Thoát Nghèo Nhờ Nuôi Bò Sữa Ở Bình Dương

Nhờ chăn nuôi bò sữa mà gia đình chú Nguyễn Văn Niêu (75 tuổi, ở ấp Bến Giảng, xã Phú An, huyện Bến Cát - Bình Dương) đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững…
Đến thăm gia đình chú Niêu chúng tôi không khỏi mừng cho chú khi trong chuồng nuôi bò sữa của gia đình có đến 9 con bò sữa, trong đó có 2 con đang cho sữa. Ngoài góc vườn của gia đình là 2 con bò sinh sản, mỗi con trị giá đến 30 triệu đồng. Trò chuyện với chú trong căn nhà mới được xây dựng khang trang, chú Niêu kể: “Ngày trước, gia đình tôi nghèo lắm. Nhà có 9 miệng ăn, ngoài tôi và bà nhà là lao động chính ra chỉ có thêm thằng lớn phụ giúp, còn lại một bầy con lít nhít đi học. Chỉ có cái ăn cũng bữa được ăn bữa không, tiền học không có để đóng.
Ngày đó, hai cha con tui ngày nào cũng lên tận Long Nguyên đốn củi để bán, giá củi thì chỉ 3.500 đồng/khối. Hai cha con đốn cả ngày giỏi lắm cũng chỉ được 1,5 khối củi, không đủ đong gạo cho cả nhà. Những ngày không đốn củi thì đi cuốc ruộng mướn, làm đủ các công việc mà mọi người thuê mướn nhưng vẫn không đủ ăn. Đã nghèo lại còn gặp tai ương. Một lần đi cuốc ruộng mướn tôi cuốc phải mìn, mìn nổ miểng văng trúng đầu làm một bên mắt bị mờ từ đó!”.
Một gia đình nghèo đến nỗi cơm không đủ ăn, nhưng nhờ đồng vốn xóa đói giảm nghèo đã vươn lên làm giàu bền vững. “Thấy gia cảnh nhà tôi quá nghèo, xã đưa vào diện hỗ trợ bằng cách giúp vốn làm ăn từ vốn xóa đói giảm nghèo. Có vốn tôi mua ngay 1 con bò sinh sản. Chỉ sau một thời gian ngắn, con bò này đẻ được 2 con, một đực một cái. Lúc đó tôi vui lắm, vì nó thắp sáng niềm hy vọng thoát nghèo. Được sự giúp đỡ của Hội Nông dân, tôi mua thêm một con bò đực. Sau 5 năm, gia đình tôi đã có 4 con bò sinh sản. Năm 1994, tôi bán hết 4 con bò sinh sản được hơn 70 triệu đồng, trả hết nợ ngân hàng”, hớp ngụm trà, mắt chú Niêu ánh lên niềm vui, quay về hướng đàn bò sữa trong chuồng, chú Niêu kể tiếp: “Năm 2006, thấy một hộ trong xã nuôi bò sữa có hiệu quả, tôi đến tìm hiểu, học hỏi, sau đó về bàn với gia đình mua 2 con bò sữa với giá 80 triệu đồng. Được sự giúp đỡ của những người đang nuôi bò sữa, tôi đã có thêm kỹ thuật chăm sóc bò sữa cũng như cách vắt sữa bò. Sữa cung cấp cho công ty lấy cái ăn hàng ngày, còn bò thì cứ vậy gây đàn nên gia đình tôi mới có được đàn bò như bây giờ”.
Hiện tại, với 2 con bò cho sữa mỗi ngày gia đình chú Niêu thu được 40 kg sữa tươi, giá bán bình quân 7.000 đồng/kg, mỗi ngày thu về khoảng 300.000 đồng, đủ chi phí cho gia đình. Nhìn đàn bò của gia đình chú Niêu con nào cũng béo tròn và sạch sẽ, tôi hỏi chú về chế độ, cách thức chăm sóc, chú Niêu cười: “Nuôi bò lấy sữa cần nhất là sạch sẽ, từ khâu chuồng trại, đến cách thức cho ăn. Nếu chuồng trại và thức ăn không hợp vệ sinh thì bò sẽ dễ nhiễm bệnh và chất lượng sữa không đạt. Chuồng bò lúc nào cũng phải khô ráo, sạch sẽ.
Thức ăn của bò sữa chủ yếu là cỏ xanh non, sạch sẽ”. Nói rồi, chú đưa tay chỉ về hướng vườn cỏ đang lên xanh tốt và tiếp: “Để nuôi bò sữa đạt chất lượng, tui trồng cỏ mà không cần phải đi mua. Đó cũng là cách thức giúp mình yên tâm hơn trong khâu chọn thức ăn an toàn cho con bò”. Nhờ được ăn cỏ sạch và chích ngừa đầy đủ nên chất lượng và số lượng sữa của chú kỳ nào cũng được công ty mua sữa khen thưởng. Nhờ vậy mà cuộc sống gia đình chú Niêu ngày càng khá giả, có của ăn của để, các con chú cũng đã lập gia đình riêng và tập tành nuôi bò sữa để phát triển kinh tế. Chia sẻ thêm với chúng tôi, chú Niêu cho biết: “Dù đã lớn tuổi nhưng tui và bà nhà vẫn yêu thích công việc nuôi bò sữa, bởi nhờ nó mà gia đình tui không những thoát được nghèo mà còn vươn lên khá giả”.
Nghe chú Niêu nói, tôi nhớ lại lời ông Võ Văn Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã: “Mỗi lần hội họp lúc nào chúng tôi cũng tính cách làm sao giúp các hộ nghèo thoát nghèo một cách căn cơ. Phải giúp họ biết sử dụng cái cần để câu cho được con cá, chứ không thể giúp con cá mãi được”. Và đó cũng là thực tế, muốn thay đổi số phận, bản thân người nghèo phải biết nắm bắt cơ hội, phải nỗ lực, không đầu hàng nghịch cảnh và trên hết là phải có khát vọng vươn lên. Không phải ai khác mà chính họ quyết định sự thành bại của gia đình họ. Thành quả đạt được không phải dễ dàng mà có, mà phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và công sức. Sự vươn lên của gia đình chú Niêu là một minh chứng sống động cho điều này.
Có thể bạn quan tâm

Trạm Thú y thành phố còn cấp phát thuốc Benkocid cho lực lượng thú y cơ sở tiến hành phun thuốc tiêu độc sát trùng, vệ sinh chuồng trại, khu vực giết mổ... Từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố không có ổ dịch cúm gia cầm xảy ra.

Những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn, trong đó có hỗ trợ về nhu cầu máy nông nghiệp. Tuy nhiên, tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh, sản phẩm trên thị trường máy nông nghiệp vẫn chủ yếu là hàng Trung Quốc, một phần máy của Nhật Bản, Hàn Quốc, sản phẩm “made in Vietnam” chỉ chiếm 15-20% thị phần.

UBND tỉnh vừa có có văn bản giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các huyện/thành phố/thị xã khẩn trương triển khai theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT về việc tăng cường công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, đối phó với ảnh hưởng của El Nino.

Quả lê để 5 tháng nhưng chỉ hơi héo mà PGS-TS Phạm Xuân Đà, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, công bố mới đây khiến dư luận càng thêm lo ngại về các chất độc hại trong trái cây Trung Quốc.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 80% diện tích lúa hè thu. Không khí lao động dường như không hề ngơi nghỉ trên những cánh đồng mùa gặt. Tin bão ngoài biển Đông báo về trên loa phát thanh vọng ra từ làng như dồn dập, hối thúc bà con nông tăng tốc thu hoạch gọn lúa hè thu…