Thị trường hàng hóa chưa chiều theo giá xăng

Thị trường đã sôi động trở lại sau thông tin giá xăng giảm, nhưng mức giảm của hàng hóa vẫn chưa “chiều lòng” người mua.
Theo Sở Công thương Hậu Giang, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 8 đạt gần 2.290 tỉ đồng, con số này chỉ tăng 0,61% so với tháng trước và tăng 0,3% so với cùng kỳ. Những chuyển biến tích cực của giá xăng hiện nay chưa đủ sức tác động đến giá cả tiêu dùng. Giá xăng giảm là chuyện đáng mừng.
Bởi xăng giảm là giảm đi một nỗi lo về giá cả. Người dân hy vọng các loại hàng hóa, thực phẩm “hạ nhiệt” để người dân không còn chịu cảnh thắt lưng buộc bụng. Tuy nhiên, nghịch lý giá xăng giảm, giá hàng hóa lặng thinh vẫn diễn ra khiến người dân bức xúc.
Khảo sát thị trường cho thấy, các mặt hàng, dịch vụ vẫn ổn định về nguồn cung và giá cả. Từ các chợ, siêu thị, cửa hàng đến dịch vụ vận tải hàng hóa, sự chuyển động của giá cả còn khá chậm chạp. Một số chợ lớn như Một Ngàn (Châu Thành A), Long Mỹ (thị xã Long Mỹ), Vị Thanh (thành phố Vị Thanh) các mặt hàng rau củ, thực phẩm chay, trái cây đang tăng nhẹ từ 3.000-6.000 đồng/kg (tùy loại); còn nhóm hàng nông sản như thịt, cá, trứng đang giảm giá. Ngoài thịt heo giảm 10.000-12.000 đồng/kg thì giá trứng gà, vịt cũng giảm 1.000-2.000 đồng/chục.
Giá các mặt hàng thịt gà, vịt giảm 5.000-7.000 đồng/kg tùy loại. “Rau tăng giá do bước vào tháng 7 âm lịch, nhu cầu ăn chay tăng mạnh. Trong những ngày tới, giá chỉ bứt phá theo chiều tăng chứ không giảm”, chị Trần Thị Màu, tiểu thương chợ Vị Thanh, cho biết.
Ngoài các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu chưa giảm sâu theo giá xăng dầu, thì trong lĩnh vực vận tải hành khách, cũng chưa ghi nhận dấu hiệu giảm giá cước. Ông Lê Văn Vĩnh, tiệm tạp hóa Trang, ở phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, cho biết: “Cước vận tải điều chỉnh chậm khiến hàng hóa thường không giảm theo giá xăng dù giá xăng giảm nhiều. Ngoài ra, tiền thuê mặt bằng, phí dịch vụ vẫn giữ nguyên. Bán được một món hàng chỉ kiếm lời được vài đồng. Nếu giảm giá tất cả các mặt hàng, thì trước hết nguồn cung sản phẩm cũng phải giảm theo”.
Còn ở hệ thống Co.opMart khẳng định chưa nhận được thông báo điều chỉnh giá từ các nhà phân phối, sản xuất. Các siêu thị, trung tâm thương mại thường có thời gian ký kết hợp đồng, hàng tồn còn nhiều, vì vậy, thông báo giảm giá thường đến trễ hơn.
“Sức mua ở Siêu thị Co.opMart Vị Thanh giữ mức ổn định hơn nhưng chưa tăng cao như kỳ vọng. Từ nay đến tết, bên cạnh việc đẩy mạnh chương trình khuyến mãi, hệ thống sẽ làm việc lại với nhà phân phối tính toán lại giá thành, giá bán. Đặc biệt, ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 đang đến gần, đơn vị dự kiến tiếp tục đưa ra các chương trình khuyến mãi với những mặt hàng đa dạng, chất lượng để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Các mặt hàng như hóa phẩm, thực phẩm công nghệ, đồ dùng, may mặc được giảm giá bán bằng nhiều hình thức như mua sản phẩm tặng sản phẩm”, ông Trần Thanh Vũ Phương, Tổ marketting Siêu thị Co.opMart Vị Thanh, chia sẻ.
Thực tế, hàng hóa bán lẻ ở các chợ không phụ thuộc nhiều vào các yếu tố xăng, dầu mà do sự điều tiết của tiểu thương và lượng hàng. Giá các mặt hàng giảm là do tác động của việc cung cầu. Nhiều tiểu thương ở các chợ dân sinh (chợ xã) cho biết, đa phần tiểu thương chưa biết hoặc “đóng cửa” với thông tin xăng đã giảm giá. Thêm vào đó, chi phí vận chuyển thì lúc tăng lúc giảm, thay đổi liên tục nên “không để ý”. Thời điểm này năm trước, giá xăng giảm sâu ở mức kỷ lục, hàng hóa vẫn “án binh”; còn năm nay, xăng giảm nhỏ giọt vẫn chưa đủ sức kéo giá cả giảm.
Chị Trần Thị Huyền Thy, ở thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, cho rằng: “Người dân không quan tâm mấy đợt điều chỉnh giảm gần đây. Đi chợ mua món gì chỉ mong đừng tăng giá là tốt lắm rồi. Có phàn nàn về chuyện giảm giá thì nhận được câu trả lời xăng, thịt, cá có giống nhau không? Giá xăng dầu dù giảm rất sâu nhưng vẫn không tác động được đến giá cả thị trường có một phần nguyên nhân do công tác quản lý nhà nước về giá chưa mạnh. Nên chăng, những lúc biến động về giá xăng dầu như thế này ngành chức năng cần phát huy hơn nữa chương trình bình ổn thị trường”.
Có thể bạn quan tâm

