Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thí điểm sản xuất, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi tháo gỡ vướng mắc về vốn

Thí điểm sản xuất, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi tháo gỡ vướng mắc về vốn
Ngày đăng: 24/07/2015

Đó là ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Vũ Văn Tám tại hội nghị sơ kết 6 tháng Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi tại 3 tỉnh chủ lực về khai thác cá ngừ Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa, do Bộ NN-PTNT vừa tổ chức tại TP Tuy Hòa (Phú Yên).

Đề án thí điểm chuỗi giá trị cá ngừ tại Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa được Bộ NN-PTNT phê duyệt vào đầu tháng 8 năm ngoái.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết, việc thí điểm tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị là khâu đột phá để thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Khi nghề khai thác cá ngừ đại dương phát triển sẽ góp phần thúc đẩy hiện đại hóa tàu cá và công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm, tạo tiền đề để phát triển khai thác xa bờ.

Sau khi đề án thí điểm được Bộ NN-PTNT phê duyệt, nhiều công việc cụ thể đã được triển khai ngay như tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật khai thác. Tuy nhiên việc khai thác theo chuỗi giá trị vẫn còn quá mới đối với ngư dân.

Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, hiện nay 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa có 2.826 tàu khai thác cá ngừ. Tính đến 6 tháng đầu năm 2015, sản lượng khai thác cá ngừ vây vàng và mắt to đạt 9.807 tấn và sản lượng cá ngừ vằn đạt khoảng 32.650 tấn.

Tuy nhiên trong đó, chỉ khoảng 70% tàu khai thác đủ chi phí và có lãi, 30% tàu còn lại khai thác không bù đắp đủ chi phí. Mặc dù hiện nay, có 3 chuỗi liên kết chính đang được triển khai là chuỗi liên kết hoàn toàn của DN; chuỗi liên kết DN – chủ vựa – ngư dân và chuỗi liên kết giữa DN - ngư dân; song đến nay hiệu quả của việc chuyển đổi từ khai thác tự phát sang khai thác theo chuỗi giá trị lại chưa được nhìn thấy rõ ràng, còn vấp phải một số khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, tại Phú Yên, Cty CP Bá Hải đã liên kết và ký hợp đồng với 8 tổ, đội sản xuất trên biển gồm 72 chủ tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân TP Tuy Hòa. Theo đại diện Cty CP Bá Hải, tính đến nay đơn vị đã làm việc với Cty Nikko Nhật Bản để ứng dụng công nghệ sản xuất nước đá từ nước biển cho các tàu của ngư dân trong chuỗi.

Đồng thời đang phối hợp với Hải đoàn 128 xây dựng điểm thu mua cá, cung cấp nhiên liệu, đá lạnh, thực phẩm… trên biển cho các tàu cá của bà con ngư dân và tổ chức vận chuyển cá khai thác vào bờ trong thời gian ngắn nhất… Tuy nhiên mặc dù chuỗi liên kết đã đi vào hoạt động, nhưng đến nay ngư dân trong chuỗi chưa bán sản phẩm cho Cty. Ngư dân lý giải chưa vay được vốn lưu động theo Nghị định 67 nên vẫn còn lệ thuộc vốn vào các chủ nậu, vựa.

Còn tại Bình Định hiện triển khai chuỗi theo mô hình liên kết giữa Cty CP thủy sản Bình Định và ngư dân. Theo chuỗi liên kết này, ngư dân sẽ được hưởng lợi từ phía Cty như nhận thiết bị khai thác, được đào tạo, mua giá cá cao hơn thị trường. Ngư dân phải cam kết thực hiện đưa cá lên tàu, sơ chế, bảo quản theo đúng quy trình kỹ thuật của Cty. Thế nhưng trong quá trình triển khai, 4/5 tàu đã không chấp hành theo cam kết.

Bà Cao Thị Kim Lan, GĐ Cty CP thủy sản Bình Định cho biết, các chủ tàu tham gia chuỗi liên kết đã thực hiện không đúng cam kết, vẫn có tình trạng vừa bán cho DN, vừa bán cho các chủ vựa. Nguyên nhân là trước đó các chủ tàu đã vay tiền của các chủ vựa này để mua các trang thiết bị cho tàu nên phải bán cho họ. Bên cạnh đó, ngư dân vẫn chưa đảm bảo đúng quy trình bảo quản cá nên chất lượng cá chưa đảm bảo.

“Từ khi tham gia chuỗi liên kết DN toàn bù lỗ mà chưa nhận được một sự hỗ trợ nào”, bà Lan than thở.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ đạo, để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cá ngừ đại dương theo hướng công nghiệp, hiện đại, trong thời gian tới 3 tỉnh cần tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ quản lý quy hoạch nghề khai thác cá ngừ đại dương; phát triển đội tàu theo hướng nâng cấp, cải hoán đội tàu hiện có, đóng mới tàu khai thác và tàu dịch vụ khai thác cá ngừ hiện đại; xây dựng đồng bộ cơ sở dịch vụ hậu cần cá ngừ đại dương; tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực... Đặc biệt cần tập trung tháo gỡ những vướng mắt về vốn để các chuỗi liên kết thực sự tạo ra những giá trị theo hướng công nghiệp, hiện đại.


Có thể bạn quan tâm

Mô hình nuôi lươn không bùn ở Cẩm Khê Mô hình nuôi lươn không bùn ở Cẩm Khê

Thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp cận đô thị, huyện Cẩm Khê đã đưa mô hình nuôi lươn không bùn vào nuôi ở 2 xã Sai Nga và Đồng Cam mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là mô hình của ông Nguyễn Quốc Khải ở khu Đồng Kệ xã Đồng Cam và chị Nguyễn Thị Thủy ở khu 5 xã Sai Nga, nuôi lươn trên bể xi măng lót bạt không bùn để cung ứng cho thị trường sản phẩm lươn sạch.

05/06/2015
Giống lúa JO2 cho hiệu quả kinh tế cao ở Thanh Ba Giống lúa JO2 cho hiệu quả kinh tế cao ở Thanh Ba

J02 là giống lúa thuần có nguồn gốc từ Nhật Bản do Viện Di truyền nông nghiệp nhập nội và tuyển chọn, đã được đưa vào trồng thử nghiệm trên địa bàn tỉnh khoảng 5- 6 năm nay.

05/06/2015
Nâng đơn giá chi trả dịch vụ môi trường rừng Nâng đơn giá chi trả dịch vụ môi trường rừng

Người dân ở miền núi được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24.9.2010 của Chính phủ đã bảo vệ hiệu quả diện tích rừng được giao. Sở NN&PTNT đã xây dựng phương án nâng mức chi trả DVMTR cho những khu vực có mức giá thấp.

05/06/2015
Một ngày ra biển của ngư dân Một ngày ra biển của ngư dân

Dù ngư trường đánh bắt rộng lớn với nhiều loại thủy hải sản phong phú, đa dạng, nhưng từ đầu tháng 2 cho đến cuối tháng 6 (âm lịch), ngư dân thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) lại chọn đánh bắt tôm hùm, mực nang... Chính hai loại đặc sản này đã mang lại thu nhập cao cho ngư dân sau mỗi chuyến ra khơi...

05/06/2015
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu để bảo vệ môi trường bền vững Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu để bảo vệ môi trường bền vững

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, trong đó nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng và có sự tham gia, giám sát của toàn xã hội.

05/06/2015