất cà tím Nhật Bản (CTNB) theo mô hình của Công ty Cổ phần Thủy sản Bạc Liêu (CPTSBL), chi nhánh tại Khu Công nghiệp Suối Dầu

13/02/2011
Toàn Tỉnh Đã Thả 270 Triệu Tôm Giống Ở Thanh Hóa Toàn Tỉnh Đã Thả 270 Triệu Tôm Giống Ở Thanh Hóa

Vụ tôm nước lợ xuân – hè 2012, toàn tỉnh Thanh Hóa phấn đấu thả nuôi 3.900 ha tôm sú và 130 ha tôm he chân trắng. Để đạt được mục tiêu, ngay từ đầu tháng 3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với các địa phương có diện tích nuôi tôm chỉ đạo cho các chủ đồng nuôi tập trung cải tạo ao đầm đúng hướng dẫn kỹ thuật, tuân thủ lịch thời vụ thả tôm, chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện, sẵn sàng thả tôm nuôi khi thời tiết thuận lợi.

21/04/2012
Gạo Nàng Thơm Chợ Đào Bị Nhái Gạo Nàng Thơm Chợ Đào Bị Nhái

Hơn 400ha chuyên trồng giống lúa đặc sản Nàng Thơm Chợ Đào (NTCĐ) ở xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, Long An đã tụt giảm còn 100ha. Nông dân vùng này bỏ NTCĐ bởi không cạnh tranh được với gạo giả, gạo nhái đang tràn lan khắp nơi...

23/04/2012
Bến Tre Sản Xuất Giống Tôm Biển Bến Tre Sản Xuất Giống Tôm Biển

Hiện nay, diện tích nuôi tôm toàn tỉnh đạt hơn 43.000 ha, mỗi năm cần khoảng 5 tỷ con tôm giống chứng tỏ Bến Tre là thị trường khá rộng cho nghề sản xuất tôm giống phát triển. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất tôm giống trong tỉnh hiện chỉ mới đáp ứng khoảng 20% nhu cầu.

23/04/2012