Toàn huyện Phú Tân có 493 trạm biến áp, do quá trình phát triển nuôi tôm công nghiệp nhanh chóng của người dân, trước đây đã có tới 165 trạm quá tải. Thực hiện Dự án nâng cấp hệ thống điện góp phần phục vụ nuôi tôm công nghiệp, đơn vị đã triển khai nâng cấp trên 100 trạm biến áp và cơ bản hoàn thành trong 2 tháng nay.

Theo nhiều ngư dân ở các xã An Hòa, An Hải và An Chấn, trong những ngày qua, biển động và sóng lớn kéo dài, đã tạo điều kiện cho tôm hùm giống xuất hiện khá dày ở các ngư trường gần bờ. Nhờ vậy, bình quân mỗi phương tiện với 2 đến 3 lao động tham gia khai thác tôm hùm giống mỗi đêm có thể đánh bắt được 50 đến 70 con tôm hùm giống. Nhiều phương tiện trúng luồng đã đánh bắt được hơn 150 con tôm hùm giống/đêm.

Trong đợt đầu tiên, TP. Nha Trang có 5 chủ tàu được duyệt vay hơn 138,6 tỷ đồng để đóng mới 8 tàu, nâng cấp 2 tàu. Trong 8 tàu đóng mới, Công ty TNHH Lê Trứ (gọi tắt là Công ty Lê Trứ, phường Vĩnh Phước) được phê duyệt 6 tàu đều là vỏ sắt, gồm 4 tàu dịch vụ thủy sản có công suất 829CV, 2 tàu lưới vây có công suất 1.200CV. Tổng nhu cầu vốn vay của Công ty đến hơn 115,5 tỷ đồng.

Trong các loại cá nước ngọt, cá trắm đen được xếp là một trong những loại cá quý nhất bởi hàm lượng dinh dưỡng cao. Hiện nay, ngoài phương pháp nuôi truyền thống bằng nguồn thức ăn tự nhiên, nhiều địa phương đã chuyển sang nuôi cá trắm đen theo hình thức công nghiệp như một hướng đi mới mang lại hiệu quả cao.

Vào mỗi mùa thả cá giống, số lượng cá cung cấp trên thị trường có rất nhiều chủng loại, kích cỡ và có nguồn gốc từ rất nhiều cơ sở cung ứng khác nhau. Do vậy, việc quản lý được chất lượng, kích cỡ cá giống là không hề dễ.