Thị Trường Giống, Phân Bón, Vật Tư Nông Nghiệp Giá Giảm, Chất Lượng Đảm Bảo

Đầu vụ sản xuất đông xuân 2014-2015, vấn đề giá cả và chất lượng giống, phân bón, vật tư nông nghiệp (VTNN) đang được nông dân rất quan tâm. Vì thế khi biết tin vụ đông xuân 2014 – 2015, giá giống, phân bón, VTNN giảm; còn chất lượng thì được các đơn vị sản xuất và cung ứng cam kết đảm bảo nên bà con rất phấn khởi.
Vụ đông xuân 2014 – 2015, toàn tỉnh ước gieo sạ 37.000ha lúa, với nhu cầu hạt giống khoảng 2.960 tấn và hơn chục nghìn tấn phân bón các loại. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân, Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh (Trung tâm) đảm bảo đáp ứng 1.000 tấn giống các loại; còn Công ty CP vật tư kỹ thuật nông lâm nghiệp Quảng Ngãi (Công ty) cung ứng 300 tấn giống, 4.000 tấn phân lân, 2.000 tấn phân NPK và 3.000 tấn Urê… Hiện giờ, các đơn vị trên đã tập kết sản phẩm về tận các thôn, xã thông qua kênh Hội nông dân, HTX, cửa hàng, đại lý… trong toàn tỉnh.
Giá giảm thì vui…
Đang loay hoay chất mấy bao phân kali, NPK và Urê lên xe nhưng lão nông Nguyễn Dũng ngụ xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) vẫn vui vẻ góp chuyện. Rằng vụ đông xuân năm nay, ông gieo sạ 3 sào ruộng nên lượng phân bón cần là “mỗi loại một bao” gồm urê, lân và kali.
Để tiết kiệm chi phí, lại tránh mua phải hàng dỏm nên ông Dũng lên tận văn phòng Công ty CP Vật tư kỹ thuật nông lâm nghiệp Quảng Ngãi để mua. Khi nhìn bảng báo giá công ty niêm yết, ông Dũng như không tin vào mắt mình. Bởi “thật không ngờ giá các loại phân này lại giảm nhiều đến vậy...”, ông Dũng hồ hởi nói.
Quả thật với mức giá kali 390.000 đồng/bao 50 kg, giảm 100.000 đồng; Urê 415.000 đồng/bao 50kg, giảm 50.000 đồng, lân 150.000 đồng/bao 50kg… thì không chỉ ông Dũng, mà hầu hết nông dân trong tỉnh đều phấn khởi, vì điều này đã giúp họ đỡ phần nào gánh nặng chi phí đầu vụ.
Trong khi giá phân bón giảm mạnh thì, giá giống cũng giảm nhẹ. Theo Trung tâm thì hiện giờ, giá bán các loại giống bằng hoặc thấp hơn các năm từ 500 đồng/kg. Cụ thể, những giống phổ thông như ĐV108, HT1... có giá 13.000 đồng/kg; các giống chất lượng như KDđột biến, ĐB6, OM6976... từ 17.500 – 18.000 đồng/kg. Riêng giá các loại lúa lai cao hơn mọi năm, như Nhị ưu 838 tăng từ 55.000 đồng/kg lên 62.000 – 63.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Lan, ngụ xã Đức Chánh (Mộ Đức) thì dù giá giống giảm không đáng kể nhưng nó cũng giúp nông dân bớt bị chủ các cửa hàng, đại lý o ép. Bởi “giá giống cao, thế nào đại lý cũng vẽ chuyện hết hàng để làm khó tụi tôi”, bà Lan lý giải.
…nhưng vẫn chưa yên tâm về chất lượng
Tuy vui vì giá bán giảm nhưng nông dân cho rằng, điều họ lo nhất là chất lượng. Lo đến nỗi dù đã mua phân bón tại văn phòng Công ty nhưng lão nông Nguyễn Dũng bảo “vẫn chưa yên tâm”. Thế nên trước khi nhận hàng, ông Dũng nằng nặc nhờ tôi xem giúp bao bì có đúng là của Urê Phú Mỹ hay NPK Bình Điền không. Khi tôi bảo “hàng chính hãng 100%”, ông Dũng cười bảo “chỗ này tôi mua hoài nhưng cẩn thận vẫn hơn cô à”.
Theo ông Ngô Đình Nhung- Giám đốc Công ty thì những lo lắng, nghi ngại của nông dân là hoàn toàn có cơ sở; nhất là khi tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, không nhãn mác đang được bày bán tràn lan.
Do đó, để củng cố niềm tin với nông dân, Công ty cam kết bán hàng “đúng giá, chất lượng đảm bảo” do những cơ sở sản xuất uy tín trong nước như Urê Hà Bắc, Phú Mỹ; NPK 5 lá, Bình Điền Quảng Trị, Sao Việt; Lân Ninh Bình, Long Thành… và các loại VTNN của Công ty CP bảo vệ thực vật An Giang, Vipesco (thuốc sát trùng Việt Nam) hay Nông Dược 2. Ngoài ra, để giúp nông dân tránh mua hàng dỏm giá cao, Công ty đã niêm yết công khai danh mục, xuất xứ và giá bán các loại sản phẩm phân bón, vật tư tại 6 cửa hàng ở các huyện Mộ Đức, Đức Phổ, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành và TP.Quảng Ngãi.
Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng các loại giống, phân bón, VTNN thì ngay từ đầu vụ, thanh tra Sở NN&PTNT cũng đã tiến hành nhiều đợt thanh kiểm tra ở tất cả các đơn vị, cơ sở sản xuất và cung ứng trên địa bàn tỉnh. Hy vọng rằng, sự vào cuộc kịp thời và nghiêm túc này sẽ giúp nông dân yên tâm, bớt nỗi lo mua phải hàng dỏm giá cao.
Nguồn bài viết: http://baoquangngai.vn/channel/2025/201412/thi-truong-giong-phan-bon-vat-tu-nong-nghiep-gia-giam-chat-luong-dam-bao-2357931/
Có thể bạn quan tâm

