Thị trường trái cây nằm trong tay nhà vườn

“Nông dân không nên chờ DN tới mở lời mới bắt tay vào làm nông sản đạt tiêu chuẩn, mà cần thực hiện ngay từ đầu một cách có quy mô, bài bản để DN tự tìm đến” - bà Nguyễn Thị Kim Mai, chủ nhiệm Tổ hợp tác trái cây Lộc Mai (xã La Ngà, huyện Định Quán, Đồng Nai) bày tỏ...
Bà Nguyễn Thị Kim Mai, chủ nhiệm Tổ hợp tác trái cây Lộc Mai cho biết từ lâu, bà đã có những băn khoăn, trăn trở cùng những hoài bão rằng, một ngày nào đó, trái cây Đồng Nai sẽ rộng đường XK.
Để làm được điều này, thì mỗi người dân cần ý thức sản phẩm của mình làm ra phải sạch, đảm bảo chất lượng. Bà giải thích, bản thân các DN sẽ tự tìm đến nông dân, các tổ hợp tác, hay các HTX nào mà họ đánh giá có thể đáp ứng được số lượng và chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu.
Các HTX, tổ hợp tác chỉ là những cầu nối, sự bảo đảm giữa người dân và DN, còn sản phẩm làm ra có đáp ứng yêu cầu hay không lại nằm chính ở mỗi người dân.
Do đó, thay vì nằm trông chờ các DN đến mở lời mới bắt đầu quy hoạch, phát triển cây trồng VietGAP, thì cần làm ngay từ đầu để xây dựng thương hiệu sản phẩm của mình, có như vậy mới thu hút DN được. Nói cách khác, bản thân mỗi người dân sẽ là một mắt xích quan trọng giúp giải quyết đầu ra cho sản phẩm của mình.
Là chủ nhiệm tổ hợp tác trái cây, bản thân bà Mai cũng đã bắt tay vào làm GAP từ lâu, và hiệu quả của nó đã và đang được chứng minh cụ thể.
Hiện nay, các sản phẩm GAP của vườn bà Mai như xoài, mãng cầu đều có giá cao hơn khoảng vài ngàn đồng mỗi kg so với các sản phẩm thông thường tại các hộ khác, mặc dù đều bán cùng một mối.
Đặc biệt, mới đây, các sản phẩm xoài cát Hòa Lộc, xoài Đài Loan của bà đã được đoàn DN Nhật Bản đánh giá cao, chất lượng tốt và đã đồng ý bao tiêu sản phẩm sau lần khảo sát, đánh giá chất lượng ngay tại vườn.
Riêng sản phẩm mãng cầu của bà đang nhận được lời mời bao tiêu của một DN, tuy nhiên bà vẫn đang muốn phát triển GAP hoàn thiện nên chưa nhận lời.
Hiện nay, các tổ hợp tác đã bắt đầu có những bước đi vững chắc hơn, trước mắt là bảo đảm chất lượng sản phẩm sạch, tốt cho các tổ viên.
Ông La Quốc Thanh, Chủ nhiệm HTX sản xuất, kinh doanh xoài (ấp Phú Quý 2, xã La Ngà, huyện Định Quán) cho biết: “Trong 3 năm thành lập, chúng tôi vẫn luôn cố gắng huy động bà con tham gia tổ hợp tác, phát triển sản phẩm xoài sạch để có thể tìm đầu ra tốt hơn từ các công ty, siêu thị”.
Cụ thể, vụ vừa rồi, tất cả 28 thành viên trong tổ hợp tác của ông đều đáp ứng được yêu cầu về sản phẩm xoài cát Hòa Lộc, xoài Đài Loan, xoài 3 mùa chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn hàng sạch.
Với quyết tâm giữ vững tiêu chí phát triển xoài sạch, là chủ nhiệm tổ hợp tác, ông Thanh đi tiên phong trong việc đầu tư vốn cho công cụ bao trái sau khi trái chín.
“Bây giờ, trước mắt mình cần đi đầu, làm tấm gương về sản phẩm sạch, an toàn, thân thiện với môi trường, để bà con nhìn thấy mà noi theo. Nếu tiếng lành đồn xa, có công ty nào về đây thu mua, nhìn thấy trái cây được làm sạch sẽ, cẩn thận, chất lượng tốt, thì biết đâu sẽ có đầu ra ổn định cho bà con trong và ngoài tổ hợp tác”, ông Thanh khẳng định.
Hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã thực hiện nhiều vùng chuyên canh cà phê, tiêu, điều, xoài, bưởi, sầu riêng với tổng diện tích 43.575 ha. Trong đó, tiêu đạt 6.333ha, cà phê 9.195 ha, sầu riêng 1.649ha, điều 16.179 ha, xoài 9.248 ha, bưởi 971 ha...
Trong năm 2015, tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt 3 dự án cánh đồng mẫu lớn cây điều, ca cao, mía và 5 dự án tiếp theo đang trong giai đoạn xây dựng là cà phê, chuối, lúa, xoài, tiêu. Có thể nói, đây là bước đi nhằm giải quyết tình trạng trồng trọt manh mún, thiếu liên kết và chưa đáp ứng được tiêu chuẩn sản phẩm chất lượng cao như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 6-11, tại cuộc họp giải quyết một số vướng mắc trong triển khai nghị định 67 của Chính phủ về các chính sách phát triển thủy sản do UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức, ông Nguyễn Văn Đẩu - chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa - cho biết như trên. Mới đây có bảy người trong số này xin rút khỏi chương trình.

Ông Bùi Đình Khuê, ở thôn 5 xã Ea Tiêu, huyện Chư Quynh, tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Sau khi nghe Đài TNVN giới thiệu về việc trồng cây hồng hoa, chúng tôi đã tìm đến địa của ông Hoàng Văn Tuyên, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Nhà Việt - người có công mở rộng diện tích cây hồng hoa ở Hải Phòng để học hỏi kinh nghiệm về mô hình hình”.

Lí giải nguyên nhân NK phân bón giảm, các chuyên gia và DN NK cho biết, việc Bộ Tài chính quyết định tăng thuế NK urê từ 3% - 6% vào tháng 9 nên các DN đều tranh thu mua hàng về tích trữ tại kho trước đó. Ngoài ra, hiện nguồn cung từ phía các nhà máy SX urê trong nước như: Phú Mỹ, Cà Mau, Hà Bắc, Ninh Bình… đang khá dồi dào, giá cả cạnh tranh cũng là nguyên nhân khiến lượng phân bón NK giảm mạnh.

Tại triển lãm Vietstock 2014 (triển lãm quốc tế hàng đầu về ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và chế biến thịt do Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT, vừa tổ chức), trang trại bò sữa của Cty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk đã vinh dự nhận giải thưởng “Trang trại bò sữa xuất sắc nhất Việt Nam năm 2014”.

Nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng đã rất thành thục trong việc phát triển cây ngô lai, và chính cây ngô lai đã mang lại hiệu quả trong việc xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây. Trên thị trường hiện có đến cả chục loại giống ngô, một số giống chất lượng không ổn định, tạo nên hàng trăm héc ta ngô không hạt, khiến người trồng lao đao.