Thiếu Cơ Sở Thu Mua Và Chế Biến Lạc

Nông dân có thêm vụ lạc được mùa nhưng không vui vì mất giá. Nhiều hộ trồng lạc còn bị thua lỗ, lâm vào cảnh khó khăn.
Đến nay, gia đình chị Phạm Thị Nở ở phường Hương Xuân (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) đã thu hoạch xong 6.000 m2 lạc vụ đông xuân 2012 - 2013, sản lượng ước đạt hơn một tấn rưỡi. Đây là vụ lạc được mùa nhất từ trước đến nay, với năng suất bình quân khoảng 26 tạ/ha. Nếu giá sản phẩm ổn định như nhiều năm trước thì đây là vụ mùa thắng lợi.
Vụ lạc đông xuân này, tuy năng suất cao nhưng chị Nở, cũng như nhiều nông dân vẫn không vui vì giá lạc rớt đến mức quá thấp. Chị Nở tâm sự: “Chưa hết mừng trước vụ mùa bội thu, chất lượng sản phẩm cao thì nghe tin giá lạc rất thấp nên mấy ngày nay cả gia đình rất lo lắng”.
Với giá lạc như hiện nay, nhiều hộ chỉ hòa vốn, thậm chí còn thua lỗ. Gieo trồng đến thu hoạch, gia đình chị Nở chi phí khoảng 20 triệu đồng, kể cả công chăm sóc, thu hoạch. Với giá hiện nay, bình quân mỗi kg khoảng 17 ngàn đồng, có khi xuống còn 13 - 14 ngàn đồng (giảm từ 8 đến 13 ngàn đồng so với mọi năm), gia đình chị Nở mới chỉ hòa vốn.
Với các hộ chủ yếu dựa vào trồng lạc càng rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi giá xuống thấp. Nan giải nhất của bà con là chi phí đầu tư cho vụ sau, nên nhiều hộ phải “cắn răng” bán đổ. Riêng gia đình chị Nở, phải bán mấy tạ để trả nợ phân bón, thuốc trừ sâu. Số còn lại phải “trùm chăn” chờ giá tăng mới bán. Còn chi phí vụ sau, chị Nở phải đi vay mượn.
Thị xã Hương Trà là vựa lạc chuyên canh của toàn tỉnh. Vụ đông xuân 2012 - 2013, toàn thị xã gieo trồng khoảng một nghìn ha, chiếm gần 1/3 diện tích toàn tỉnh. Mấy năm gần đây, một số giống lạc mới như L14 chất lượng cao... được đưa vào gieo trồng đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ trên địa bàn dựa vào trồng lạc đã thoát được nghèo, có điều kiện nuôi con ăn học.
Vụ này, giá lạc xuống thấp không chỉ là nỗi lo của người dân mà cả chính quyền địa phương. Ông Lê Văn Anh, Trưởng phòng Kinh tế, thị xã Hương Trà cho rằng, sản phẩm lạc có hàm lượng dầu cao nên khó khăn trong việc lưu trữ. Trên địa bàn chưa có công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chưa có một cơ sở nào thu mua, chế biến lạc tại địa phương. Đây là khó khăn lớn gây ảnh hưởng đến giá cả, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Đã đến lúc, việc đầu tư các cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến sản phẩm lạc nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất là vấn đề cần quan tâm. Không riêng ở Hương Trà, đến nay toàn tỉnh gieo trồng khoảng 3.700 ha lạc, sản lượng bình quân hằng năm khoảng 7.500 tấn nhưng vẫn chưa có một cơ sở tiêu thụ, chế biến, bảo quản sản phẩm nào.
Ông Lê Văn Anh, kiến nghị, tỉnh cần quan tâm kêu gọi đầu tư, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở thu mua, chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Đây là điều kiện đảm bảo lợi ích cho nông dân, tránh lái buôn ép giá; đồng thời, nâng cao giá trị sản phẩm chế biến, gắn với xây dựng và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm lạc cũng là vấn đề cần quan tâm.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 20-2, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chính thức triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa). Người dân ĐBSCL hy vọng đây là giải pháp khắc phục tình trạng lúa hàng hóa ùn ứ trong dân, giá lúa sụt giảm khi vào vụ thu hoạch đông ken.

Trong năm qua, toàn tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện thả tôm nuôi với diện tích 1.470 ha (67% tập trung tại khu vực Đầm Nại, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận), vượt 40% kế hoạch năm, trong đó có 194 ha tôm sú và 1.276 ha tôm thẻ chân trắng. Song do bệnh hội chứng tôm chết sớm (EMS) xuất hiện, lây lan trên diện rộng tại các vùng nuôi trọng điểm với diện tích 625 ha (chiếm 45% diện tích thả nuôi toàn tỉnh và tập trung 82% diện tích bệnh tại Đầm Nại) đã làm cho sản lượng thu hoạch chỉ đạt 87% kế hoạch.

Qua nhiều năm, ông Võ Văn Vân (KP. Đông, phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An - Bình Dương) thử nhiều mô hình nông nghiệp khác nhau từ trồng cây ăn trái, đến chăn nuôi… nhưng đều không mang lại hiệu quả. Chỉ khi quyết định nuôi cá tai tượng, ông mới thực sự thoát nghèo.

Trong tháng 2/2013, diện tích nuôi trồng thuỷ sản (ở nước ngọt và nước lợ) toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đạt hơn 570 ha, tăng 11,2% so cùng kỳ năm trước.

Cá bống bớp là loài cá nước lợ, thuộc họ cá bống đen, thân hình trụ tròn, mắt nhỏ, mõm tầy, có nguồn dinh dưỡng cao, giá trị xuất khẩu lớn. Cá bống bớp đã được nhiều địa phương tổ chức nuôi song đến nay chỉ có vùng nuôi mặn lợ của huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) là nuôi được cá bống bớp với quy mô lớn. Nghề nuôi cá bống bớp ở Nghĩa Hưng khởi phát từ xóm Chùa, xã Nghĩa Thắng khoảng trước năm 1990. Mặc dù điều kiện tưới tiêu nước ở đây chưa được quy hoạch nhưng năng suất nuôi cá bống bớp đã đạt 4 - 6 tấn/ha…