Đó là chủ đề chính trong hội thảo khoa học vừa được Sở Khoa học và Công nghệ, UBND huyện Chợ Lách và Ban Quản lý Dự án DBRP phối hợp tổ chức tại Chợ Lách (Bến Tre). Nhiều nhà khoa học đến từ các viện, trường và hàng trăm nông dân trong, ngoài tỉnh đã đến dự.

Lâu nay, nghề chăn nuôi hươu ở huyện miền núi Hương Sơn đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Đặc biệt trong thời gian gần đây bằng nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp nên nghề chăn nuôi hươu trên địa bàn đã có bước phát triển vượt bậc, việc xây dựng mô hình theo hướng tập trung hàng hóa thực sự có sức lan tỏa rộng lớn trong nếp nghĩ, cách làm của hầu hết người dân.

Tại buổi tập huấn, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con tìm hiểu các triệu chứng, đặc điểm, chu trình gây hại của ruồi đục quả và biện pháp phòng trừ bằng bẫy bả sinh học Ento – Pro. Qua đó giúp nông dân phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm táo.

Tổng kết sản xuất vụ thu đông năm 2012, nông dân xã Tân Thạnh – vùng đầu nguồn của thị xã. Tân Châu (tỉnh An Giang) vô cùng phấn khởi bởi hiệu quả từ cánh đồng mẫu mang lại. Với năng suất thu hoạch đạt 7,1 tấn/ha, giá lúa 5.000 đồng/kg, giá thành sản xuất chỉ 2.800 đồng/kg; sau khi trừ chi phí còn thu lợi nhuận trên mỗi ha 15,5 triệu đồng.

Đối với loại vỏ xơ mít ủ chua cùng bột ngô theo tỷ lệ 3%, 6% và 9% trong thành phần với thời gian trên 90 ngày. Sử dụng vỏ xơ mít ủ chua nuôi bò, hiệu quả kinh tế cao hơn cho ăn rơm ủ urê. Kết quả là nhằm kết hợp tốt giữa sản xuất cây công nghiệp và cây ăn quả với chăn nuôi.