Thị trường ngư cụ trầm lắng

Đến nay, các tiểu thương ở thị trấn Cái Tắc đã chuẩn bị phong phú nhiều mặt hàng ngư cụ để phục vụ nhu cầu thị trường nhưng sức mua vẫn còn thấp. Theo đó, các tiệm bán câu lưới ở chợ này vẫn trong tình cảnh “mòn mỏi đợi khách”. Chị Vạn Thị Kim Phượng, tiểu thương bán ngư cụ ở chợ Cái Tắc cũng trăn trở vì không có người mua. Cả buổi sáng, cửa hàng của chị chưa bán được đồng nào. “Ba, bốn chỗ gần đây cũng vậy, ế ẩm lắm! Chứ mọi năm là nườm nượp người ra vào, bán không kịp”, chị Phượng than thở.
Ở một số địa phương như huyện Phụng Hiệp, Châu Thành A, nước vẫn chưa tràn nhiều vào nội đồng, nhưng mưa bắt đầu xuất hiện nhiều. Đây được xem là điều kiện thuận lợi cho bà con đánh bắt tôm, cá đầu mùa. Vì thế khoảng 10 ngày nay, nghe ếch đã kêu râm rang ở các cánh đồng, chị Nguyễn Thị Kim Nhung, ở ấp Thạnh Mỹ C, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, quyết định mua câu về tranh thủ buổi tối để cắm ếch. “Bữa nào mưa nhiều thì trúng đậm, bán cũng được một hai trăm ngàn. Đợi cá lên ruộng rồi mới thả lưới. Chắc cũng nửa tháng nữa thôi là giăng được rồi”, chị Nhung chia sẻ.
Thực tế, sức mua các mặt hàng như lưới, câu, dớn, lợp chủ yếu phụ thuộc rất lớn vào lượng cá tôm đổ về đồng ruộng trong giai đoạn bắt đầu mùa nước nổi. Thế mà đến nay, ở một số địa phương có đông đảo cư dân sinh sống bằng nghề câu lưới như huyện Phụng Hiệp, Châu Thành A, lượng nước tràn về nội đồng vẫn chưa đáng là bao nên sự trầm lắng của thị trường ngư cụ lúc này cũng là điều dễ hiểu.
“Người bán mỏi mòn trông, còn người mua thưa thớt” là thực trạng phổ biến ở nhiều nơi. Chợ Kinh Cùng từ lâu được biết đến như một điểm buôn bán ngư cụ có tiếng trên thị trường, bởi sản phẩm chất lượng và uy tín. Một tín hiệu vui là những ngày gần đây, đã bắt đầu xuất hiện người mua đến từ các vùng lân cận. Ông Lưu Văn Nhứt, tiểu thương buôn bán ngư cụ tại chợ Kinh Cùng gần 40 năm nay, cho biết cả năm cái nghề buôn bán ngư cụ này chỉ rộ vào mùa nước nổi. Cho nên, ông chỉ hy vọng vào đầu tháng 8 âm lịch sắp tới, nước lên thì sức mua sẽ tăng vọt. Và giá có thể nhích lên một chút, dự đoán chỉ dao động nhẹ từ 1.000-3.000 đồng tùy theo sản phẩm.
Ông Nhứt thừa nhận: “Mấy ngày nay, sức mua có cải thiện hơn một chút. Nhất là ở đây tôi đặt hàng ở vùng trên, tận miệt Long Xuyên, An Giang nên chất lượng khỏi chê. Nhờ vậy mà bà con trong vùng đến mua nhiều lắm. Có người mua vài trăm thước lưới, rồi nào là câu, lợp nữa”.
Trong khi đó, khoảng một tháng nay, các cơ sở gia công mặt hàng ngư cụ đã bắt đầu tăng tiến độ hoạt động. Theo chị Quyên, chủ tiệm lưới Út Quyên, ở ấp Hòa Quới, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, là nơi chuyên cung cấp sỉ và lẻ mặt hàng lưới cho khu vực Long Mỹ, Vị Thủy nhiều năm nay. Tại đây giá nguyên liệu đầu vào, kể cả thuê mướn nhân công không tăng, nên giá bán ra thị trường hiện vẫn bình ổn. “Vùng mình chủ yếu bán lưới, bởi vậy năm nào tôi cũng nhập lưới cây, rồi chì, phao về sớm để thuê nhân công làm trước. Sản phẩm mình làm ra không chỉ giá cả thuận mua vừa bán, mà còn phải đảm bảo chất lượng tốt cho bà con sử dụng. Đáng buồn là vài năm trở lại đây, hễ bà con tới mua là tôi cứ nghe than phiền cá không còn nhiều như trước nữa. Lượng khách vì thế mà cứ giảm dần theo từng năm”, chị Quyên lo lắng.
“Lượng khách giảm dần qua từng năm” cũng là một minh chứng thực tế đáng buồn về nguồn lợi thủy sản ngày càng khan hiếm. Điều này lý giải một phần nguyên nhân vì sao đầu mùa nước nổi, thị trường ngư cụ vẫn “lèo tèo”, và hình ảnh ngư dân cứ thưa dần.
Có thể bạn quan tâm

Theo hướng dẫn lịch thời vụ, vụ gieo cấy lúa trên đất nuôi tôm gần kề, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân xả nước mặn, tận dụng nguồn nước mưa để cải tạo đất ngay từ đầu mùa mưa. Độ mặn trong ruộng cần ổn định ở mức dưới 2%o trong thời gian ít nhất 30 ngày trước khi gieo cấy.

Những ngày này, hơn 1,5 ha đất lúa của ông Thắng đã ngả màu vàng óng. Nước trên ruộng đang được ông chắt cạn dần. Những con ba ba đủ cỡ lần lượt bò xuống ao lắng rộng hơn 1.000 m2. Ông Thắng cho biết: “Nhờ mô hình trồng lúa kết hợp với nuôi ba ba và nuôi cá mà vụ lúa nào gia đình tôi cũng thu hoạch đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh hai cây trồng chủ lực là chè và cà phê, cây mít nghệ cũng đang là loại cây trồng mới đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi xã nghèo Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng).

Tại lớp tập huấn, học viên được nghe giảng về nhiều nội dung. Trong khuôn khổ lớp tập huấn, các học viên được đi tham quan Trại Sản xuất giống ngao Cồn Cống, tỉnh Tiền Giang.

Trong tháng 9/2014, trên một số phương tiện thông tin đại chúng tại Đài Loan (Trung Quốc) đưa tin về hàng nông sản Việt Nam bị nhiễm dioxin (chất độc Màu da cam) đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản nước ta, nhất là thị trường xuất khẩu trà.