Thiếu Liên Kết Trong Tiêu Thụ Trái Cây Đồng Bằng Sông Cửu Long

Cũng như thông lệ hàng năm, vào thời điểm này mặt hàng trái cây tại ĐBSCL lại rơi vào tình trạng được mùa, mất giá, đầu ra bấp bênh.
Chính vì vậy, bài toán thiếu liên kết trong tiêu thụ trái cây tồn tại nhiều năm trong vùng lại được đặt ra một cách cấp thiết.
Hơn ba năm nay, 22ha trồng chôm chôm với sản lượng 600 tấn/năm của Tổ hợp tác xã Phú Phụng đã được công nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP. Tuy sản phẩm đạt chất lượng cao nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cho nhà vườn không như mong muốn. Lý do là doanh nghiệp chỉ thu mua 20% sản lượng, tương đương 120 tấn, 480 tấn chôm chôm còn lại bà con phải bán thấp hơn giá thị trường từ 2.000-3.000đồng/kg.
Ông Trần Hoàng Sở - Tổ hợp tác sản xuất chôm chôm Phú Phụng - Chợ Lách - Bến Tre nói: "Tổ hợp tác chúng tôi liên kết với doanh nghiệp Chánh Thu để mua chôm chôm. Nhưng công ty mua không hết hàng khiến bà con không mặn mà sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP nữa".
Mặc dù sản lượng trái cây của ÐBSCL rất dồi dào nhưng hầu hết là hàng "sô", còn hàng đạt chất lượng xuất khẩu chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ 10% diện tích đạt tiêu chuẩn Global GAP. Hơn 97% trái cây bán qua thương lái, trung gian làm phát sinh nhiều chi phí nên nông dân cũng bị giảm mất thu nhập. Một điểm yếu nữa là việc bảo quản trái cây sau thu hoạch còn lạc hậu khiến tỷ lệ hư hỏng cao từ 25- 30%, cộng thêm thiếu cơ sở chế biến.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thu - Giám đốc công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu - Bến Tre nói: “Chúng tôi rất trăn trở khi không bao tiêu hết sản phẩm cho nông dân. Do đó chúng tôi nghĩ rằng Nhà nước cần đầu tư khoa học kỹ thuật thêm cho nhà vườn. Quan trọng hơn nữa là xây dựng nhà máy chế biến trái cây để chế biến những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu”.
Tiến sĩ Võ Mai - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho biết: "Tôi nghĩ vai trò của Nhà nước là quan trọng nhất. Lâu nay chúng ta chỉ tập trung sản xuất mà không nghiên cứu thị trường. Chúng ta phải chỉ ra cái gì thế giới cần, cái gì trong nước cần, giống nào người tiêu dùng thích".
Thời gian qua, nhà vườn ĐBSCL đã quan tâm phát triển mô hình sản xuất trái cây theo hướng Global GAP cũng như liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, tuy nhiên để mặt hàng trái cây phát triển bền vững, ổn định thì bao nhiêu vẫn chưa đủ.
Vấn đề mấu chốt hiện nay là từng bước xây dựng chiến lược thị trường, phát triển các kênh tiêu thụ sản phẩm ở trong và ngoài nước; khuyến khích đầu tư ngành công nghiệp chế biến; nâng cao chất lượng những loại trái cây đặc sản từ đó khẳng định thế mạnh cạnh tranh của trái cây Việt Nam trên thị trường thế giới.
Có thể bạn quan tâm

Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.Hồ Chí Minh (ITPC) đang giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ nông dân của nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có TP.Hồ Chí Minh kết nối với các nhà mua hàng, nhà phân phối lớn như Aeon, Metro, Big C, CoopMart, chuỗi các cửa hàng tiện lợi và 3 chợ đầu mối nông sản, thực phẩm trên địa bàn.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 8 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc, đứng đầu về xuất khẩu (XK) sản phẩm cá phile đông lạnh cho thị trường Brazil với khoảng 44.000 tấn cá tra, trong khi Trung Quốc xuất sang 33.000 tấn, chủ yếu là cá biển như cá minh thái, cá hồi, cá tuyết…

Sau 10 năm phát triển dự án nuôi tôm càng xanh mùa lũ, mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng tôm càng xanh đã và đang là đối tượng nuôi có giá trị quan trọng bậc nhất trong ngành thủy sản của huyện Tam Nông. Tuy là một đối tượng nuôi khó, nhưng nghề nuôi tôm trong thời gian qua đã góp phần đáng kể cho tăng trưởng kinh tế của huyện và khai thác tối đa tiềm năng lợi thế vùng lũ.

Theo Sở Công Thương, thời gian qua, việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ đã đạt được những kết quả tích cực, nhất là đưa hàng nông sản, thực phẩm chế biến vào siêu thị. Riêng mặt hàng rau củ chưa qua chế biến có mặt tại siêu thị còn hạn chế.

Vừa qua, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Đồng Tháp đã chỉ đạo các Phòng, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường trực thuộc tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm vận chuyển, kinh doanh phân bón nhập lậu, phân bón giả; thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhập lậu, BVTV giả, kém chất lượng lưu hành trên thị trường.