Thoát Nghèo Nhờ Nuôi Cá Lồng Trên Sông Ở Quảng Thọ (Thừa Thiên Huế)

Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình tại xã Quảng Thọ (Quảng Điền - Thừa Thiên Huế) đã tận dụng nguồn nước sông Bồ để nuôi cá lồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo thống kê của Hợp tác xã Quảng Thọ, toàn xã hiện có 220/630 hộ nuôi cá trắm cỏ trong lồng, năng suất bình quân 5-7 tạ/lồng/năm, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
Nuôi cá lồng trên Sông Bồ mang lại hiệu quả kinh tế cao
Anh Nguyễn Hữu Hồng ở làng La Vân Thượng, xã Quảng Thọ tâm sự: “Trước đây, cả xã chỉ có một vài hộ nuôi cá trắm cỏ trong lồng. Sau đó, nhận thấy mô hình mang lại nguồn thu nhập ổn định nên HTX Quảng Thọ phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Điền cử cán bộ về hướng dẫn bà con phát triển sao cho hiệu quả. Đến nay, đã có gần một nửa số hộ dân địa phương nuôi cá lồng trên sông Bồ”. Chỉ tính riêng gia đình anh Hồng, năm 2011, thu hoạch được gần 12 tạ cá trắm cỏ, giá bán từ 55.000 - 60.000 đồng/kg, có thu nhập trên 50 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Quý, ở thôn Phước Yên cho biết, những loài cá được nhiều hộ dân nuôi tại sông Bồ là trắm cỏ, rô phi… Đây là những loài cá phát triển rất nhanh, chỉ trong 4 - 6 tháng có thể thu hoạch, lại được giá. Giống cá trắm cỏ ăn tạp, từ lá sắn cho đến lá chuối cho nên sau một năm nuôi, cá trắm đạt trọng lượng khoảng 3,5kg đến 5 kg/con. “Nuôi cá trắm cỏ trong lồng không khó, có thể nuôi theo hình thức thâm canh. Kỹ thuật nuôi không quá phức tạp, điều quan trọng là phải chọn được con giống chất lượng. Trong quá trình nuôi nên tránh tình trạng thiếu ôxy cục bộ, lúc thời tiết thay đổi cần bổ sung thêm vitamin C cho cá, nên nuôi với mật độ thưa vào mùa mưa. Thức ăn chủ yếu của cá là cỏ nên rất dễ kiếm”, anh Qúy chia sẻ.
Ông Hồ Ngọc Thanh, Chủ nhiệm HTX Quảng Thọ cho biết: “Phát triển mô hình nuôi cá trắm cỏ trong lồng có thể tận dụng diện tích mặt nước và nguồn thức ăn tự nhiên, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân ở khu vực nông thôn”.
Phong trào nuôi cá lồng phát triển khá mạnh tại các triền sông lớn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhiều hộ dân thu nhập hàng chục triệu đồng/năm nhờ nghề này. Ông Hoàng Công Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, địa phương sẽ phối hợp với ngành nông nghiệp và PTNT tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi cá lồng để tăng thu nhập cho người dân”.
Tuy nhiên, ngành chức năng và người dân cũng cần lưu ý, không phát triển ồ ạt, có thể gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sự phát triển của cá, thậm chí có thể gây thiệt hại không nhỏ.
Có thể bạn quan tâm

Trên địa bàn các huyện phía Tây Gia Lai, thời điểm trung tuần tháng 8, bà con nông dân bước vào mùa vụ thu hoạch bắp 2014, cũng là lúc chim két kéo về phá hoại các rẫy bắp. Chim két đậu kín trên diện tích hàng trăm ha bắp, khiến nông dân rất vất vả đối phó.

Cục Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (VPSS) vừa thông báo gỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu thủy sản, cho phép thêm một số doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản vào thị trường này.

Nhiều nông dân ở Đức Phú (Tánh Linh) đã và đang lấy cao su làm cây leo để trồng tiêu, chờ ngày mủ cao su được giá trở lại. Việc làm này không chỉ cứu được hàng trăm ha cao su thay vì chặt như một số nơi, còn mở ra một phương pháp xen canh khá hợp lý.

Theo báo cáo của Hội Nông dân TP. Mỹ Tho, trong năm 2013, toàn thành phố đã bình chọn được 4.587 hộ nông dân sản xuất - kinh doanh (XSKD) giỏi 3 cấp, trong đó có 400 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh.

Xử lý ra hoa đậu quả trái vụ tạo được giá trị lợi nhuận cao luôn là mục tiêu nhiều nhà vườn mong muốn đạt đến, nhằm phát huy lợi thế về điều kiện khí hậu, đất đai,nguồn nước và kinh nghiệm trong sản xuất.