Thị Trường Tiêu Thụ Cây Mía Tím Tăng Cao

Mấy năm gần đây, nhất là vào dịp tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng cây mía tím trong dân tăng lên khá cao, kéo theo dịch vụ buôn bán mía cây tại các chợ, ven đường, khu vực đông dân cư…phát triển, đem lại nguồn thu nhập khá cao cho người buôn bán loại hàng hóa này.
Mía cây có thân màu tím, mềm, đứng thẳng..., được trồng ở nước ta từ nhiều năm nay, nhất là ở một số địa phương của các tỉnh miền Tây Nam bộ và các tỉnh duyên hải Bắc bộ. Ở tỉnh Đồng Nai, một số hộ nông dân ở các huyện: Định Quán, Vĩnh Cửu, Tân phú, TX.Long Khánh… đã trồng thử nghiệm loại mía này, cho thu hoạch với năng suất cao.
Với đặc tính mềm, nhiều nước và ngọt, thân ít sâu, hằng năm cứ đến khoảng cuối tháng 11, trước tết Nguyên đán, người trồng mía tím bước vào vụ mùa thu hoạch. Ngoài công năng giải khát, được người tiêu dùng ưa thích, thì mía cây vào dịp tết Nguyên đán còn được xem như là loại cây tâm linh, được dùng làm cây nêu ngày tết cạnh bàn thờ mỗi hộ gia đình để cầu may, cầu tài, cầu phúc lộc…
Vợ chồng anh chị Phạm Văn Tới, Lưu Thị Cẩm Nhung - một trong khá nhiều cặp vợ chồng bán mía cây tại khu vực chợ An Bình, xã Tam Phước (TP.Biên Hoà) cho biết, mỗi ngày vợ chồng anh chị bán được hơn 20 chục bó mía, mỗi bó 12 cây (tuỳ theo từng loại to nhỏ khác nhau), với giá nhập vào bình quân khoảng 9.000 - 10.000 đồng. Khi anh chị bán ra, loại to mỗi cặp 2 cây có giá 25 ngàn đồng, lời được từ 1.000-3000 đồng/cây mía.
Trong những ngày này, nhất là mấy ngày trước, trong và sau tết Nguyên đán, mỗi ngày vợ chồng anh chị bán được khoảng 500 - 600 cây mía, thời tiết càng nắng to thì sức mua càng nhiều, thu nhập bình quân mỗi ngày khoảng 600.000 đồng. Chị Nhung cho biết, mía cây bán tết là loại hàng đã được đặt tại vựa mía, tuỳ mức tiêu thụ hàng ngày, chị không phải đi tới tận nơi, mà chỉ cần gọi điện thoại để nhà vườn mang mía đến.
Chị Nhung cho biết thêm, nhu cầu của người mua mía cây ngày càng tăng cao vì đây là mặt hàng giải khát sạch, không lo bị các loại hóa chất độc hại làm ảnh hưởng đến sức khoẻ cho người tiêu dùng như các loại nước uống giải khát khác bày bán trên thị trường.
Đồ nghề dùng để kinh doanh mặt hàng này cũng rất đơn giản, không tốn kém: chỉ cần một chỗ đứng bán hợp lý, cùng một con dao sắc vừa chặt vừa róc, cho vào túi nilon để khách hàng mang về bỏ tủ lạnh. Chị Ngọc Hiển, nhà ở Khu 80, ấp Long Đức, xã Tam Phước cho hay, mía róc vỏ, chặt ngắn, bỏ tủ lạnh là loại giải khát rất tốt cho mọi người trong nhà.
Theo quan sát và ghi nhận của chúng tôi, việc bán mía cây tại một số chợ trên địa bàn TP.Biên Hòa thực sự đem lại nguồn thu nhập cho người trồng mía và người buôn bán nhỏ lẻ.
Có thể bạn quan tâm

Anh Phan Thanh Nhã, ấp 4, xã Trung An, TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) bắt đầu việc nuôi cút từ năm 2001, lúc đầu gia đình anh nuôi khoảng 4.000 con cút giống, sau 3 tuần đàn cút bắt đầu đẻ trứng. Thời gian đầu cút thường xuyên bị chết do mắc một số bệnh thông thường. Thế nhưng anh không nản chí mà tiếp tục học hỏi kinh nghiệm từ những hộ nuôi cút khác, từ đó anh có biện pháp phòng ngừa bệnh kịp thời nên về sau đàn cút luôn khỏe mạnh và cho trứng khá đều.

Sau thời gian dịch bệnh tôm nuôi kéo dài, người nuôi tôm lẫn các trại giống đều mòn mỏi đợi chờ một kết cục sáng sủa hơn. Bởi, hiện các trại sản xuất giống trong tỉnh Cà Mau ế, không bán được, một số đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Năm 2013, các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được ngành thủy sản khuyến cáo không mở rộng diện tích nuôi tôm sú mà chỉ giữ diện tích nuôi tương đương với năm 2012 là 580.000 ha. Vùng nuôi tập trung tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang và Long An; trong đó, tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi lớn nhất với 265.650 ha.

"Giá heo hơi liên tục sụt giảm, giá bán ra không bằng giá thành sản xuất nên người chăn nuôi đang lỗ nặng. Nếu tình trạng trên tiếp tục kéo dài trong thời gian tới thì nguy cơ giảm tổng đàn thiếu nguồn cung là không tránh khỏi”, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai nhận định.

Sò huyết ở đầm Ô Loan (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) là đặc sản nổi tiếng vì thịt dai, ăn ngọt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người dân sống ven đầm đã đi thu mua sò huyết từ các nơi về bán cho du khách dưới thương hiệu sò huyết Ô Loan!